Họa sĩ Triệu Minh Hải và những đường chì "phi trật tự"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tự nhận nghệ thuật của mình hơi “kén” khán giả phổ thông, việc tham gia triển lãm “Art In The Forest” (AIF) 2018 tại Flamingo Đại Lải Resort với Triệu Minh Hải là một dịp để anh… được trăn trở với chiều sâu tác phẩm của mình.

Tôi hẹn gặp Triệu Minh Hải khi anh vừa kết thúc công việc thường nhật tại một trường nghệ thuật. Khác với hình dung của tôi, Hải nom nhỏ người, chẳng mấy khi cười lớn và ánh mắt vừa mạnh mẽ, vừa đầy say mê khi nói về nghệ thuật.

Bước vào nơi làm việc của Hải, cảm giác đầu tiên không phải sự choáng ngợp về chất liệu hay không gian lộn xộn thường thấy ở các phòng vẽ, thay vào đó là sự chỉn chu và khoa học đến bất ngờ. Mỗi góc phòng là một “phân khu” riêng biệt. Tranh của Hải cũng vậy, nó là sự sắp xếp tài tình của các đường chì, không chỉ mang vẻ đẹp trên bề mặt mà còn hàm chứa ý nghĩa từ các tầng sâu.

Nghệ thuật là hơi thở

Trăn trở có lẽ là từ khóa dành riêng cho Hải. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật năm 2013, sau một thời gian làm việc trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, Triệu Minh Hải đặc biệt có những trăn trở về không gian nghệ thuật trong tác phẩm, nhất là chiều sâu và sự kích thích thị giác.

Hải thể hiện các tác phẩm của mình bằng chì. Quan sát cách anh say mê với các bức tranh, không khó nhận ra ở anh là một nghệ sĩ đang miệt mài trên hành trình bền bỉ sáng tạo nghệ thuật mà không bị tác động bởi thị trường hay bất kỳ yếu tố nào bên ngoài. Tác phẩm của Hải luôn khiến người xem phải dừng lại rất lâu để cảm nhận từng đường nét lúc thanh, lúc mảnh, lúc đậm, lúc chơi vơi.

Với nghệ thuật đương đại, khi mà lứa nghệ sĩ mới mang rất nhiều sự tự tin, hoài bão và khát khao chiếm lĩnh các bậc thang nghệ thuật, sáng tác không đơn giản là một công việc mà là một hành trình. Hành trình này của Hải luôn có sự khắt khe cao độ của một nghệ sĩ có tư duy “khoa học”, nhưng sự gợi mở, độ “bay” của tác phẩm vẫn khiến người xem phải “chậm lại một chút” để thưởng thức cho kỳ hết.

Một bức tranh có thể nhận thấy được màu sắc, đường nét ngay tức khắc khi nhìn, nhưng chẳng thể nào đoán được hết tất thảy những dụng ý nghệ thuật qua chiều sâu của không gian mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm. Điều này lý giải vì sao khi thưởng thức tranh, người ta thường dừng lại thật lâu, để ngẫm nghĩ và suy tư về những điều mà người nghệ sĩ đang cất giấu đằng sau những nét vẽ, mảng màu.

Đôi khi phía sau một bức tranh là cả một sự cô đơn diệu vợi, cũng có khi đó là sự khát khao đến tận cùng được tìm thấy bản ngã. Đó là điều có thể cảm nhận từ tranh của Hải.


 

 Tác phẩm của Triệu Minh Hải không chỉ lôi cuốn về mặt thị giác mà còn thể hiện một sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy khoa học và nghệ thuật
Tác phẩm của Triệu Minh Hải không chỉ lôi cuốn về mặt thị giác mà còn thể hiện một sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy khoa học và nghệ thuật



Hải nói, nỗi băn khoăn về những điều vô tận, về giới hạn, sự sắp đặt có trật tự và phi trật tự của các đường nét cuộc sống cứ bám lấy anh, xuyên suốt và dai dẳng.


Nghệ thuật đôi khi “mất trật tự”


Triệu Minh Hải thừa nhận rằng nghệ thuật của anh hơi… khó cảm thụ. Đằng sau mỗi bức tranh đều chồng chất nhiều lớp nghĩa, chúng liên kết với nhau một cách trật tự bằng sợi dây vô hình và được bao phủ bởi bề mặt là những đường chì... phi trật tự.

Những sự vật trong tranh của Hải lúc nào cũng tràn trề năng lượng của sự sinh sôi, phun trào. Những hình dạng trong tranh của anh có các đường nét, dáng dấp của nhân dạng. Chúng mềm mại chuyển động, uốn người, xoay tròn, thậm chí gập mình bằng những chuyển động vật lý. Cấu tứ, đường nét được thể hiện bằng các đường chì gấp khúc mạnh mẽ, đứt đoạn, nhưng trên tổng thể lại mềm mại vô cùng.

Tất cả điều đó tạo nên ấn tượng riêng có trong tác phẩm của Hải mà khi nhìn vào, ta hình dung gần như trọn vẹn một câu chuyện, một hành trình, một trải nghiệm hay một trời trăn trở.

 

 Series tranh của Hải phần lớn tập trung vào các chuyển động dường như rất vô chừng nhưng thực chất lại vô cùng chính xác
Series tranh của Hải phần lớn tập trung vào các chuyển động dường như rất vô chừng nhưng thực chất lại vô cùng chính xác



“Art In The Forest” và khoảng trời của Hải  

Tự nhận nghệ thuật của mình hơi “kén” khán giả phổ thông, việc tham gia triển lãm “Art In The Forest” (AIF) 2018 tại Flamingo Đại Lải Resort với anh là một dịp để… được trăn trở với chiều sâu tác phẩm của mình. Làm sao để công chúng “chạm” được đến ranh giới nghệ thuật? Làm sao để họ cảm thụ tác phẩm bằng cái tâm, bằng sự trân trọng nghệ thuật đúng nghĩa?

“Sự eo hẹp trong góc nhìn nghệ thuật khiến đời sống tinh thần bị bó buộc. Hy vọng rằng cuộc sống vật chất tính toán không quật ngã người nghệ sĩ, để họ còn đủ thời gian, đủ điều kiện, đủ năng lượng cho sự sáng tạo. Sẽ rất lý tưởng nếu những triển lãm giữa không gian khoáng đạt, gợi mở như AIF tạo ra được một lối thưởng thức nghệ thuật đúng nghĩa, một thế hệ công chúng đúng nghĩa. Với nghệ sĩ, có một không gian thoải mái sáng tạo, không bị đè nặng bởi kinh phí hay nhà tài trợ là điều quá tốt trên chặng đường sự nghiệp” – Triệu Minh Hải chia sẻ.


 

Theo Hải, bản chất của tranh đã là hình học tự nhiên, vì thế nó sẽ thích ứng được với không gian xanh tại AIF 2018
Theo Hải, bản chất của tranh đã là hình học tự nhiên, vì thế nó sẽ thích ứng được với không gian xanh tại AIF 2018



Tại “Art in the Forest” 2018 lần này, mỗi nghệ sĩ có một studio trưng bày tác phẩm riêng, đó là các container được thiết kế độc lập nằm giữa không gian rừng thông xanh mát.  

Riêng với phòng trưng bày của Triệu Minh Hải tại AIF 2018, sẽ không chỉ là những bức tranh [MOU3] đơn thuần mà là sự kết hợp của sự chuyển động về hình ảnh và âm thanh mô phỏng ấn tượng của Video art. Không gian nghệ thuật mở tọa lạc giữa mảng xanh cao vút của rừng thông, với một bên là hồ Đại Lải chính là “khoảng trời của Hải”, nơi mỗi tác phẩm nghệ thuật giao hòa với trời đất, rừng, hồ, có thể đánh thức mọi giác quan và chạm tới cảm xúc của mỗi người.


Art In The Forest là chương trình nghệ thuật thị giác vì cộng đồng được tổ chức thường niên từ năm 2015 đến nay. Năm 2016, chương trình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bình chọn trong Top 5 sự kiện mỹ thuật Quốc gia tiêu biểu, đồng thời Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng xác lập kỷ lục “Khu Resort có không gian nghệ thuật bên hồ lớn nhất Việt Nam” cho Flamingo Đại Lải Resort.

Art In The Forest 2018 sẽ diễn ra từ ngày 1-12-2018 và kéo dài đến tháng 5-2019 với sự tham dự của 9 nghệ sĩ với các tác phẩm hội họa, điêu khắc.


Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.