Nhà thơ Du Tử Lê: "Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Viết về Du Tử Lê mà chỉ nói đến thơ là… hết sức thừa thãi, nên bài viết này chỉ là một chút ghi chép về thời gian ngắn ngủi của anh và chị Hạnh Tuyền trong lần trở lại Phố núi cách đây vài ngày và cả một chút riêng tư của họ.
“Tôi xem Pleiku như là quê hương thứ 2”-anh nói thế không chỉ vì khoảng thời gian đã từng sống và làm việc ở đây mà còn vì “Ở đây lạ lắm! Chỉ cần có một chút dây mơ rễ má là khó dứt ra được”. Cũng bởi cái “dây mơ rễ má” của Du Tử Lê quá đặc biệt khi Pleiku chính là nơi đã định duyên mối tình giữa nhà thơ với cô gái xứ Huế Hạnh Tuyền. Lúc ấy, chị đang dạy văn tại Trường Bán công Phạm Hồng Thái nay là Trường THCS Phạm Hồng Thái. Ở Pleiku, hiện giờ chị vẫn còn đó một lứa học trò luôn dành cho chị ăm ắp tình cảm mỗi lần gặp lại. Nghe kể, có lần anh chị đã thẳng thừng từ chối một chuyến du lịch hấp dẫn qua vài nước, khởi hành từ Sài Gòn, mà để dành thời gian cho Pleiku, một nơi mà họ đã “gởi hồn ở lại”.
Ảnh: Nguyễn Sơn
Ảnh: Nguyễn Sơn
Nhìn họ luôn bên cạnh nhau, rồi cái cách chị quan tâm, chăm sóc anh mới thấy họ viên mãn đến chừng nào. Áng chừng Hạnh Tuyền không chỉ là một nửa mà phải đến… ba phần tư của Du Tử Lê.
Có một chút âm thầm trong lần về này: không sự kiện thơ nhạc, không giao lưu có amply và micro như mọi khi, nhưng cùng thưởng thức cà phê là chuyện tất nhiên phải có. Mọi thứ đã không như anh muốn là chỉ một buổi sáng với 2 tiếng đồng hồ gặp gỡ những người thân quen. Trong 3 ngày ở Pleiku, nhà thơ trân mình, nhưng rất vui vẻ ngày 2 buổi túc trực ở một quán cà phê nhỏ để trò chuyện cùng rất nhiều người lạ quen.
Còn nhớ, cách đây 2 năm, khách đến dự đêm “Khúc Thụy Du” giới thiệu tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn”-một trong gần 10 đầu sách của Du Tử Lê đã được phát hành trong nước, do Hội Nhà văn Việt Nam và Liên Việt Books xuất bản-gần như hầu hết thuộc lứa 5X, 6X hoặc các tên tuổi văn chương của địa phương. Cũng là một thực tế khi các thế hệ sau này khó tiếp cận thơ Du Tử Lê vì nhiều lý do. Tuy nhiên, chính tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng phổ từ bài thơ “Khúc Thụy Du” của anh đã trở thành chiếc cầu nối giúp những người thuộc thế hệ sau này tìm hiểu về Du Tử Lê ngày càng nhiều; dù rằng “Khúc Thụy Du”, với anh, không phải là một trong những sáng tác anh tâm đắc. Có một cô gái trẻ, rất trẻ ngồi suốt buổi sáng bên ly smoothie chờ một khoảng lặng hiếm hoi quanh nhà thơ để ngỏ lời được gặp và trò chuyện. Nghe cô gái ấy bộc bạch mới thấy, “Khúc Thụy Du” chỉ là chuyện nhỏ trong những gì cô biết về Du Tử Lê.
Dù gặp gỡ, trò chuyện với ai tính cách của anh vẫn vậy, “ông hiền lành đến độ khó có thể hiền hơn. Nhưng ẩn trong ấy là sự thông minh, trí tuệ và lịch lãm...” (Văn Công Hùng-”Một lần với nhà thơ Du Tử Lê”); “Dù là một nhà thơ lớn, nhưng phong cách giản dị, gần gũi tạo cho người đối diện không còn bỡ ngỡ, rụt rè khi tiếp xúc” (Lê Hát Sơn-”Tâm Ước”). Một nhà báo trẻ thì rất teen: “Chú dễ thương quá! Cứ như quen từ thuở nào”.
Nhớ lần đầu anh trở lại cách đây nhiều năm, gặp anh ở sảnh đón khách của Cảng Hàng không Pleiku, tôi bảo: “Cù Hanh đấy anh”. Anh thốt lên: “Không phải! Không thể!”. Tôi hiểu cái ngỡ ngàng của anh, 40 năm rồi còn gì. Mới đây, tôi lại hỏi: “Không báo trước, bỗng anh thấy mình đứng giữa thành phố này thì anh có nhận ra Pleiku không?”-”Không thể nhận ra, thay đổi quá! Phồn thịnh quá! Rất tuyệt vời!”. Lát sau, trên đường đến thăm nhà một người bạn ở ngoại ô, ngang qua con dốc với cánh rừng thông xanh mướt vừa tuổi lớn, nhìn ánh mắt anh và nghe chị trầm trồ, tôi nhận ra niềm hân hoan pha chút tiếc nuối về những gì của Pleiku xưa trong ký ức: “Khi ta trở lại rừng/Chỉ còn nghe gió hú/Cành trơ những tay sương/Lá yên phần rã mục/Suối khô đời giang hồ/Biển quên hồn vật vã/Và những bông hoa quỳ/Rét vàng vai cỏ héo/Không còn dấu vết nào/Cho ta tìm ta nữa...”(Du Tử Lê-”Pleiku và hoa quỳ”).
Quỳ vàng, thông xanh của anh dẫu có bớt đi để nhường chỗ cho cái phồn thịnh đã khiến anh ngỡ ngàng, nhưng vẫn còn đó để mỗi lần trở về, Pleiku sẽ dành cho anh chị đủ cảm xúc của cũ và mới. Trên đường ra sân bay, giã từ Phố núi, một tin nhắn dành cho tôi và chắc là cho cả thành phố này từ Du Tử Lê: “NHỚ...! Năm sau, hãy về đúng mùa vàng dã quỳ, cùng cỏ hồng, cùng thêm nữa những tình thân, Pleiku sẽ trao thêm nỗi nhớ...”.
Pleiku trong lòng họ da diết vậy đó. Tôi bỗng nhớ những câu trong một bài thơ cũng nổi tiếng không kém của anh: “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời/Chim về góc biển. bóng ra khơi/Lòng tôi lũng thấp. Tâm hiu quạnh/Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi....” (Du Tử Lê-”Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời”).
Nguyễn Sơn

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.