Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Hãy làm chủ cảm hứng trong sáng tác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nguyễn Nhật Ánh, cái tên đã trở thành một thương hiệu, đến mức khi đi tìm sách cho lứa tuổi thiếu nhi, thiếu niên, bạn đọc không cần nhớ tên sách mà chỉ cần nói “sách Nguyễn Nhật Ánh” là người bán sách hiểu...

Hơn 30 năm sáng tác đồng nghĩa với hơn 30 năm thành công cả về số lượng tác phẩm và niềm hâm mộ của bạn đọc, Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành một hiện tượng độc đáo chưa có tiền lệ trong văn chương. Nhân dịp hè 2018, phóng viên Báo SGGP đã có dịp trò chuyện, trao đổi với ông xung quanh công việc sáng tác văn chương.


- PHÓNG VIÊN: Anh có thể cho biết kinh nghiệm để một tác giả có thể duy trì được sức hấp dẫn lâu dài về thời gian và qua nhiều thế hệ đến thế không?

- Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH: Về mặt làm nghề, tôi nghĩ nhà văn phải duy trì phong độ bằng cách làm việc mỗi ngày. Đã làm nghề viết phải thường xuyên cọ xát với chữ nghĩa bằng cách lúc nào cũng viết và đọc, tức là phải tắm mình trong môi trường chữ nghĩa, bằng cách này hay cách khác.

Ông bà ta đã đúc kết điều này bằng câu nói ngắn gọn: “văn ôn võ luyện”. Và điều quan trọng nhất là nhà văn phải cảm thấy hứng thú, thậm chí say mê với đề tài mình đang đeo đuổi.

Theo kinh nghiệm của tôi, để được như vậy người viết ngay từ đầu phải chọn đúng đề tài phù hợp với tâm tính và thiên hướng sáng tạo của mình.


 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách độc giả
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách độc giả




- Trong một lần phỏng vấn gần đây, anh có nói là tác phẩm mới nhất Cây chuối non đi giày xanh anh viết về tình bạn, tình yêu một cách nhẹ nhàng, bởi trước đó trong tác phẩm Ngày xưa có một chuyện tình anh đã viết phức tạp và nặng nề hơn. Anh có thể cho biết, vì sao có lúc anh lựa chọn xây dựng những câu chuyện cho thiếu nhi nhẹ nhàng, dí dỏm, nhưng cũng lại có khi chọn cách mạnh mẽ, dữ dội?

-  Thiên hướng của tôi là viết về tuổi thơ - quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người. Tuổi thơ của ai cũng vậy, đa số là tươi tắn, trong trẻo, nhẹ nhàng. Tâm hồn tôi thích hợp với những phẩm chất đó - trong văn chương cũng vậy và ngoài đời cũng vậy.

Tôi không đủ can đảm xem các tai nạn máu me ngoài phố hay những cảnh đâm chém. Xem phim ma hay phim kinh dị, tôi gặp ác mộng cả tuần liền, vì vậy sau một lần “trót dại” tôi không bao giờ xem loại phim này nữa.

Ngay cả phim tài liệu khoa học như chương trình Discovery trên tivi, khi thấy cảnh các con thú dữ như cọp, sư tử săn bắt và ăn thịt những con thú khác là tôi lập tức chuyển kênh. Vì những lý do nêu trên, tôi không thích viết những truyện dữ dội, nặng nề, bạo liệt.

Tác phẩm Ngày xưa có một chuyện tình tuy không bạo liệt lắm nhưng vẫn là một ngoại lệ đối với thói quen sáng tác của tôi. Lúc viết tác phẩm này, tôi chỉ tò mò muốn biết, nếu các nhân vật bé thơ của tôi lớn lên, gặp nhiều va đập trong cuộc sống và buộc phải chọn lựa giữa tình yêu và tình bạn, ích kỷ và hy sinh, tốt và xấu, chúng sẽ ứng xử như thế nào.

Thú thật, những dằn vặt và đấu tranh nội tâm của các nhân vật trong truyện này làm tôi mệt mỏi và căng thẳng ngay cả khi cuốn sách đã kết thúc. Đó là lý do sau đó tôi viết cuốn Cây chuối non đi giày xanh như một cách trở về với vùng trời quen thuộc của mình - ấm áp, trong trẻo, nhẹ nhàng. Tôi yêu những cuốn sách như thế, vì nó giúp tôi lấy lại cân bằng, khiến tâm hồn tôi thấy dễ chịu.

- Có ý kiến cho rằng, các tác phẩm của anh thu hút không chỉ bạn đọc nhỏ tuổi mà cả những bạn đọc lớn tuổi, bởi trong sách của anh, bạn đọc tìm được sự trong sáng, lãng mạn, kể cả có bi kịch, mất mát cũng là trong tình yêu chứ ít khi anh viết về những mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống (nếu có cũng rất mờ nhạt). Đây có phải là tôn chỉ sáng tác của anh không?

- Đấy không phải là tôn chỉ của tôi. Như tôi đã nói ở trên, gọi là thiên hướng sáng tác thì đúng hơn. Thiên hướng sáng tác luôn nằm ngoài ý chí của cá nhân. Có những nhà văn khác có thiên hướng sáng tác khác tôi. Và họ viết rất giỏi về các mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống. Tôi rất phục những nhà văn viết khác mình nhưng tôi không thể viết (và viết hay) những gì không phù hợp với tâm tính (hay gọi là cái “tạng”) của tôi.

Hơn nữa, tôi nghĩ một nền văn chương lành mạnh, dân chủ và đa dạng luôn cần những nhà văn viết khác nhau. Tùy theo cá tính, trình độ, khuynh hướng thưởng ngoạn, độ tuổi…, độc giả sẽ có cơ hội chọn lựa những tác phẩm phù hợp với mình.

- Có một lần anh tiết lộ, mỗi ngày dù chưa biết sẽ viết gì anh vẫn ngồi vào bàn nhằm duy trì thói quen sáng tác, có phải đó là nguyên nhân giúp anh giữ được phong độ suốt một khoảng thời gian dài? Anh có lời khuyên gì khi một số tác giả trẻ sau một hoặc hai tác phẩm thành công lại mất đi cảm hứng sáng tác, không thể giữ được phong độ?

- Thói quen viết và thói quen đọc, đó là hai yêu cầu của những người muốn theo nghề văn một cách dài lâu. Điều đó tốt nhất là nên diễn ra hàng ngày.

Thoạt đầu thì nó có vẻ như là “kỷ luật lao động”, nhưng nếu viết văn là công việc đem lại hưng phấn cho bạn, thì nó không còn là “kỷ luật” nữa, mà trở thành “thói quen lao động” hay “niềm vui lao động”. Mà không chỉ viết văn, chuyện gì cũng vậy, làm việc vì niềm vui, vì sự hứng thú sẽ tốt hơn và lâu bền hơn là làm việc vì sự gò bó.

Với nghề văn, “thói quen lao động” sẽ đưa đến một thói quen tuyệt vời khác là thói quen “làm chủ cảm hứng”. Tức là khi chiếc đồng hồ sinh học của bạn đã được điều chỉnh và vận hành đều đặn mỗi ngày, khi bạn ngồi vào bàn viết, cảm hứng sáng tạo sẽ tự động được kích hoạt chứ không cần phải đợi nó đến (và không biết bao giờ đến!).

- Có nhiều ý kiến cho rằng, nhà văn khi đến một lứa tuổi nào đó mà viết cho thiếu nhi thường là viết về thiếu nhi thời của họ như một dạng hoài niệm chứ không phải thiếu nhi thời hiện tại nên bạn đọc nhỏ tuổi hiện nay khó đón nhận. Anh nghĩ sao về nhận xét này?

- Tôi nghĩ nhận xét này có lẽ không đúng cho mọi nhà văn viết cho thiếu nhi. Theo tôi, nhà văn thường sáng tác dựa trên 3 nguồn: ký ức, óc quan sát và trí tưởng tượng. Ký ức giúp nhà văn viết về hoài niệm, còn óc quan sát giúp nhà văn viết về cái hiện tại, trí tưởng tượng giúp nhà văn trộn lẫn hai hiện thực này với nhau.

Chẳng hạn Còn chút gì để nhớ, Mắt biếc, Cây chuối non đi giày xanh là các tác phẩm hoài niệm, còn Phòng trọ ba người, Ngôi trường mọi khi và Kính vạn hoa là những tác phẩm tôi viết về cái hiện nay. Trí tưởng tượng giúp tôi vượt ra khỏi quy ước của 2 thể loại trên với Chuyện xứ Lang Biang, Tôi là Bêtô, Chúc một ngày tốt lành, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng…

- Anh có nhiều tác phẩm được dựng thành phim và rất thành công. Theo anh, với vai trò tác giả của tác phẩm văn học gốc, điều gì đã khiến các tác phẩm điện ảnh thu hút đến vậy? Anh nhận xét sao về những thay đổi của đạo diễn so với tác phẩm gốc?

- Một tác phẩm văn học được chuyển thể điện ảnh là dịp để cho tác phẩm đó có thêm một cuộc sống khác. Về mặt tinh thần, bạn đọc sẽ được thưởng thức một món ăn tới 2 lần, với cách chế biến khác nhau và hương vị khác nhau tuy cùng một nguyên liệu.

Quan niệm như vậy nên tôi không cực đoan đến mức đòi hỏi các đạo diễn phải trung thành tuyệt đối với tác phẩm gốc. Tôi chỉ hy vọng từ nguyên liệu văn học của tôi, các đạo diễn sẽ làm nên một bộ phim hay - vậy là đủ. Nếu thành công trong việc trung thành với nguyên tác văn học mà thất bại về mặt điện ảnh thì đó là điều tôi không mong muốn.

Dĩ nhiên, tinh thần và thông điệp của tác phẩm thì các đạo diễn cần phải gìn giữ, ngoài ra những thao tác khác, tôi nghĩ họ có quyền của họ. Đạo diễn cũng chẳng khác gì nhà văn, họ là những nhà sáng tác. Họ có khoảng trời sáng tạo riêng và tôi tôn trọng điều đó

Tường Vy thực hiện (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.