Nét vẽ quyến rũ của nữ họa sĩ Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đúng dịp Quốc tế Phụ nữ 8-3, 4 nữ họa sĩ Việt Nam góp mặt tại triển lãm Mỹ thuật Đông Nam Á "Khúc ca xuân" ở Trung Quốc với những bức tranh tràn đầy nét nữ tính quyến rũ

Công chúng yêu nghệ thuật được chiêm ngưỡng những bức tranh của các nữ họa sĩ đương đại. Tham dự triển lãm dành riêng cho họa sĩ nữ lần đầu tiên được tổ chức ở tầm khu vực cũng chứng tỏ những bước tiến đáng kể trên con đường mang nghệ thuật Việt vươn ra thế giới.

 Tranh của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm
Tranh của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm
Vẻ đẹp đầy nữ tính
Triển lãm "Khúc ca xuân" đang diễn ra tại thành phố Nam Kinh - Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 8 đến hết 16-3, nhằm chào đón mùa xuân và cũng mang ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp dành riêng cho phái nữ, được sở văn hóa và truyền thông, sở ngoại vụ và trung tâm bảo tồn Hoàng Thành TP Nam Kinh tổ chức mời các nữ họa sĩ, với 22 gương mặt đại diện đến từ 4 quốc gia Đông Nam Á bao gồm: Myanmar, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Triển lãm trưng bày các tác phẩm hội họa đa chất liệu và phong cách từ 4 quốc gia có những nền văn hóa khác biệt, trong khuôn khổ những hoạt động bảo tồn, thúc đẩy và kết nối nghệ thuật phạm vi quốc tế và khu vực.
Công chúng yêu nghệ thuật sẽ được chiêm ngắm các tác phẩm của 4 nữ họa sĩ nổi bật trong hội họa đương đại Việt Nam, gồm: Nguyễn Thị Tâm, Trần Thùy Linh, Huỳnh Phương Thị Đài Trang và Việt Thị Kim Quyên tham gia triển lãm lần này với các tác phẩm chất liệu sơn dầu, acrylic và tổng hợp.
4 nữ họa sĩ đem đến triển lãm các tác phẩm đầy nét đẹp nữ tính quyến rũ nhưng cũng đầy rắn rỏi, quyết liệt thể hiện đam mê, sự kiên định và ý chí sáng tạo, cái đẹp dịu dàng bí ẩn đầy tính khám phá như những cuộc phiêu lưu thú vị.
 Tranh của nữ họa sĩ Trần Thùy Linh
Tranh của nữ họa sĩ Trần Thùy Linh
Sen trên lụa dát vàng, hồn Việt qua tranh phong cảnh
Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm năm nay đã ở lứa tuổi 82, suốt hơn 60 năm cầm cọ, bà không thể nhớ được mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh, tham gia quá nhiều triển lãm nhưng hầu như bà luôn trung thành với đề tài sen, chất liệu lụa và bút pháp hiện thực. Nữ họa sĩ đã nhiều lần có những triển lãm "Bồng bềnh với sen" năm 70 tuổi, "Thì thầm với sen" năm 75 tuổi… Những bức vẽ sen trên lụa được dát vàng thật của bà đã trở thành biểu tượng chuyển tải ý nghĩa của văn hóa Việt với bạn bè thế giới.
Theo đuổi, gắn bó với chất liệu lụa, nữ họa sĩ từng được công nhận là họa sĩ vẽ lụa nhiều nhất Việt Nam. Với họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, bà luôn mang tâm sự giữ gìn và phát huy dòng tranh từ thời danh họa Nguyễn Phan Chánh đã vinh danh chất liệu lụa cổ truyền. Nữ họa sĩ cho rằng chất liệu này có nhiều tương đồng và phản ánh được tính cách người Việt vì muốn vẽ được tranh trên lụa, người họa sĩ ngoài tài năng thiên bẩm còn phải rất kỹ tính, nhẫn nại, đây là những đức tính quý báu cần được gìn giữ của người Việt.
Họa sĩ Việt Thị Kim Quyên gây ấn tượng với công chúng yêu nghệ thuật bằng cách thả hồn vào những bức tranh phong cảnh Việt Nam ghi dấu chân trong những ngày cầm cọ lang thang khắp nhiều miền đất nước. Tranh Việt Thị Kim Quyên với bút pháp ấn tượng mang tới cho người xem những nét vừa quen vừa lạ, rất truyền thống trong nội dung cấu tứ tranh nhưng lại rất mới mẻ với phong cách hội họa đương đại.
 Tranh của nữ họa sĩ Việt Thị Kim Quyên
Tranh của nữ họa sĩ Việt Thị Kim Quyên
Đối thoại cùng bản ngã
Hoạ sĩ - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM Huỳnh Phương Thị Đài Trang với đề tài hoa và cây rất gần gũi nhưng sử dụng chất liệu sơn dầu và bút pháp trừu tượng, chị đã trình bày những không gian tư duy đa chiều trong các tác phẩm trừu tượng nhằm chuyển tải những cảm xúc nội tâm của người họa sĩ.
Với họa sĩ Huỳnh Phương Thị Đài Trang, thông qua cảm xúc nghệ thuật, bằng ngôn ngữ hội họa, sáng tạo các tác phẩm có nội dung phong phú, đa dạng cả về chất liệu lẫn phong cách, đa dạng về thể loại như: tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh, tranh chân dung… ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên, ca ngợi quê hương đất nước, các nữ tác giả đã cho thấy thành tựu về chuyên môn trong lĩnh vực sáng tác.
 Tranh của nữ họa sĩ Huỳnh Phương Thị Đài Trang
Tranh của nữ họa sĩ Huỳnh Phương Thị Đài Trang
Đặc thù của họa sĩ nữ là sự kết hợp hài hòa giữa cuộc sống cá nhân, gia đình và niềm đam mê sáng tạo. Với riêng Huỳnh Phương Thị Đài Trang còn là nhiệm vụ giảng dạy và sáng tác, hỗ trợ cho công tác chuyên môn, công tác nghiên cứu khoa học, đòi hỏi ở người phụ nữ luôn có sự cân bằng, tỉnh táo giữa hiện thực cuộc sống và cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật, phấn đấu vươn lên hoàn thiện chính mình và nghề nghiệp.
Các họa sĩ Huỳnh Phương Thị Đài Trang và Trần Thùy Linh đã có rất nhiều dịp đồng hành với nhau trong các triển lãm trên nhiều thành phố và vùng miền đất nước với chất liệu sơn dầu và bút pháp trừu tượng chuyển tải cảm xúc nội tâm của họ về mối liên hệ giữa cá nhân với cuộc sống và thế giới. Họa sĩ Trần Thùy Linh mang tới triển lãm lần này những bức tranh về con đường tìm kiếm vũ trụ và những đối thoại với bản ngã của con người.
Thay lời chúc mừng, nhà phê bình mỹ thuật Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá rằng lần đầu tiên có một triển lãm dành riêng cho nữ họa sĩ mang tầm khu vực sẽ là một cột mốc mới trên con đường khẳng định mình của các nữ họa sĩ. 
 Bốn nữ họa sĩ tham dự triển lãm “Khúc ca xuân” khai mạc ngày 8-3 tại Nam Kinh - Trung Quốc
Bốn nữ họa sĩ tham dự triển lãm “Khúc ca xuân” khai mạc ngày 8-3 tại Nam Kinh - Trung Quốc
Mở cánh cửa giao lưu văn hóa
Ông Lương Xuân Đoàn nhận định: "Đây là một tin rất vui cho giới mỹ thuật Việt, đặc biệt là các nữ tác giả, lâu nay điều kiện để đi ra thế giới không phải lúc nào cũng thuận lợi".
"Dù mới chỉ là xuất hiện ở một "sân chơi" chung của các nước trong khu vực nhưng đây là cơ hội rất tốt. Với khuynh hướng sáng tác đã mở rộng ra nhiều, cảm nhận xã hội về mỹ thuật của các nữ họa sĩ đã mạnh mẽ hơn. Đặt mình trong tương quan chung của các nước trong khu vực, các tác giả sẽ hiểu rằng con đường đi của họ nên như thế nào trong thế kỷ mới. Trong thời đại thế giới phẳng như hiện nay, mỹ thuật Việt chắc chắn không đứng ngoài guồng máy toàn cầu. Triển lãm lần này chắc chắn là một lời chúc tốt lành để bước sang một thập kỷ mới tốt đẹp hơn cho hoạt động mỹ thuật Việt" - nhà phê bình mỹ thuật Lương Xuân Đoàn khẳng định.
Hòa Bình (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.