Con thằn lằn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiếng đứa con hàng xóm khóc rống lên, đập nát buổi trưa yên tĩnh của khu chung cư. An bịt chặt tai cũng không thoát được tiếng khóc đó, đầu anh càng thêm nhức. Những con số khó khăn lắm mới chạy ngay hàng thẳng lối được dịp nhảy hết ra khỏi đầu. Không tập trung được, anh bỏ dở báo cáo thu chi, nhào ra xem có chuyện gì. Chắc tiếng con cô Năm nhà 23. Anh nhớ là thằng con anh vừa mới xin qua bên hàng xóm chơi.

Ở hành lang, thằng Bim con hàng xóm đang giãy đành đạch trên sàn. Nó đang xanh mặt cố hất con thằn lằn nhựa bám dính trên tay. Thằng con An đứng chống nạnh nhìn, cười khanh khách. Vợ anh đứng kế bên có vẻ thích thú. Thấy má thằng nhỏ lật đật chạy lại, vợ anh mới lẹ làng lên tiếng giả bộ la con. Thằng con xụ mặt không hiểu sao má vừa mới xúi mình nhát thằng nhỏ, giờ lại lớn tiếng. Mặt nó như cái bánh tiêu ngâm nước phình ra một đống, hậm hực thò tay lượm con thằn lằn nhựa dẻo về.

 

Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương

An đứng yên nhìn, không buồn đẩy lại cái gọng kính đang sắp tuột vì vội vã chạy. An thở dài, bất lực. Vợ anh giành quyền dạy dỗ con, bằng cái cách để thằng nhỏ ăn hiếp mấy đứa con nít quanh xóm. Vậy con mới khỏe, mới mạnh, mới không nhát như ai kia-vợ An hay hờn mát như thế mỗi khi anh có ý kiến. Riết rồi anh hết muốn nói. Đành để mặc cho cô muốn làm gì làm. Mặc cô rinh về nhà đủ thứ thằn lằn, rắn rết, bò cạp từ bằng kim loại cho đến loại nhựa ngâm nước cho trương phềnh lên để thằng con đem phá từ đầu làng tới cuối xóm. Mà anh cũng không có thời gian để phàn nàn. Anh còn việc xếp đống.

Vợ An nói An nhát, vì anh hễ thấy con thằn lằn ở cự ly gần là nhăn mặt như thể gặp kẻ thù. Thật sự thì An không sợ thằn lằn. Cái giống bò sát bốn chân trắng nhờ nhờ ấy chỉ làm anh ghét. Nhìn nó, những kỷ niệm lẩn khuất đâu đó trong mạch máu trỗi dậy, đẩy thịt da cộm lên đau nhói. Anh coi con thằn lằn như kẻ thù, nhưng dù vậy anh vẫn không bắt từng con giết cho hết mà để đó mặc cho chúng bò loanh quanh bắt muỗi trên tường nhà mình. Anh cho phép chúng tồn tại, trong tầm mắt của anh, để chúng nhắc anh không được phép quên quá khứ. Câu chuyện đau lòng của tuổi thơ, quên gì nổi.

Hồi đó, An còn sống dưới quê. Gần nhà có con nhỏ Út lúc nào cười cũng không thấy mắt nên “chết tên” Út Hí. An chỉ chơi với đám con trai, nhưng nhiều lần vì sức yếu nên bị đẩy ra rìa ngồi chơi với Út Hí. Nhỏ nhát hít, sợ đủ thứ. Sợ nhất là con thằn lằn. Chỉ cần thấy thằn lằn, dù ở xa tít trên trần nhà, nó đã tái mặt. Con thằn lằn mà rớt vô người là thôi rồi, Út Hí sẽ la um trời đất. Mấy lần bị đám con trai cầm thằn lằn dí, nó chạy hụt hơi. Nhìn con nhỏ mặt xanh lè, gần như nằm ra đất yếu ớt thở như con gà cúm, cả đám từ đó cạch không dám chơi ác. Chỉ lâu lâu buồn cầm cái đuôi thằn lằn quăng vô cho con nhỏ la dậy làng dậy xóm cho vui.

Có lần, vì ngứa mắt nên An đã quyết tâm tập cho Út Hí hết sợ thằn lằn. Đầu tiên cho con nhỏ làm quen với cái đuôi. Dù gì cái đuôi chỉ là khúc thịt không chân không mắt không miệng nhìn cũng đỡ ghê. Mất chừng mấy tuần, vì đã quen hay do mến An quá, Út Hí đã có thể ngồi sát rạt kế cái đuôi thằn lằn đang giãy nhiệt tình, dù trên trán nhỏ còn đổ mồ hôi ướt nhẹp, toàn thân cứng đờ không dám nhúc nhích. Được đà, An kiếm bắt con thằn lằn. Trời xui đất khiến sao bữa đó đám thằn lằn chắc biết chuyện nên trốn đi đâu sạch. An đành thò đầu ra sau vách ngăn buồng với bàn thờ, bắt đỡ con tắc kè con mới nở. An nắm bàn tay run như cầy sấy của Út Hí dí vô con tắc kè. Con tắc kè khôn trời thần, nãy giờ giả bộ nằm im ra giờ há miệng táp vô tay Út Hí. Nó cắn cứng ngắc, lắc kiểu gì cũng không nhả. Người ta nói tắc kè cắn thì trời gầm cũng không nhả. Nhỏ Út Hí mặt không còn hột máu nằm vật xuống đất, nhờ vậy con tắc kè chắc thấy tội nên nhả ra lủi mất. Kết quả, An bầm mông vì chơi dại, còn Út Hí thì sợ lũ thằn lằn gấp bội.

Lẽ ra, nhỏ Út Hí nhát hít đó giờ có thể đã trở thành cô giáo. Mà, đâu có được. Tự dưng ở đâu lòi ra mấy đứa nhỏ từ thành phố xuống chơi, đem theo đám đồ chơi dị hợm. Có con thằn lằn nhựa dẻo trong đó. Má Út Hí đi giúp việc nhà cho tụi nó, nhỏ cũng lẽo đẽo theo phụ. Không biết đứa nào nói mà tụi nó biết Út Hí sợ thằn lằn, rượt nhát tối ngày. Má Út Hí không bảo vệ con hoài được. Một bữa má đi chợ, Út Hí ở nhà vo gạo bị tụi nó quăng con thằn lằn nhựa vô người. Nhỏ trào nước mắt vung tay chân lia lịa mà con thằn lằn không rớt ra. Mặt trắng bệt, nhỏ buông rớt nồi cơm, ù chạy. Chạy ra tới mé mương, Út Hí trượt chân té xuống. Người lớn hay thì đã trễ.

Con nít lúc nào cũng được vô tội vì người ta hay lấy lý do còn nhỏ, không biết gì. Không có ai để bắt tội, cái chết Út Hí cũng chìm lẹ như cục đá thảy xuống nước. Chỉ có sóng ập vô lòng người, ở miết. Tụi thành phố cũng trở về thành phố, bán nhà không quay lại nữa. Lâu dần, nhiều người có thể quên nhưng An vẫn nhớ. Nhớ như in, mỗi khi thấy con thằn lằn. Nhớ cái má dính lọ nghẹ của Út Hí hồng lên mỗi khi chu mỏ nói: “Mai mốt lớn em sẽ làm cô giáo nè anh An”. Nhớ, là cay xè mắt. Thành ra thù con thằn lằn.

Vợ An không biết điều đó. Có biết chắc cô cũng quên. Thế giới của cô không dành cho mớ xa xưa cũ kỹ. Cô bận lo coi năm nay váy áo nào mốt, nên bày trò gì thì vui và ngày nào thì tới hạn đi đòi tiền góp. Nên cô có thể cười thích thú nhìn con nhát những đứa trẻ khác. Đó là khi người ta thấy mình là kẻ mạnh hoặc người ta nghĩ mình mạnh.

- Hồi xưa mẹ về quê có con nhỏ cũng sợ thằn lằn y chang thằng Bim. Mẹ với mấy anh quăng thằn lằn nhát nó hoài. Nhìn nó khóc mếu máo tếu lắm-Vợ An ôm con, cả hai cười ngặt nghẽo.

An nghe như có tiếng sét. Cơn chấn động làm cơ thịt anh run lên. Anh nén xuống, cố lấy lại bình tĩnh để từ ngữ thốt ra nghe như không có gì:

- Ủa quê em ở đâu, sao anh hổng nghe em nhắc? Rồi con nhỏ đó tên gì em nhớ hông?

- Quê em ở Kế Sách. Em về có một lần hà, rồi bán nhà dưới đó luôn-vợ An có vẻ ngạc nhiên khi bữa nay chồng để ý mấy chuyện này. Tưởng chồng có hứng thú với chuyện nhát con nít, cô cố lên giọng hào hứng-Con nhỏ tên gì ta… Cái gì mà Hí Hí nè!

- Út Hí!-An cắn vô môi để máu bật ra thành chữ. Trên tường, con thằn lằn mất đuôi tắc lưỡi buồn ngơ ngác.

Phát Dương

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.