Những gương mặt của hội họa miền Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thông tin từ Nhà đấu giá nghệ thuật Lý Thị (LyThi Auction), phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật lần thứ 3 do đơn vị này tổ chức với chủ đề “Hội họa miền Nam Việt Nam và cảm hứng lãng mạn phương Đông” sẽ ra mắt công chúng và giới yêu thích mỹ thuật tại TPHCM vào ngày 13-1 tới đây. Trước khi diễn ra phiên đấu, công chúng và giới mộ điệu sẽ được dịp thưởng lãm các tác phẩm trong một tuần lễ, bắt đầu từ ngày 7-1.

 Thủy tạ Thảo Cầm viên Sài Gòn (sơn dầu trên bố, trước 1975) của Hiếu Đệ có giá khởi điểm 5.000 USD
Thủy tạ Thảo Cầm viên Sài Gòn (sơn dầu trên bố, trước 1975) của Hiếu Đệ có giá khởi điểm 5.000 USD



Lãng mạn, bay bổng

Với 20 trong tổng số 26 tác phẩm của các tác giả miền Nam, có lẽ đây là phiên đấu giá quy tụ đông đảo nhất những tác giả thành danh tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975. Tìm kiếm bản thể, sự tự tại và mộng ước bình yên… là những điều có thể nhìn thấy trong tác phẩm của các họa sĩ, nhưng bao trùm lên tất cả là một cảm hứng lãng mạn, bay bổng thật hiếm có.

Trong tiến trình của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, những tiếng nói và đóng góp của các tác giả miền Nam chưa được nhìn nhận xác đáng và chắc chắn điều này sẽ sớm thay đổi trong một tương lai gần. Đánh giá đúng vai trò của hội họa miền Nam sẽ bổ khuyết thêm một giai đoạn còn thiếu sót vào lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Trên thực tế, nhìn ở khía cạnh sáng tạo, các tên tuổi như Nguyễn Trung, Đinh Cường, Hồ Hữu Thủ, Văn Đen, Tú Duyên, Thái Tuấn, Hiếu Đệ, Ngọc Dũng, Nguyễn Văn Phương, Hồ Thành Đức, Bửu Chỉ, Nguyễn Quỳnh, Trịnh Thanh Tùng… bảo đảm cho giới sưu tập thưởng thức những cá tính riêng. Trong đó, điều thú vị là mỗi tên tuổi trong số này đều tìm được lối đi riêng. Một tín hiệu rất vui, theo nhận định của giới chuyên môn đó là giá trị tìm kiếm và thanh khoản các tác phẩm của các họa sĩ miền Nam hiện cũng đang tăng trưởng khá tích cực.

Đánh giá về các gương mặt của hội họa miền Nam trong tác phẩm Hai mươi năm hội họa miền Nam 1954-1975, nhà nghiên cứu Huỳnh Hữu Ủy sơ lược như sau: “Cùng với Duy Thanh và Ngọc Dũng, họa sĩ Thái Tuấn đã có những đóng góp hết sức đặc biệt đối với sinh hoạt hội họa ở miền Nam, tạo nên một dấu mốc quan trọng xung quanh điểm tựa lịch sử 1954. Khác với Duy Thanh và Ngọc Dũng, hội họa của Thái Tuấn giản dị và đạm bạc; là không gian rất thoáng, đôi lúc mênh mông, đường nét rất giản dị, màu thì chủ yếu là xanh sậm, xanh xám, xanh rêu chuyển đổi theo sắc độ. Thái Tuấn đã tổng hợp tinh túy của nghệ thuật Á Đông và kỹ thuật hội họa Âu châu, để vẽ nên những tấm tranh của mình. Có thể nói, đó là sự khoáng đạt của những chấm phá giản dị nơi nghệ thuật thủy mặc cộng với nghệ thuật sơn dầu của phương Tây. Sau những phòng tranh gây được nhiều hứng khởi chung của Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh, hội họa hiện đại Sài Gòn phát triển mạnh mẽ trong ngôn ngữ chung của nền hội họa khắp thế giới”.

Tiến vào nền nghệ thuật mới, cuộc triển lãm hội họa mùa Xuân Giáp Thìn năm 1964 ở Nhà hát lớn Sài Gòn là cột mốc đáng kể. Có 583 họa phẩm sơn dầu do hơn 200 họa sĩ khắp nơi gửi về tham dự. Đáng lưu ý nhất là các khuôn mặt trẻ với những đường nét và màu sắc linh động, mạnh mẽ, đa dạng, tạo được bầu khí tươi mát, rạng rỡ, đầy sáng tạo.


 

Chân dung thiếu nữ (mực và thuốc nước trên lụa, 1933) của Vũ Cao Đàm, giá khởi điểm 52.000 USD
Chân dung thiếu nữ (mực và thuốc nước trên lụa, 1933) của Vũ Cao Đàm, giá khởi điểm 52.000 USD



Cảm hứng phương Đông

Góp mặt tại phiên đấu giá nghệ thuật đầu tiên trong năm mới 2018, một số tên tuổi “rẽ ngang” vào hội họa như Bùi Giáng, Ngô Viết Thụ, Chóe… mang lại cho giới thưởng ngoạn nguồn hiểu biết đa dạng. Với chừng vài chục bức vẽ và phác họa còn sót lại, hội họa của thi sĩ Bùi Giáng đang được nhiều người săn tìm, không chỉ vì độ quý hiếm, vì chất thơ trong tranh mà còn ở họa pháp đặc biệt tự do. Ngô Viết Thụ thuộc số ít những kiến trúc sư quan trọng nhất thế kỷ 20 của Việt Nam, với các công trình có dấu ấn khó phai lẫn. Bước vào hội họa từ trước 1975, cá tính sáng tạo mạnh mẽ, Ngô Viết Thụ đã tạo ra một lối vẽ riêng biệt. Với Chóe (Nguyễn Hải Chí) cũng vậy - tự học, xuất thân từ vẽ hí họa sau đó chuyên tâm vào sáng tác. Tranh chân dung danh nhân thế giới, các văn nghệ sĩ nổi tiếng của ông ngày nay là mảng sưu tập được nhiều người tìm kiếm.

Nguồn cảm hứng phương Đông của phiên đấu giá thể hiện rõ nét nhất qua tác phẩm của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Bá Đảng - những tên tuổi nổi tiếng thế giới, từng sống nhiều năm và thành danh tại Pháp. Đây là những tác phẩm đã qua tay các nhà sưu tập, quỹ đầu tư, kinh qua các nhà đấu giá quốc tế trước khi trở về Việt Nam. Nếu như trước đây, để có thể chiêm ngưỡng trực tiếp những tác phẩm như thế này là điều rất khó khăn, thì nay, cơ hội để các nhà sưu tập tại Việt Nam sở hữu những tác phẩm quý giá này là điều hoàn toàn có thể.

Vì sao phải dành riêng một phiên đấu giá cho các tác giả thành danh tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975? Bà Lý Bích Ngọc, người sáng lập LyThi Auction, cho biết: “LyThi Auction luôn đặt trọng tâm vào tôn vinh cái đẹp, đảm bảo chất lượng nghệ thuật và mong muốn xây dựng thị trường mỹ thuật phát triển bền vững. Chúng tôi muốn giới thiệu một trong những giai đoạn đặc biệt của nghệ thuật miền Nam Việt Nam đến giới thưởng ngoạn. Việc sưu tập tác phẩm của các tác giả miền Nam chắc chắn sẽ là một thành tố mới có giá trị cho thị trường nghệ thuật Việt Nam trong tương lai”.

Phiên đấu giá còn là cơ hội để các nhà sưu tập, các quỹ đầu tư gặp gỡ để phát triển những mối quan hệ ý nghĩa, để người yêu nghệ thuật tiếp cận và sở hữu những tác phẩm nổi bật của mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm được trưng bày tại Hotel des Arts Saigon, 76-78 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM từ ngày 7 đến 13-1. Phiên đấu giá cũng tại Hotel des Arts Saigon, bắt đầu lúc 18 giờ ngày 13-1.

Minh An (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Màu Giêng

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Màu Giêng

(GLO)- Nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ miêu tả một bức tranh đồng quê rực rỡ hương sắc cỏ hoa, cây trái. Vẫn là con đường, cánh đồng ấy nhưng như được khoác lên mình một tấm áo mới tươi tắn, rộn ràng... được ông đặt tên là "Màu Giêng".