Em đi qua mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lạ cho tôi chưa, khi buổi chiều nhìn thấy em đi trong cơn mưa. Tôi biết mình bắt đầu có những ngày khác với nhiều ngày trước.

- Anh có thể cho em che chung chiếc áo mưa băng qua bên kia đường không?- Em đưa đôi mắt đen tròn nhìn tôi, hỏi.

- Tôi cũng định đi qua đường đây. Mình đi cùng vậy.

Thế là tôi đưa em qua cơn mưa dày, trời đất mù mịt, con đường đẫm ướt như thế mà em đi đâu?

- Em đang đợi ai phải không?

- Dạ, em có ai đâu mà đợi.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Em phụ trách dẫn chương trình cho đám cưới tại nơi tôi cũng vừa mới dự. Tôi không chú ý tới những cô gái dẫn chương trình. Bởi tôi cho rằng họ có thói quen lặp đi lặp lại những ngôn ngữ tình yêu chẳng khác nào một bản sao. Họ nói về hạnh phúc giống như người ta nói về một bộ phim đang chiếu ở rạp hát. Nhưng em đã là một ngoại lệ, vì em dẫn chương trình như đang nói về đám cưới và tình yêu của chính mình.

Hôm đó là đám cưới của Doãn. Một mối tình đẹp đến lạ kỳ vì Doãn và Mỵ quen nhau từ thời đi học. Rồi Doãn sang Pháp du học, Mỵ kiên trì ở nhà đợi Doãn giống như đợi chồng, dù hai người chỉ mới dừng lại ở những ngày yêu thương nhau còn rất mong manh. Thời buổi cuộc sống vội vã giống như những bánh xe lăn trên phố, người con gái đợi người con trai 5 năm trời dài đằng đẵng là một chuyện hiếm. Người con trai ở xứ người luôn ngóng đợi tình yêu của mình ở quê nhà cũng là một ngoại lệ. Đám cưới không đông khách, chỉ toàn bạn bè thân. Ai đến cũng có đôi có cặp. Mặc dù trong thiệp cưới Doãn viết thêm cho tôi mấy chữ: “Nhớ dắt nàng công chúa của mình đi dự luôn nghe chưa?”, nhưng tôi có cô gái nào bên cạnh đâu mà đưa đi?

Thật ra thì lý do tôi vẫn một bóng đến giờ là… do công việc của tôi ở phòng xét nghiệm ở Trung tâm Chăm sóc Bà mẹ Trẻ em. Ở nơi này mỗi ngày có biết bao nhiêu cô gái tìm đến. Có người đi một mình, có người đi với người mình yêu. Những cô gái ấy nhiều người xinh đẹp, cũng không hiếm những cô bé thơ ngây. Nhưng dù xinh đẹp hay thơ ngây thì khi tìm đến Trung tâm, họ đều có chung một yêu cầu là phá bỏ giọt máu đã tượng hình. Có phải họ chưa đủ điều kiện để giữ đứa con trong bụng mình nên cứ lần lượt tìm tới phòng khám? Mặc dù tôi chỉ làm việc ở một phòng riêng, không dính líu gì đến phòng khám, nhưng có nhiều khi tôi tình cờ gặp họ nói cười hồn nhiên nơi phòng đợi, thậm chí có người tìm đến nhiều lần. Chính vì phải chứng kiến những cảnh như thế mà lòng tôi bỗng hoài nghi về tình yêu và đàn bà.

Nhưng rồi buổi chiều đó tôi đã gặp em đi trong mưa. Em không có xe gắn máy để đi lại. Em di chuyển bằng những chuyến xe buýt. Em cũng không có một người con trai bên cạnh để đón đưa.

Chúng tôi ghé vào một quán cà phê đợi mưa tạnh và đợi xe buýt. Em giành trả tiền 2 ly cà phê. Em nói:

- Em không thích mắc nợ ai. Mà anh với em chỉ mới gặp nhau, em càng không thích mắc nợ người mới gặp.

-Vậy tôi chở giùm em về. Coi như trả tiền thay ly cà phê.

Em lắc đầu:

- Để em tự về.

Tôi không có địa chỉ nhà em, thậm chí chưa kịp xin em số điện thoại. Tôi đã để em lạc mất trong chuyến xe buýt đang băng mình dưới mưa.
*
Người ta nói tình yêu là định mệnh. Nếu không là định mệnh thì tại sao hai người xa lạ lại gặp nhau trong một cơn mưa, trong một tiệc cưới? Và rồi trái tim tôi bỗng bị đánh thức bởi dáng người nhỏ bé với đôi mắt dường như có điều gì buồn bã của em. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi không đi tìm em như trong các câu chuyện tình yêu người ta hay kể. Đó là tới nơi tổ chức tiệc cưới mà tôi và em đã gặp nhau, tôi sẽ hỏi người chủ nhà hàng để tìm em. Hay cũng có thể tôi sẽ đi đến các tiệc cưới để xem em có dẫn chương trình không? Rồi tôi sẽ gặp khi quyết tâm kiếm tìm. Nhưng rồi, thật bất ngờ, vào một buổi sáng khi tôi đang phóng xe lang thang trên con đường quanh biển, điện thoại của tôi reo lên, trên màn hình là một số điện thoại lạ, có thể gọi từ một quầy bưu điện.
- Anh có biết ai gọi cho anh không?
- Biết. Cô bé đi qua mưa. Tuyền.
 Em cười trong máy, tiếng cười giống như nắng đang nhảy tung tăng trên những cành lá.

Sao tôi không quên được giọng nói của em khi mà tôi với em chỉ mới nói chuyện với nhau một lần, bên tách cà phê, trong cơn mưa. Cuộc sống quá đỗi kỳ lạ, để cho người này nhớ tiếng nói tiếng cười của người kia dẫu chỉ mới một lần tình cờ gặp gỡ. Đơn giản bởi vì em không chỉ đi qua mưa, em còn đi qua tôi.
Em thầm thì:
- Mình gặp nhau đi. Được không?
Tôi cũng thầm thì:
- Ở đâu?
Tôi đã có một lời hẹn, một lời hẹn mà tôi mong đợi. Vậy mà tôi cứ ngỡ rằng tôi đã lạc mất em sau chiều mưa đó.

Hôm đó là sinh nhật em, sinh nhật 25 tuổi. Em hẹn tôi đến một quán ăn. Quán nằm trong một vườn cây xanh. Trên lối đi có rất nhiều cỏ với những bông hoa vàng bé tí nổi bật trên cỏ xanh.
Em đợi sẵn ở đó.

- Hôm nay là sinh nhật em. Tự dưng em nghĩ tại sao mình không mời một ai đó ăn cùng mình một bữa ăn ngày mình 25 tuổi? Nhưng em không có bạn thân, cũng chẳng thích rủ ai. Chợt gặp số điện thoại anh ghi trên tấm giấy bạc bao thuốc đưa cho em. Vậy là em gọi.
Tôi dự sinh nhật của em không hoa hồng, cũng chẳng có quà tặng. Tôi cũng chẳng được phép trả tiền. Cuối cùng tôi đề nghị:
- Vì hôm nay là sinh nhật của em nên cho phép anh đưa em về.
Em cười tươi:
- Có sao đâu.

Nhà em xa lắc. Căn nhà hút sâu trong một khu dân cư đông đúc. Em chẳng chỉ nhà cho tôi. Em bắt tôi bỏ em xuống ngay chỗ một gốc cây xà cừ rậm lá. Em nói:
- Anh về đi.
- Ừ, về. Nhưng làm thế nào để gặp nhau đây?
- Em sẽ gọi. Anh đợi nhé.
*

Tôi bật cười khi trong giấc ngủ của tôi em đã chen vào. Em đã sinh ra và lớn lên ở đâu? Tại sao em lại gặp tôi trong cơn mưa? Tôi cũng không dám tin rằng em đã yêu thương một người con trai nào đó trước tôi. Tôi cứ nhìn chiếc điện thoại của mình, mong đợi một cuộc gọi. Tôi cũng như mọi người đàn ông khác trên thế gian này. Đó là đợi chờ một cuộc điện thoại của người mình yêu.

Người biết chuyện sẽ cho rằng tôi quá điên rồ khi không vội tìm hiểu em, mà lại đắm say ngay từ giây phút đầu gặp gỡ. Có người nói đùa là lỡ tình cờ em tìm đến nơi tôi làm việc để thực hiện một ca phá thai chẳng hạn, tôi có còn yêu em không? Tôi đã trả lời: “Làm gì có. Không bao giờ có”. Tôi cũng chẳng biết em sống với ai và tại sao hôm đó em lại dẫn chương trình đám cưới. Mà tôi cũng sẽ phải hỏi tôi là tại sao hôm đó tôi lại đi dự đám cưới?

Kìa, máy điện thoại của tôi đã rung lên. Một tin nhắn: “Em đây”. Tại sao tôi đoán ngay đó là tin nhắn của em. Em chứ không ai khác, bởi chẳng ai và gần như chẳng có một người con gái nào nhắn tin cho tôi. Em là người con gái đầu tiên…
Em thầm thì khi tôi gọi điện:
- Uống cà phê không? Em thèm một ly cà phê quá.
- Anh cũng đang thèm một ly cà phê.
Đi uống một ly cà phê thì có gì đâu mà bối rối. Nhưng tôi biết hôm nay tôi sẽ ngồi lâu hơn. Tôi biết tôi sẽ vui vì ly cà phê kia đã giúp tôi gặp em.
Và tôi biết rằng, từ giờ trở đi, dẫu những cơn mưa có vội đi qua thành phố này, tôi cũng sẽ chẳng cho em bước chân qua cơn mưa đó. Còn nữa, tôi cũng sẽ xin chuyển công tác về một trạm y tế nào đó, để lòng tôi bình an hơn.

Khuê Việt Trường

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...