Mầm sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Buồng giam có hàng chục phạm nhân. Mỗi người một số phận, một diện mạo, một bản án và hai cách sống. Tất cả họ được dồn vào một buồng, nằm liền kề người nối người với sáu mươi phân ranh giới. 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc có thể cả đời họ sẽ sống trong hai ô gạch lát nhà. Mùa nóng, từng ấy con người trần như nhộng nằm ngổn ngang ngửa cổ lên trần ngáp ngao ngán. Chỉ cần ngửi mùi mồ hôi hỗn tạp của từng ấy con người thôi cũng đủ ngạt thở rồi. Mùa lạnh, chăn chiếu hỗn độn, ý nghĩ cũng hỗn độn. Chừng ấy con người là chừng ấy cái kén cuốn chặt ăn năn, nuối tiếc, hận thù, toan tính.

Cán bộ báo Q. có người thăm gặp. Q. vùng đứng dậy, đi lật đật, mắt đã nhòe nước vì tủi thân. Q. chỉ còn mẹ già đã ngoài 60 lủi thủi sống trong một căn nhà nhỏ sát bìa rừng. Đường từ nhà đến trại giam xa xôi nên mỗi năm mẹ chỉ lên thăm Q. được một lần. Thời gian ở nơi này chậm chạp như một con rùa già ì ạch bò lê qua ngày tháng. Khi vào đây Q. mới tròn 20 tuổi, vẫn còn bên mẹ và hay tủi thân. Q. của mẹ còn bé bỏng và khờ khạo. Q. đâu biết chỉ sau một cơn say đời đã khác. Mỗi lần gặp mẹ Q. đều nức nở như đứa nhỏ, bao nhiêu oan ức trong lòng không kìm nén được. Q. của mẹ không phải người xấu, làm sao Q. lại bị giam hãm tuổi thanh xuân ở chốn khắc nghiệt này? Q. muốn được ăn cơm mẹ nấu.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Muốn được đến giảng đường. Muốn tiếp tục theo đuổi ước mơ thành một kiến trúc sư. Mẹ không nói gì, chỉ ôm Q. vào lòng. Mẹ hiểu hết nỗi lòng con mẹ. Nhưng vòng tay mẹ bé nhỏ quá so với dòng đời. Nước mắt mẹ nuốt vào trong, chỉ còn lại nụ cười nhăn nheo, héo úa.


- Mẹ mang ít đồ vào cho con. Nhớ chia cho anh em cùng đội.
- Con tắc kè ngoài đầu hiên còn sống ở đó không mẹ?
- Ờ. Nó vẫn ở đó, đêm nào cũng kêu vài bận.
- Có nó cho mẹ bớt buồn.

Q. xách túi quà mẹ gói ghém cho mình. Ít quà bánh, ít kẹo chè lam và cân củ đậu. Tối đó Q. chia đều cho mấy anh em trong đội. Chỉ giữ lại một củ đậu đã mọc mầm. Lúc cầm lên định lột vỏ bỗng nhiên Q. nhìn thấy cái mầm xanh nhỏ xíu ấy nhú lên. Q. ngó nghiêng nó hồi lâu rồi quyết định giữ lại mầm xanh đó. Củ đậu được cất trên gác xép để đồ ngay trên đỉnh đầu. Đêm ngủ Q. đã kịp mường tượng trên đầu mình có một tán cây. Ý nghĩ ấy khiến Q. vui như đứa trẻ mà chìm vào giấc ngủ không mộng mị. Ôi, bao lâu rồi Q. mới có giấc ngủ ngon đến thế. Sáng hôm sau thức dậy Q. cầm củ đậu trên tay ngắm nghía và nghĩ mẹ đã mang bạn vào đây giúp Q. đỡ cô đơn.

*
Sau giờ lao động, Q. chạy về buồng để kiểm tra báu vật của mình. Những lúc phải ra ngoài Q. thường khóa mầm cây trong chiếc hòm tôn. Nó đúng là một thứ báu vật, Q. nghĩ vậy. Một lần, người anh đỡ đầu trong trại sang buồng chơi, nhìn thấy củ đậu tiện tay cầm lên định ăn, may mà Q. giật lại kịp. Từ đó mầm cây được đặt cố định trong chiếc hòm tôn được Q. chọc thủng 1 lỗ, vừa đủ để mầm củ đậu nhô lên. Một hôm đi lao động Q. khéo léo mang một ít đất về buồng. Mọi đồ đạc trong hòm đều bị bỏ ra, thay vào đó toàn đất để mầm củ đậu phát triển. Từ khi có chiếc mầm nhỏ xíu này Q. thấy đời có ý nghĩa hơn. Sáng nào cũng vùng dậy sớm ngó nhiêng nhìn mầm cây qua lỗ tôn, hạnh phúc như mình đang chăm sóc một sinh linh.

Bỗng nhiên Q. nhớ đến con tắc kè ở nhà, nó làm bạn với Q. từ bé, dễ chừng cũng đã hơn chục năm trời. Chú tắc kè đến vào một chiều mưa. Có lẽ nó từ trên bìa rừng tìm về. Người nó ướt, mang màu nâu gụ xù xì của vỏ cây rừng. Nó đứng ở đầu hiên yếu ớt đến tội nghiệp rồi len lén bò vào kẽ tường ẩn nấp. Q. ngồi đó, lòng cũng tả tơi rách nát như mái lá, mắt ngó chiếc khăn tang mẹ buộc cho cây trám bay phấp phới trong cơn mưa lạnh.

Bố Q. mất sớm vì bị rắn độc cắn khi lên rừng tìm hái lá thuốc Nam chữa sỏi thận cho cha đứa nhỏ hàng xóm. Hôm Q. ngồi dưới mưa khóc cha thì đứa nhỏ ấy đứng bên rặng rào, dưới gốc cây trám nhìn sang, chắc lòng nó cũng ướt sũng. Nhưng Q. thì hận nó chỉ đơn giản vì bố thằng nhỏ còn sống mà bố Q. thì không. Q. nuôi nỗi hận thù ấy câm lặng, dồn nén trong lòng. Chỉ có con tắc kè là hiểu. Hàng đêm nó kêu những tiếng thảng thốt, xót xa như rút gan rút ruột. Như thể nó cũng đang nhớ thương ai và không nguôi ngoai hờn giận. Tiếng tắc kè làm mẹ trở mình liên tục. Những đêm trăng mẹ mang mẹt thuốc ra hong. Những thang thuốc Nam của mẹ không chỉ thơm vị nắng mà còn đượm hơi trăng. Thằng nhỏ nhà bên tên Đen, mỗi tuần nó chui rào qua nhà Q. lấy thuốc một lần. Người nó đen nhẻm như cái tên, mắt nó sáng còn nụ cười thì buồn rượi. Nó hay nem nép mỗi khi nhìn thấy Q. lầm lì đứng chắn ngang trước cửa. Q. không hiểu sao mình lại ghét nó dẫu nó chẳng có tội tình gì. Khi ba Q. còn sống, hai đứa cũng đã từng thân thiết với nhau…

Cứ vậy, Q. sống lầm lì như một cái cây còi cọc trên nền đất khô cằn. Những tháng năm trong tù Q. đã luôn tự hỏi liệu có phải mình đã bị bệnh từ khi còn nhỏ? Căn bệnh tê bì cảm xúc. Giống như bây giờ, Q. rất sợ cảm xúc tê liệt rồi chết dần bắt đầu từ các ngón chân, đến bàn chân, đến bụng, rồi cuối cùng lan chạm vào tim. Thế nên Q. cần trồng một mầm xanh, xanh thắm như nguyên sơ, như khi vừa được sinh ra trên cuộc đời này. Đêm ngủ Q. tưởng như có thể nghe thấy từng chuyển động của cây. Nó vươn mình lớn dần từng chút một. Q. thấy mình đang được nằm dưới một tán cây xanh mát. Thấy lòng mình dịu lại, nguôi ngoai. Thấy lá xôn xao trên đầu và dưới lưng mình như có suối róc rách chảy qua.

Mười tám tuổi, Q. và Đen biết yêu. Trớ trêu thay trái tim họ lại cùng hướng về một người con gái. Hoàng Yến-cái tên nghe thôi cũng đủ thấy trang hoàng một đời người. Như con chim yến trong lồng son, cô gái xinh đẹp ấy là nỗi niềm mong ngóng của biết bao người. Vậy thì hà cớ gì Q. phải bực tức với Đen?

*

Khi Q. mãn hạn tù trở về thì mẹ đã không còn nữa. Nhà rác từ cổng ngõ rác vào. Q. bước đi chầm chậm, cảm thấy cái lạnh đang xâm chiếm trong từng bước chân. Mo cau, lá tre, lá xoan rụng tơi bời như cả ngàn năm không có bàn tay con người quét dọn. Q. đứng lặng. Bỗng từ đâu đó rất gần vọng lại tiếng gọi thân thuộc:
- Lì ơi!

Q. chầm chậm ngẩng lên, cảm thấy hơi ấm đã bắt đầu lan tỏa trong không gian. Lâu lắm rồi không có ai gọi Q. bằng cái tên Lì nữa. Đến cả Q. đôi khi cũng quên mất mình từng có một cái tên gắn liền với tuổi thơ như bao người khác. Đen đứng đó với thân hình vạm vỡ, mặc độc chiếc quần đùi. Q. nhìn phía bên chân bị chém của Đen thấy lồi lên vết sẹo lớn trắng ởn lồ lộ giữa đôi chân đen nhẻm như ống đồng hun khói. Đen nhìn Q. bằng ánh mắt đã không còn buồn rượi nữa. Ánh mắt như biết cười, biết nói. Bên cạnh Đen là gốc trám mà chồi đã lại mọc thành hai nhánh cây thẳng tắp. Vết chặt nham nhở của Q. ngày nào giờ xù xì từng lớp sẹo như vết thương hở xương hở da, phong phanh sương gió suốt những tháng năm dài. Chỗ buộc vành khăn tang của cha không hiểu sao thắt nghẹn lại giữa thân cây, như không phải thắt bằng mảnh vải tuyn mà bằng sắt đá. Chỗ buộc đó giờ thành dị tật. Q. nhìn lại cây trám một lần nữa, thấy cây giống một người đàn bà, một góa phụ với bao nhiêu đau khổ thăng trầm của cuộc đời. Những vết sẹo kia chắc hẳn từng có thời gian dài nhựa rỉ ra rồi vón lại như máu khô đen kịt. Giống như người mẹ già của Q., như vết thương trên chân Đen vậy.

Q. ngồi xuống gốc cây cùng Đen. Cả hai lẳng lặng không nói một lời. Lá xôn xao trên đầu nghe mát rượi và bình yên như tiếng mẹ quạt mo cau. Q. mệt quá. Muốn ngủ một giấc tại đây bên gốc cây trám già và người bạn thuở hàn vi. Một giấc ngủ có thể quên đi mọi vết sẹo trên đời. Đen sửa lại thế ngồi, tựa đầu thoải mái vào cây. Trước khi nhắm mắt hình như còn kịp thốt ra lời nhẹ bẫng “ngủ đi”. Nhưng tiếng lá lao xao có thể đã át đi tiếng của Đen. Cũng có thể Q. đã chìm vào giấc ngủ tự lúc nào.

Vũ Thị Huyền Trang

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.