Mùa chim chích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mùa mưa, đồng lác làng Hạ nước trắng xóa. Những chú chim chích bấu víu những cọng lác làm tổ. Chúng sinh con ngay trong mùa đông. Những chú chim non lông đen tuyền.

Giá như đôi chân của chúng ngắn đi một chút thì giống hệt những chú vịt con. Thìn và Dậu khéo léo bắt những chú dế than trong bì bóng, móc vào từng lưỡi câu, cắm ven bờ ở vùng ruộng sâu. Xong việc, đôi bạn hăm hở đến vùng ruộng lác cao hơn, truy tìm những tổ chim chích. Hai cậu bé lội nước bì bõm làm cho các chú chim chích mẹ bay rần rật lên cao. Những chú chim non thật tinh khôn, nghe động chúng im thin thít. Chỉ một thoáng bình yên là chúng kêu chích! chích! gọi bầy. Thìn và Dậu xông lại những bụi lác rậm phát ra tiếng kêu của chim bắt đại. Giỏi lắm cũng chỉ bắt được vài con, số còn lại chúng lặn xuống nước tìm chỗ lác dày khác, ngóc đầu lên thở.

 

Minh họa: A.Dũng
Minh họa: A.Dũng

Nuôi chim chích thích lắm! Mới đầu có thể nhốt chúng ở trong lồng, cho chúng ăn uống tử tế, tháng sau có thể yên tâm thả chim ra trong nhà. Những con chim lạc loài quen dần với môi trường mới. Chúng quần trong nhà như gà rồi lớn dần lên. Thịt của chúng nấu canh ngọt nước đáo để. Thìn và Dậu mải mê săn đuổi chim thì trời sập tối. Cơn mưa ập đến ào ào như những ngọn roi quất vào mặt rát buốt. Thìn kéo nới chiếc mũ áo mưa cổ rùa, than vãn:

- Dậu ơi! Mưa cái kiểu này tao với mày về sớm thôi.

- Chậc, cái thằng này lười dữ a! Hãy kiểm tra cần câu lần nữa, kiếm ít con cá tràu đem về cho chắc ăn mày ạ.

- Sướng, bộ mày tưởng tao không mê hay sao. Nhưng mưa gió ràn rạt như vầy đèn của tao tắt ngấm làm sao kiểm tra cần cho được. Mày có gan thì về trước đi. Ông Cồ đang đợi mày trước cửa miếu ấy.

Mặc cho Thìn ca cẩm, Dậu cười vang:

- Cái thằng trời đất. Mày cũng vợ vãi đái ra quần còn dọa tao.

Miếu ông Cồ nổi tiếng linh thiêng. Trưa tròn bóng và xẩm tối trở đi, không ai dám đến gần. Khổ nỗi ngôi miếu lại nằm chình ình trên đường vào làng nên rất bất tiện cho việc đi lại đêm hôm. Nghe nói ông Cồ là người khai thiên lập địa ra cái làng Hạ ngày nay. Sinh thời ông Cồ thường giúp đỡ dân nghèo và dạy dân làng sống nhân nghĩa. Công đức cao dày của ông Cồ được nhân dân trọng vọng, xây miếu tôn thờ, bốn mùa tế lễ. Gần đây, đêm đêm người ta thường nghe từ trong ngôi miếu vọng ra tiếng hát nỉ non, ai oán của một người đàn bà điên. Thằng Thìn và thằng Dậu mỗi đêm đi cắm câu về ngang qua miếu, hai đứa cắm đầu chạy ù qua mà trống ngực đánh thình thịch.

Theo ông Bộ - trưởng làng kể lại thì người phụ nữ điên loạn có giọng hát liêu trai ấy ở làng bên cạnh. Chị bị điên hồi còn chiến tranh.

Buổi sáng. Đi thu cần cắm câu về, thằng Dậu bàn tính với thằng Thìn:

- Thìn ơi! Tao với mày đến nhà ông Hai Bộ năn nỉ ông ấy cùng đi với mình đến miếu ông Cồ xem người đàn bà điên kia thế nào.

Thìn giãy nảy:

- Tao không đi. Không đời nào ông Bộ lại chịu nghe lời của trẻ con tụi mình, chỉ hoài công, vô ích.

Dậu khẩn khoản:

- Mày đi với tao nghe Thìn. Tao cho mày con cá tràu lớn nhất đấy, chịu không?

Thằng Thìn nhe răng cười:

- Tôi được, tao đi với mày, nhưng mày nói sao với ông Hai Bộ thì nói, tao không tham gia.

Thằng Dậu giơ bàn tay phải lên cao. Thằng Thìn cũng đưa bàn tay phải lên, hai bàn tay đập vào nhau kêu cái chách! Mặt đứa nào cũng tươi rói.

Khi ông Bộ và hai cậu bé bước vào cổng miếu xây gạc rêu phong, chợt nghe tiếng hát khe khẽ: “Ầu ơ! Con ơi! Con ngủ cho say/ Để mẹ đi chợ, cha cày đồng xa…”. Tiếng hát khàn đục như tiếng khóc nghe não ruột. Cả ba: một già, hai trẻ rón rén đi qua gốc cổ thụ trước sân miếu. Trước mắt họ là một phụ nữ áo quần nhem nhuốc, đầu tóc rối bời, tay phải đong đưa chéo vải dài màu vàng, hai đầu vải cột vào hai cái rễ cây như chiếc võng nhỏ. Trên võng có một mảnh vỡ của chiếc hỏa lò mà người ta thường đem đặt dưới gốc cây cạnh ngôi miếu gọi là gửi ông Táo. Người điên đầu cúi xuống, một tay nâng niu mảnh vỡ của chiếc hỏa lò, còn tay kia đong đưa chiếc võng nhỏ xíu, miệng không ngừng xuýt xoa: “Ngủ đi con! Mẹ thương nào!”.

Thằng Thìn bật cười khúc khích. Người điên chợt ngẩng đầu lên. Nhìn gương mặt có thể đoán chị trên năm mươi tuổi là ít. Chị nhìn trừng trừng ông Hai Bộ, rồi quay sang hai cậu bé. Cái nhìn dữ dội, nhưng vô cảm. Không vì thế mà làm mất đi nét đẹp của chị. Đôi mắt lá răm, hàng mi cong vút và đen như nhung. Gương mặt thanh tú với sống mũi thẳng, miệng nhỏ, răng đều như hạt lựu, hẳn là thời con gái chị đẹp phải biết.

- Bớ làng xóm! Bắt lấy quân sát nhân! Tụi bay giết chết con tao, mau mau đền mạng! Bớ làng xóm!...

Người điên chồm dậy, thét lên tiếng thét xé ruột gan rồi bỗng dưng ôm mặt khóc ngất. Thằng Thìn và thằng Dậu hoảng hồn co giò phóng ra đường cái. Ông Hai Bộ lắc đầu, thở dài, dạo gót theo lũ trẻ.

Ít lâu sau, miếu ông Cồ lại xuất hiện thêm một ông điên. Trên mình ông mang rủng rỉnh những vỏ lon bia, lon sữa bò, mũi dãi lòng thòng, gặp người nào đi ngang qua trước cửa miếu ông cũng chồm tới hô: “Xung phong! Xung phong!”.

Ông và người đàn bà điên kia mỗi người chiếm một hốc cây làm nơi trú thân. Thật lạ kỳ! Người phụ nữ điên gặp ai cũng đùng đùng nổi giận, nhưng với gã đàn ông điên lại hóa lành. Hai gốc cây gần nhau. Bên nay cô nàng ầu ơ hát đưa con, bên kia anh chàng cùng nghêu ngao hát chắp vá từ câu này sang câu khác không đầu, không đuôi. Hát chán rồi, ngửa mặt lên trời cười hô hố. Cô nàng nghiêng nghiêng đầu cười chúm chím ngô nghê. Cười chán rồi lại khóc hu hu.

Mùa chim chích đi qua, ngoài giờ học, thằng Thìn và thằng Dậu đi cắt cỏ cho bò ăn giúp mẹ. Một hôm hai đứa đội bao cỏ đi ngang qua ngôi miếu ông Cồ, bỗng thấy ông Hai Bộ và một người đàn ông lạ mặt ngồi bên thềm miếu. Đôi bạn nháy nhó nhau lặng lẽ thả bao cỏ xuống ven đường, bước vào cửa miếu.

- Anh Hai cháu bị thương trong chiến tranh. Một mảnh pháo Mỹ găm sâu vào đầu ảnh. Lâu lâu vết thương lại tái phát, ảnh bỏ nhà ra đi. Anh em cháu lo đi tìm dẫn về nhà - Người đàn ông lạ mặt nói chuyện với ông Hai Bộ mà mắt cứ nhìn chòng chọc về phía người đàn ông bị bệnh tâm thần.

- Tội nghiệp! Bây giờ chú định đưa chú ấy về bằng cách nào? Tôi có thể giúp được gì cho chú?

- Thưa, cháu sẽ ở lại đây vài hôm dỗ dành cho anh ấy chịu uống thuốc để sức khỏe khá hơn mới đưa về. Phải chịu khó như vậy bác ạ! Biết làm sao được. Còn chị kia ở đâu mà bị điên loạn thế, bác có biết không?

Ông Hai Bộ húng hắng, giọng trầm buồn:

- Chuyện bi thảm lắm cháu. Cô ấy là một trong hơn bốn mươi nạn nhân ở làng Thượng bị tàn sát đẫm máu vào năm 1966. Bác còn nhớ, lúc đó trời vừa sáng, bọn giặc càn vào làng rần rần, thằng nào, thằng ấy súng lăm lăm trong tay. Chúng bao vây làng Thượng dồn hơn bốn mươi người già, trẻ, gái, trai ra giữa sân đình xả súng bắn loạn xạ. Xác chết chất chồng lên nhau. Cô ấy bị thương ngất đi… - Ông Hai Bộ dừng lời, rít một hơi thuốc lá thật sâu, mắt thoáng buồn xa xăm. Có lẽ cuộc thảm sát man rợ năm ấy vẫn còn ám ảnh ông. Ông Bộ nói tiếp bằng giọng đều đều: “Khi cô ấy tỉnh dậy mới hay đứa con trai hai tuổi nằm chết cứng trên bụng mình, miệng đứa bé vẫn còn ngậm vú mẹ. Cô ấy thét lên rồi lại mê man bất tỉnh. Bà con làng Hạ đưa cô đến bệnh viện cấp cứu, nhưng thật nghiệt ngã, nỗi hoảng loạn đã vĩnh viễn cướp mất đi trí nhớ…”.

Ông Bộ còn đang tiếp tục kể chuyện, bỗng nhiên người đàn bà bệnh tâm thần cất lên tiếng nựng con: “Cục cưng của mẹ ơi! Ngủ đi mẹ thương… Bầu sữa ngọt lành mẹ dành cho con đây này, bú đi con ngoan của mẹ…”. Ngay khi ấy vang lên tiếng hô xung phong của người đàn ông. Và thân hình cao lớn bật dậy lao ra đường, những chiếc vỏ lon mang trên người ông ta rung lên reng rẻng.

Trần Quốc Cưỡng/sggp

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.