Chữ tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mẹ kể, ông Sáu và bà Tư làm đám cưới “dã chiến”, hấp tấp một mâm cơm rồi ông Sáu về lại chiến trường.

Chồng ở chiến khu xa lắc, bà Tư thân gái mơn mởn, “có chồng cũng như không”. Mẹ nói, hoa đẹp thì có nhiều ong bướm lượn lờ, bà Tư yếu lòng nên cũng đôi lần sa ngã. Đấy là chính miệng bà Tư bộc bạch với mẹ chứ chuyện đó thuộc hàng bí mật “trời không biết đất không hay”. Ba mẹ ông Sáu thương dâu hơn con, cứ xuýt xoa cảnh dâu trẻ thiếu hơi chồng nên họ cưng chiều bà Tư như cum núm cưng con. Bà Tư sống với gia đình chồng nhưng được áo lụa phủ phê, do hồi ấy nhà ông Sáu cũng thuộc dạng khá. Rồi ba mẹ chồng lần lượt mất, bà Tư cũng chẳng phải lo thuốc thang ma chay gì hết, chuyện ấy có chú Út của ông Sáu lo, di nguyện của ba mẹ ông là gửi vào chùa thờ cúng. “Ba mẹ chồng bệnh mất thì tiền tài cũng bốc hơi luôn. Cũng may, hết nhờ cha mẹ thì tới nhờ chồng. Tóm lại bà Tư có số sướng!”-đó là nhận xét của mẹ tôi.

 

Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương

Chiến tranh kết thúc, ông Sáu về làng bằng đôi nạng gỗ. Người ta không hình dung được vẻ mặt của bà Tư nhưng nghe khẩu khí của ông Sáu thì tin là mọi sự vẫn ổn, rằng “tớ vẫn còn đôi tay mạnh mẽ để ôm vợ mà”. Còn phát ngôn của bà Tư thiệt là “phải đạo”: “Binh lửa ác liệt, về được là mừng rồi chớ mong gì lành lặn!”.

Từ ngày chồng về, bà Tư tỉa tót hơn, nói cười rổn rảng hơn. Nghe mấy người nhiễu sự bình phẩm về chuyện này, mẹ tôi gắt: “Vắng chồng điểm phấn tô hồng với ai ? Giờ chồng về thì người ta sửa soạn chớ sao!”. Cái lý lẽ của mẹ nghe mới đúng làm sao. Tôi hoàn toàn nhất trí.

“Cái thứ đàn bà nhớt thây, người ta cùi cụt mà bắt làm thiếu điều sụm lưng gãy cổ!”. Người ta thấy ông Sáu đứng vung cuốc trên miếng đất bên sông vỡ hoang thì trêu chọc, cạnh khóe. “Không làm thì lấy gì để tớ cho vào mồm bây giờ?!”-ông Sáu cười hề hề nói vậy, còn chú thích thêm: “Tớ làm nàng khổ suốt thời con gái rồi, giờ phải lấy công chuộc “tội” chớ...”.

Vỡ xong miếng đất, ông Sáu dựng lều trồng rau trồng bí. Ông ở ngoài trại nhiều hơn ở nhà. Phải chứng kiến cảnh một đôi nạng gỗ bắt sâu, phun thuốc, gánh đôi thùng tưới nước thì mới hiểu được nghị lực của một người lính. Mà công nhận ông mát tay thiệt, rau xanh mướt, bầu bí nằm vắt cục vắt hòn. Người ta tới tận đám mua sỉ, ông cầm tiền về cho bà Tư đếm. Nhiều người lại xì xầm: “Bà Tư bây giờ nhìn mướt mát lắm, chồng quần quật ở ngoài trại, bà ấy ngồi sòng tứ sắc với trai, cười ha há suốt đêm”.

Rồi ông Sáu bất ngờ đổ bệnh, một cơn đột quỵ không nặng không nhẹ. Nằm bết giường một tháng. Trận ốm đã vắt hết sức lực của người không lành lặn. Ông tiều tụy, gầy rạc. Miếng đất bên sông biến thành cánh đồng mọc đầy gai mắc cỡ. Bà Tư mặt mày lúc nào cũng sưng xỉa, “mấy đồng tiền hỗ trợ không đủ mua rau mua mắm mà suốt ngày nằm ho lụ khụ, trời ơi, sống thế này thì thà chết quách còn hơn...”.

Rồi một ngày, không nhớ rõ là ngày nào, chỉ nhớ là hôm ấy người ta thấy ông Sáu lẩy bẩy chống nạng ra chợ. “Trời ơi, mụ vợ đâu? Gửi ai mua giùm chớ cần chi phải nách cái nạng ra tận chợ mua rau? Khổ quá!”. Ông Sáu chỉ lặng lẽ cười chứ không tiết lộ chuyện bà Tư đã thu dọn sạch sẽ hành lý.                                            

*
Thím Mận xóm bên góa bụa, tính tình điềm đạm, kính già yêu trẻ nên ai cũng quý mến. Chồng thím Mận với ông Sáu là chỗ bạn bè chí cốt. Họ ở nhà là bạn, ra chiến trường là đồng chí. Nhưng ông Sáu thì may mắn nhận được vé khứ hồi, còn chồng của thím Mận thì không.

Thím Mận đơn chiếc ở tuổi ba lăm, thím rất coi trọng chuyện lễ giáo nên giữ gìn khuôn phép, không bao giờ vướng vào chuyện thị phi. Ngày còn bà Tư ở nhà, ông Sáu có đến nhà thím Mận vào ngày giỗ bạn để thắp hương. Ông thường đến sớm, rồi rất tự nhiên lo chuyện hoa quả, cắt đặt sắp xếp. Mấy cái miệng nhiễu sự lại thọt thẹt. Bà Tư khó chịu, vậy là ông Sáu không sang nhà bạn nữa. Thím Mận nhạy cảm, với lại cũng không muốn cho người khác cơ hội để đàm tiếu nên cũng tránh chạm mặt với vợ chồng ông Sáu.
- Bà Tư bỏ nhà đi rồi, ông Sáu ương yếu nằm chèo queo bên đó, thím rảnh thì qua thăm ổng chút!

Mẹ tôi tình nguyện làm “liên lạc”. Thím Mận thấy tình cảnh ông Sáu thiệt bất nhẫn nên thường xuyên sang hỏi han, đun ấm nước, sắc thang thuốc, khi xách nải chuối, lúc mang rổ trứng... Những ngày hiếu hỉ, giỗ chạp, thím sang lo chuyện chợ búa, sửa soạn hương khói đặng ông Sáu cúng kính.

Giờ thì mẹ tôi muốn làm bà mối. Mẹ thăm dò tình ý của ông Sáu, thím Mận bằng những câu gán ghép bâng quơ nhưng ngấm ngầm liên lạc với con gái thím Mận cùng phối hợp “tác chiến”. Khi con gái đề nghị chuyện “về cùng mái nhà” thì thím Mận nhảy nhổm:
- Là chỗ tình nghĩa giúp nhau, ổng còn vợ con đàng hoàng, đừng có gán ghép bậy bạ, không nên!
Còn ông Sáu cười cười:
- Đầu đã không còn một cọng tóc đen rồi, đừng trêu chọc sẽ mất tự nhiên!
“Ông Sáu và thím Mận có tình ý thiệt nhưng còn ngại đó!”-mẹ tôi thúc tới. Con gái thím Mận viện đủ lý do làm khó mẹ rồi kêu ông Sáu bằng “ba”. Đến nước này thì ông Sáu, thím Mận cũng không phân vân, nghĩ ngợi gì nữa. Thôi thì tùy duyên vậy!

Con gái thím Mận vừa dọn đồ về lại thành phố thì bên nhà ông Sáu có chiếc tắc xi đậu trước cổng.
Ông Sáu nhìn ra cửa, đứng thất thần một chập rồi tập tễnh ra xách hành lý vào. Bà Tư quần áo lụa là, chậm rãi vào nhà, quan tâm:
- Sao, lâu nay ông vẫn khỏe chứ?
- Khỏe!
- Tui về tới đầu xóm thì nghe chuyện của thím Mận rồi…- bà Tư nói bằng giọng hăng xằng-ngày mai tôi sẽ gặp thím ấy ba mặt một lời.
- Đừng có nhiều chuyện, đi đã lặng lẽ thì về đừng ồn ào!
Ông Sáu nói nhẹ nhàng vậy ý chừng vẫn không ngăn được cơn ghen đang bùng phát.
Bà Tư vẫn hẹn gặp thím Mận:
- Nay tui về rồi, anh Sáu thím để tui lo.
- Âu cũng là duyên! - Thím Mận chỉ nói được chừng ấy.

“Đi đâu mà nay mới về?”. Ai gặp bà Tư cũng hỏi câu này. “Tui đi vào thành phố làm vú em. Nếu xin phép ông Sáu rồi đi thì ổng sẽ không bao giờ cho nên tui lẳng lặng. Nay cũng để dành được ít, mắt mờ tay run rồi thì về hủ hỉ với chồng già”. Bà chỉ kể tới chừng ấy thôi. Nhưng cô Thơm ở thành phố về thăm nhà oang oang kể rằng: Có ông nọ già giàu có mới mất vợ, con cái định cư ở nước ngoài hết. Ông nhờ cô tìm người ở quê lo lau dọn nhà cửa, cơm nước. Một bữa, cô gặp bà Tư lang thang ngoài bến xe với cái tay nải bèn lại chở về thưa chuyện với ông nọ. Bà Tư đồng ý cái rụp. Danh nghĩa là người ở nhưng sau bà Tư đau mắt, không làm lụng gì được thì ông kêu người khác tới làm, bà Tư từ người ở trở thành vợ không hôn thú. Ông ấy là người tốt, trọng cái tình. Nhưng rồi một bữa ông ngủ một giấc và đi luôn, con cái ông về giành hết nhà cửa, đuổi bà Tư đi.

Về với ông Sáu được mấy hôm thì mắt bà Tư tắt hẳn.
*

Bây giờ, mỗi sáng, người ta thấy ông Sáu cắp chiếc nạng gỗ ra ngồi ở cổng chợ bán vé số. Người ta còn thấy thím Mận hay ghé mua vé số, mỗi lần lại mua thì hỏi: Chị Tư vẫn khỏe chứ anh?

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.