Người ở lại sân ga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ Nha Trang ra Quy Nhơn là một đoạn đường ngắn, thường xuyên có xe đi về, anh có thể ra đứng ở quốc lộ và vẫy bất cứ chiếc xe nào. Nhưng anh không làm vậy, cứ có dịp để đi là anh ra ga, mua vé tàu. Anh thích đi tàu, chỉ để nhìn những con tàu rời ga, chỉ để nhìn đường ray dài hun hút và được ngồi trên tàu, để nghe tiếng xình xịch rầm rập dưới chân mình. Những lúc như thế, anh nhớ con gái. Hình như gần hai mươi năm rồi, anh không gặp con. Nó khiến cho một mối thâm tình gần như rơi vào quên lãng, gần như bị xóa đi trên cõi đời này.
 

  Minh họa: Huyền trang
Minh họa: Huyền trang

Ngày đó, con gái anh hai mươi tuổi, anh vừa bốn mươi. Anh thương nó nên dù cuộc hôn nhân không hạnh phúc, anh vẫn gắng gượng mà chung sống cho đến ngày nó trưởng thành. Khi nó chính thức thông báo rằng con sẽ ra sống riêng, anh cảm thấy hình như anh đã mất gia đình rồi, bởi chính anh, anh sống trong ngôi nhà này suốt mấy chục năm qua là vì nó. Như sống ở châu Âu, con cái sau mười tám tuổi không thích sống cùng cha mẹ nữa, chúng tự lập, khi nào cần tiền hay khó khăn gì chúng mới chạy về nhờ giúp đỡ. Con bé được giáo dục ở môi trường ấy nên nó cũng không sống khác đi được, anh buộc chấp nhận điều đó. Và sau hơn hai mươi năm sống ở Đức, anh buộc phải loại bỏ tư duy áp đặt lên con cái mà cần tôn trọng quyết định của con anh.

Anh cảm thấy sốc trước quyết định đó của nó, anh không ngờ con bé lớn nhanh quá, lớn nhanh hơn anh nghĩ rất nhiều. Trước ngày nó đi, anh ngồi thẫn thờ trước con bé:

- Con có thể... ở lại với mẹ được không?

- Tại sao hả ba? Ba cũng định đi hay sao?

Cổ họng anh như nghẹn lại, anh khẽ gật đầu

- Con biết đó, suốt hơn mười năm qua, ba ở lại là vì con, ba mẹ đã...

Hình như con bé cố nuốt sự đau đớn vào ngực mình, nó nhìn anh không chớp mắt:

- Con biết điều đó, ba à!

Anh giật nảy mình:

- Con biết?

- Phải, con biết! Nhưng con có cuộc sống của con, ba hãy ở lại, đừng bỏ mẹ một mình!

Cuộc nói chuyện giữa hai cha con đến đó bị ngăn lại. Con bé có quyết định của nó và anh không biết nên quyết định cho mình ra sao.

Ngày nó thu dọn đồ đạc vào vali, mẹ nó ngồi lì trong phòng, hình như chị cũng không chấp nhận được sự đổ vỡ dù đã biết trước. Khi nó kéo vali ra ngoài, nó đứng lại nhìn anh:

- Ba vẫn đi, đúng không?

Anh không trả lời được, anh lấp lửng đưa ra một đề nghị:

- Ba có thể... đến xem nơi con ở, được không?

- Hơi xa, ba à! Ba không cần đến đâu. Tới nơi, con sẽ gọi cho ba!

Tàu rời ga, anh đứng trơ trọi ở đó, chân tay thừa thãi, đầu óc trống rỗng. Cảm giác như anh đang đánh mất nơi bấu víu cuối cùng, sợi dây cuối cùng trong một mối quan hệ đang tới hồi phải đổ vỡ. Anh quay ngược lại, bước chầm chậm dọc đường ray. Gió thổi bay chiếc nón anh đang đội trên đầu, anh cúi xuống nhặt mà có cảm giác không đứng lên nổi.

Cái lời hẹn “tới nơi con gọi cho ba” năm đó, suốt gần hai mươi năm rồi con bé không thực hiện. Nó sống ổn, nhưng luôn lảng tránh. Nó bảo: “Nếu ba cũng rời bỏ mẹ, thì ba không cần đi tìm con nữa!”. Nhưng anh ở lại ngôi nhà đó với lý do gì, khi tình yêu không còn, sự chịu đựng nhau cũng đã đến giới hạn cuối cùng? Vợ anh, trái tim của người đàn bà đó cũng hóa đá từ lâu rồi. Dẫu anh cố thử nhiều lần, cố gợi nhiều hình ảnh và câu chuyện lãng mạn, tất cả đều vô nghĩa.

Anh đành phải ra đi. Tình yêu không còn nữa, có chăng chỉ là một vết thương cho cuộc gãy đổ mà hình như chính anh là người đã đạp xuống một cái cuối cùng.

Sau nhiều cố gắng để kết nối và hàn gắn với con gái không thành, anh về lại Việt Nam. Về lại nơi mà mấy mươi năm trước, mẹ anh đã nước mắt ngắn nước mắt dài dọa anh rằng “mày phải đi, không đi là tao chết!”, chỉ mong anh có được một cuộc sống khác sau khi lên tàu tị nạn. Cuộc đời anh đã chứng kiến nhiều sự ra đi, sự từ bỏ nhau, nhiều lắm!

Anh về lại Nha Trang sống đã một thời gian khá dài, anh nhìn thấy rõ được sự đổi thay từng ngày, để anh nhận ra rằng, tại sao mình không hạnh phúc nơi đất khách quê người. Con người chỉ hạnh phúc ở nơi mà họ có thể yêu và cảm nhận được tình yêu mà thôi. Nha Trang, nơi anh sinh ra và lớn lên, nơi anh buộc phải rời bỏ, nhưng chưa bao giờ anh hết yêu. Tình yêu thuở mười bảy tuổi ở trường trung học vẫn còn đậm trong trái tim tưởng như đã quá cỗi cằn sau bao mệt mỏi cuộc đời. Có lúc anh nghĩ, hay mình thử đi tìm lại tà áo trắng năm xưa, nhưng rồi bật cười, chắc cũng già nua héo úa như mình mất rồi.

Vì công việc, anh di chuyển nhiều giữa các tỉnh, chỉ tỉnh nào không có đường tàu đi qua anh mới chọn phương tiện khác, còn lại, anh đều mua vé tàu và đi. Anh không rõ lắm lý do mình cần phải lên những chuyến tàu, bởi, tâm trạng bước lên tàu của anh khó tả lắm, không vui, nhưng không hẳn buồn. Cái rõ ràng nhất là anh nhớ con gái, anh ngồi trên tàu, để tiếng xình xịch dưới chân mình, để trái tim rộn lên kỷ niệm về những ngày đi qua ấu thơ của con. Anh thấy như mình đang trừng phạt chính bản thân vì đã để mất nó. Liệu sau từng đó thời gian xa xôi, con bé đã sống ổn chưa, có gia đình hay vẫn độc thân. Anh nhìn bàn tay lốm đốm đồi mồi, chợt nhớ ra anh xa nó sau chuyến tàu năm đó cũng gần hai mươi năm, nó bây giờ đã bằng tuổi anh vào ngày đó rồi. Vậy mà, sao anh không gặp lại? Anh là cha kia mà?

Câu hỏi đó cứ thôi thúc anh mỗi khi bước chân ra sân ga, anh chỉ ước một lần được ngồi chung trên một chuyến tàu với con bé, chỉ để nhìn thấy nó ổn, chỉ để nói với nó rằng anh cũng ổn. Cứ thêm một năm, anh lại thấy nỗi nhớ dày thêm một ít.

Một ngày, anh lấy hết can đảm của mình, gói ghém hết tình thương của mình nhắn vào hộp thư của con gái: “Con à, con đã tha thứ cho ba chưa? Ba vẫn chọn tàu lửa để đi, liệu chuyến tàu nào có cả con ở đó?”.

Sau tin nhắn đó, không phải đợi khi có dịp anh mới ra ga, mà anh ra mỗi ngày, anh ngóng đợi mỗi ngày, dẫu đó là điều không thể xảy ra. Bởi con bé cách anh gần nửa vòng trái đất, nếu nó trở về, anh phải đợi nó ở sân bay mới phải. Nhưng anh không hiểu sao, anh cứ ra nhìn những đoàn tàu đi và đến, nhìn để thấy mình an lòng, rồi nhìn để mà nhớ mà thương.

Phải lâu lắm, anh không rõ là bao lâu nữa, bởi sau khi xa con bé, khái niệm về thời gian đối với anh cũng không còn mấy ý nghĩa, anh nhận được tin nhắn của nó: “Ba chuẩn bị vé tàu, con cùng ba đi dọc Việt Nam, nha ba!”.

Anh bật khóc, những giọt nước mắt rớt xuống trên gương mặt già nua, đầy những nếp nhăn của năm tháng. Liệu còn hạnh phúc nào lớn hơn? “Con về cùng con rể và hai cháu ngoại của ba. Mẹ không về, mẹ đã có gia đình mới và đang hạnh phúc. Ba cũng phải hạnh phúc, nha ba!”. Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Bao lâu rồi anh đợi một sự tha thứ, bao lâu rồi anh mới có được một niềm hạnh phúc đến nghẹn ngào như thế này?

Anh nắm trong tay những chiếc vé tàu. Không lâu nữa, anh sẽ ngồi cùng con gái mình đi suốt từ Nam ra Bắc trên dải đất hình chữ S này, dải đất mà con gái anh, con rể và hai đứa cháu ngoại của anh chưa từng đặt chân đến, dù trong tim đang chảy một nửa dòng máu Việt. Sẽ không còn ai một mình đứng tần ngần ở sân ga nhìn đoàn tàu rời đi nữa…

 Nguyễn Anh Đào

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.