Mồng Một là Tết của cha

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Cẩn tự nhiên sinh tật uống rượu!

Mỗi ngày, ông Cẩn vẫn dậy từ sớm, lúc mặt trời chưa ló ra, lôi cuộn dây tưới vừa dài vừa nặng giữa tiết trời chuyển mùa lạnh, nhưng đôi chân khấp khểnh sau đợt tai nạn cách nay đã hai mươi năm giờ càng khó nhọc bước sau cả đêm dài say bí tỉ. Nghe tiếng dép lết nặng nề ra gần cánh cửa gỗ mục nát, Thơm vội vàng trở dậy phụ cha. Nhưng vừa thấy con nhỏ, ông Cẩn đã xua tay lia lịa, biểu vô nằm tiếp để còn sức mà học hành. Thơm không cãi cũng không nghe lời, cứ lúi húi khoác áo, te te bỏ đi ra ngoài, tiến về phía góc chái và lôi cuộn dây ra. Vài lần, Thơm nghe tiếng cha thở dài nặng trịch sau lưng mình nhưng mặc kệ. Cái cảm giác vừa tủi, vừa giận lại vừa thương khiến Thơm không biết nên mở lời sao cho phải.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Thơm muốn khuyên cha bỏ rượu đi. Đừng uống, hoặc nếu muốn thì một hai ly cho vui, cho ấm bụng cũng được, hà cớ giờ tới cái tuổi gần đất xa trời tự dưng lại trở chứng làm khổ thân mình chi vậy?! Nhưng một lần, hai lần, Thơm chỉ nhận được cái cúi đầu, tiếng thở hắt và cụt lủn câu “bây kệ tao”… Thơm thôi không còn muốn nói nữa. Mẹ mất gần hai mươi năm, cha một mình kéo ống tưới thuê mặc kệ nắng mưa, sương gió mỗi sáng, trưa ngả lưng vài chục phút rồi chạy phụ quán cơm, tối phụ quán nhậu… Chưa khi nào suốt chừng đó năm ông mở miệng than một câu, cho dẫu chỉ là nói thiệt, rằng ba mệt quá. Miễn có tiền cho Thơm ăn học đàng hoàng là đủ với ông Cẩn lắm rồi. Giờ biết cha uống thứ cay đắng vô người là ông đang tự giết mình dần mòn, nhưng Thơm không dám cản, bởi đời ông chưa từng được làm gì theo ý thích bản thân, không cản thì xót mà nói thì thấy mình không phải chút nào.

Hồi biết thằng Hào thương Thơm, ông Cẩn ngồi trơ trơ gương mặt vô hồn nhìn về vô định. Tới tận khuya, ông nằm giường bên này, cách giường Thơm một tấm màng mỏng, hỏi vọng qua, thằng Hào nó không chê nhà mình nghèo à con? Thơm nghe mà không dám trả lời, tự dưng thấy tủi thân quá! Biết nhau từ hồi mới lỏn tỏn biết đi, học cùng lớp, lớn cùng xóm, tình cảm thân hơn cả anh em ruột thịt, nhưng Thơm an phận mình là thân tôi tớ, ở nhờ, làm thuê cho người ta nên có thương lắm cũng giấu tiệt đáy lòng. Khi thằng Hào mở miệng nói thương, Thơm chỉ khóc rồi chạy về, kệ thằng nhỏ lẽo đẽo chạy theo, cố giải thích đủ đường đủ kiểu.

Từ ngày ông Cẩn uống rượu, Thơm càng viện đủ cách tránh mặt Hào. Đây không phải là chuyện cho bản thân mình. Thơm nghĩ cho Hào, cho cả cha mẹ Hào- những người đã cưu mang cha con Thơm từ sau ngày mẹ mất, hai cha con còn duy nhất bộ đồ chưa bán để thuốc thang cho mẹ. Họ giàu nhất nhì vùng, cho hẳn cha con Thơm miếng đất cuối vườn, bỏ tiền dựng nhà, trả lương cũng khá, nhưng chưa từng lên mặt là chủ đối với tớ. Nhưng, như vậy đã là quá nhiều. Giờ biểu họ đứng sui gia với cha Thơm thì thiệt cũng khó ăn khó nói với họ hàng, chòm xóm, nhất là khi Hào là con cầu con khẩn nhà người ta.

Không biết Hào tự ái hay mệt mỏi, mà suốt hẳn một tháng Thơm tránh mặt, Hào cũng không qua lại, lén nhìn Thơm học bài, cố phụ Thơm giặt quần áo nữa. Thơm buồn, nhưng thấy nhẹ nhàng hơn. Ngày mai, Thơm phải nghĩ tới những thứ khác nữa. Học hành giờ chỉ còn một buổi, cũng rảnh rỗi rồi, kiếm thêm việc gì đỡ đần cha chút nào hay chút đó. Thơm từng nghĩ chuyện đi làm thêm từ hồi mới vô đại học, nhưng ông Cẩn không cho, biểu để đầu óc nhẹ nhàng mà nạp thêm chữ nghĩa. Giờ, mấy tháng ròng, đêm ông ngủ chút tí, lại rượu chè mỗi ngày một bê bết thêm, sức không còn để đi chớ nói chi tới kéo đống ống đó. Nên thôi, Thơm đi làm!

Khuya lơ, Hào đứng đợi Thơm ở bên kia đường, đối diện căn nhà ba tầng to chảng lúc nào cũng đèn đóm nhấp nháy, nhạc nhẽo xập xình. Thơm vẫn là Thơm thôi, với quần tây đen, áo sơ mi trắng giản dị, thêm chiếc áo len tự đan tay. Sau lưng Thơm là thế giới của những ồn ào, phù phiếm, nhưng Thơm vẫn sống cho mình, cho cuộc đời giản đơn và không cần phải xấu hổ. Nhưng khi đối diện với cặp mắt buồn và đầy trăn trở của Hào, Thơm khựng lại, ngập ngừng, tự hỏi, công việc Thơm đang làm có đáng để tự hào hay không? Lâu lắm rồi, chừng vài tháng, hai đứa mới gặp lại nhau, mới chầm chậm sóng bước cạnh nhau đoạn đường vài cây số về đến cái chòi gỗ cọt kẹt cửa kêu tiếng buồn thiu. Hào không nói câu nào, đợi tới tận khi Thơm lên tiếng, nói thôi quên nhau đi để sống đúng với địa vị của mình, Thơm giờ không còn là Thơm nữa, Hào mới cười buồn, hỏi, Thơm tưởng phỉnh được người khác hay sao? Tánh tình Thơm thế nào, kể cả người chưa thân cũng biết, nói chi là Hào. Ai chả biết Thơm thà chết chớ không bán thân. Ai chả hay Thơm ra vô cái quán karaoke tưởng nhơ nhớp đó để làm công việc chà rửa toa-lét chớ!

Khi chỉ còn cách căn chòi gỗ vài chục bước, Thơm hỏi Hào, bộ không chê Thơm nghèo hay sao? Nghèo tới độ chấp nhận ra vô cái chỗ người ta không thể tin mình trong sạch để kiếm chút tiền đỡ đần lo toan của cha?! Hào hỏi lại, Hào không học hành đàng hoàng như Thơm, suốt ngày bưng mặt với vườn tược, với đám con buôn, Thơm đã chê Hào câu nào đâu mà Hào lại dám? Thơm khóc! Không phải vì buồn, không phải vì tủi thân, mà rưng rưng cái nỗi của đứa con gái mới lớn đã dám tin vô tình yêu. Thơm muốn siết tay Hào, muốn ngả đầu vào đôi vai vững chãi đó, muốn nói với Hào một câu ngọt ngào, nhẹ nhàng mà có giá trị tới suốt cả cuộc đời cho cả hai… Nhưng, Thơm không dám, nên chỉ khe khẽ cười rồi vội vã bước về phía nhà.

Hào ấp úng lát rồi gọi Thơm quay lại, giúi vào tay Thơm một phong bì khá dầy, bên trong là những tờ bạc xếp thẳng thớm. Thơm bối rối và có phần cảm thấy tổn thương. Thơm không cần tiền! Thơm không muốn nhận những thứ thiên về vật chất này, nhất là để Thơm không đi làm nữa, như lời Hào nói. Nếu Hào tin Thơm, nếu Hào biết Thơm sẽ không làm điều bại hoại thanh danh của cha Thơm, Hào sẽ không bao giờ đưa tiền ra và bảo Thơm nghỉ làm. Không! Nếu tình yêu là một sự ràng buộc về vật chất thì Thơm không cần!
- Thơm đừng nóng nảy vậy, được không? - Hào nói với theo khi Thơm cương quyết bỏ vô nhà.- Hào chỉ muốn Thơm có thêm thời gian dành cho ba…
- Bằng cách đưa tiền này cho Thơm sao?
- Không! Bằng cách nói cho Thơm biết, mấy tháng qua ba Thơm phải chịu đựng những gì.

Thơm quay lại, lặng đi vài nhịp thở. Hào vừa nói gì? Hào buồn, thở hắt ra, đúng cái kiểu con nhà nông dân chất phác, y hệt cha Thơm, rồi khẽ khàng bảo, ông Cẩn bị u ở phổi, chưa biết lành hay ác, ông sợ mắc ung thư không lo cho Thơm thêm được nữa nên sinh buồn phiền mà uống rượu tìm quên. Thơm nghe gió mùa rét mướt vấu chặt lòng mình, cảm giác tê rát âm ỉ quặn từng chặp trong Thơm khiến nước mắt muốn trào ra mà sao không thể. Thơm cứ đứng đó, trơ trơ nhìn Hào, không biết phải nói gì, bởi, giờ mọi thứ trong đầu Thơm đã đông đặc hết vì nỗi sợ không dám gọi thành tên. Nếu không còn cha nữa thì sao chớ? Sao Thơm lại có thể vô tâm tới vậy? Sao Thơm lại không hề hay biết gì về bệnh tình của cha?

- Hào không khi nào nghi ngờ Thơm! - Hào nói, cố để Thơm tập trung lại câu chuyện Hào cần Thơm phải nghe - Chỉ là, Hào nghĩ Thơm cần có chút tiền để đưa ba đi khám…
- Tiền này…?
- À… à… - Hào gãi đầu, cúi rịt xuống đất, lí nhí - Hào để dành á, từ hồi Thơm đậu đại học… Để… để Thơm học xong làm… làm đám cưới.

Trong nhà, ông Cẩn ngồi thẫn thờ trước chai rượu còn nguyên. Cả chiều nay ông tự hỏi, thứ làm mê muội đầu óc con người ta này có thể khiến ông quên đi nỗi sợ phải bỏ lại đứa con gái nhỏ bé của mình? Thằng Hào nói phải, ông phải đối diện, phải đấu tranh, nếu không thể thì hãy sống những ngày tháng cuối cùng cho tử tế. Khi toan đứng dậy đem đổ chai rượu đi là lúc hai đứa nhỏ về. Tụi nó đã cố nói rất khẽ, nhưng cái chòi gỗ nhiều lỗ mối mọt này sao ngăn được những lời tụi nó nói. Ông Cẩn run rẩy ngồi xuống, tự hỏi, con Thơm đối diện với những điều này thế nào đây? Thằng Hào bậy thiệt, chưa tính toán gì đã huỵch toẹt hết với con Thơm! Rồi, cái thằng thiệt tình ngu, tiền để dành hỏi cưới con nhỏ nay đưa hết để ông chữa bệnh rồi lấy chi mà làm đám chớ?

Tiếng cửa gỗ cọt kẹt mở, sau khi âm thanh rì rào hai đứa chào nhau lặng đi một chút. Thơm bước vô nhà, đưa mắt nhìn cha rồi nhìn chai rượu đầy nằm im trên chiếc bàn gỗ. Thơm khóc. Thơm cười.
***
Triền đồi bát ngát nắng thơm mùi mùa mới. Hàng thông xanh rì rào trò chuyện với nhau. Thơm đi cạnh ông Cẩn, miệng cười tươi như mùa xuân ướp thắm cả núi đồi. Đến gần ngôi mộ thơm mùi vữa vừa được Hào sơn trắng, Thơm cúi xuống, đặt bó hoa hồng lên mộ mẹ, thì thầm:
- Đáng lẽ bữa nay là ngày của ba nè! Mà, ba cương quyết là vui buồn gì cũng muốn gặp mẹ cái đã!
Ông Cẩn cười, đi nhanh lại cốc đầu Thơm:
- Tổ cha bây! Nhiều chuyện hà!
Rồi, ông bước lại, đưa tay áo lau lau trên di ảnh của mẹ con Thơm, cười hiền, không nói. Từ ngày bà còn sống, hiểu nhau chỉ bởi cái nhìn, mắc chi giờ phải nói ra cho con nhỏ nó cười? Điện thoại Thơm rung. Tin nhắn của Hào: “Mồng Một là Tết của cha! Hào lo xong Tết ở nhà, qua ăn ké với Thơm, với ba nghen!”.

Trương Thanh Thùy

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.