Quà của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 1. Gần đến Noel rồi, trời lạnh lạnh là. Cái gió, cứ nhìn thấy Quyên là ra sức nhảy múa, chẳng cần biết Quyên có thích hát theo hay không. Lâu lâu lại còn mưa mưa nữa. Mà cứ nhìn thấy mưa, mẹ lại buồn buồn, đôi mắt cứ nhìn đi mãi đâu. Quyên chẳng thích thấy mẹ như thế một tẹo nào, bởi rồi thế nào mẹ cũng khóc. Chắc là mẹ lại nhớ ba. Noel này là Noel thứ năm, Quyên thì chuẩn bị sang tuổi lên 10 rồi mà chưa thấy ba quay về.

Sáng nào, trước khi chở Quyên đi học, mẹ cũng mặc cho Quyên nhiều nhiều là quần áo ấm, nhiều khi Quyên lỡ có ngã cũng chẳng hề thấy đau. Rồi tất. Rồi mũ. Rồi găng tay. Rồi áo mưa, không mưa cũng khoác. Quyên dù có không thích cũng không dám cự nự, bởi rồi thế nào, mẹ cũng bảo nhà mình  ở xa, không mặc như thế, lỡ ốm thì sao. Ừ, mà Quyên sợ nhất là ốm đấy. Nhớ năm ngoái, Quyên bị sốt siêu vi, phải ở bệnh viện cả tuần. Mẹ như con thoi, đi đi về về, còn mắt thì lúc nào cũng đỏ. Thấy mẹ lo lắng, Quyên đã tự hứa, từ đây trở đi, Quyên sẽ không thèm ốm nữa. Thì nhà xa, Quyên mặc nhiều hơn các bạn một chút, đi đường có phần hơi bó buộc một chút, cũng đã sao.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Mà nhà Quyên xa thật, xa nhất lớp. Nhà xa nên trên đường đi, Quyên nhìn thấy vô vàn là những sắc màu, của cây, của phố, của người; nhưng Quyên thích nhất là khi được nhìn thấy những sắc màu ở những cửa hàng quần áo. Mẹ cũng cho Quyên tới những chỗ đó mấy lần rồi, mẹ cho Quyên đi dạo mấy vòng và ướm thử vào người nhiều nhiều quần áo. Rồi khoảng một tuần sau thì mẹ tự mua cho, cũng là những sắc màu ấy nhưng thường thì không phải là những cái Quyên đã được cầm đến.

Những ngày này, phố mới háo hức, rộn ràng làm sao. Quyên cũng thế. Không háo hức, rộn ràng sao được khi mà Quyên vẫn nhớ như in lời hứa tặng quà của mẹ từ Noel trước; lại chưa kể tới món quà Quyên mong nhận được của ông già Noel bỏ trong chiếc tất mà hơn một tuần nay, Quyên đã gối ở đầu giường. Đó là một con búp bê biết hát. Con búp bê này đã đứng ở trong tủ kính của nhà sách từ năm ngoái đến giờ. Lần nào được mẹ cho đi xem sách, thế nào Quyên cũng phải chạy đến chỗ nó, hết nhìn ngắm lại thì thầm, mong nó cũng đợi đến Noel. Hình như nó cũng hiểu nên cũng có ý chờ Quyên.

Hôm qua, lớp Quyên  được nghỉ trước một tiết. Trong khi chờ mẹ tới đón, như không nén nỗi niềm mong muốn, Quyên đã tự mình qua nhà sách, tìm đến chiếc tủ kính. Quyên nói với con búp bê bao nhiêu là chuyện, cả những chuyện sau này khi nó đã là em gái của Quyên, Quyên sẽ nhờ mẹ may cho nó thật nhiều váy đẹp, đẹp hơn chiếc màu xanh nó đang mặc. Còn  chân, Quyên sẽ cho nó mang đôi bít tất màu trắng, trắng hơn mẩu giấy đang được ghim kèm lên cánh tay nó kia. Bất chợt, Quyên nhìn sát lại phía mẩu giấy. Ồ, nó là giá tiền. Quyên không tin vào mắt mình. Sao nhiều thế nhỉ? Bằng cả nửa tháng lương của mẹ. Thấy Quyên tần ngần, cô bán hàng chạy lại: “Con búp bê hơi nhiều tiền phải không? Cháu có thể chọn con khác, vừa túi tiền hơn”. Quyên quay lại, nói lời cảm ơn bằng giọng buồn buồn. Tự nhiên, Quyên thấy buồn. Nhiều tiền thế, chẳng biết mẹ có mua nổi không? Rồi Quyên lại nghĩ, chẳng biết mẹ còn nhớ lời đã hứa không nữa cơ. Ngay cả khi mẹ tới đón và cả khi về tới nhà, đầu óc Quyên còn mãi ở đâu đâu. Như đoán được tâm trạng của Quyên, mẹ nói chuyện vui. Sợ mẹ biết chuyện, Quyên lấp liếm bằng cách kể về bài kiểm tra văn.

2. Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng Quyên quyết định sẽ đem chuyện mình mong được nhận quà kể cho chị Hạnh nghe; mới định thế thì đã nghe tiếng chị ngân dài nơi ngõ nhỏ. Chị Hạnh lớn hơn Quyên 6 tuổi, nhà ở cuối làng, đi qua nhà thờ vài chục bước chân thì tới. Nghe Quyên bày tỏ, chị Hạnh cứ nhìn Quyên mà cười tủm tỉm suốt thôi, y như là thử sự kiên nhẫn của Quyên vậy. Cười riết, mãi rồi chị mới khẽ bảo, bây giờ việc tặng quà trong dịp Giáng sinh đã trở nên phổ biến ở hầu hết mọi nhà nên Quyên có thể chờ đợi mẹ tặng cho, chứ không như hồi trước, chỉ những trẻ con trong các giáo xứ như chị Hạnh là có quà thôi. Quyên nhìn chị Hạnh: “Em có thể chờ và tin mẹ nhớ được hả chị”. “Ừa, em cứ tin chị đi. Mà thôi, để chị hát tặng em bài hát “Ông già Noel dễ thương” trước nhé. Đây là bài chị mới học được, nghe dễ thương gì đâu”. Nói rồi chị Hạnh khúc khích cười, vừa cười vừa hát với vẻ nhí nhảnh, lâu lâu lại đưa bàn tay nhỏ xinh ra bẹo má Quyên: “Này ông Noel dễ thương/từ trên cao ông mau xuống đây/xuống đây ông mang bao nhiêu là quà/và đừng quên đây chiếc giày nhỏ xíu/và ông ơi ông nhớ nghe/quàng khăn ấm trong đêm giá băng/bởi đêm nay bao trẻ thơ trên đời/ đợi chờ ông trong đêm Chúa Giáng sinh/Trong đêm đông con mơ thấy dáng ông về/trên không trung muôn vàn tinh tú/ông ơi xin ông đừng quên ghé ngôi nhà này/mang bao nhiêu yêu thương con hằng mong ước/và đừng quên chiếc vớ xinh xinh…”.

Nghe chị Hạnh hát, Quyên chợt ngẩn lòng, có cảm giác như bài hát đang nói hộ những suy nghĩ của Quyên vậy. Chắc thấy được cái vẻ mặt bần thần của Quyên, chị Hạnh lại véo von: “Chị đố Quyên biết vì sao trong dịp lễ Giáng sinh lại có ông già Noel đấy”. “Thì ông ấy đến để tặng quà cho trẻ em mà chị”. “Ừ, đúng rồi em. Nhưng chị muốn nói đến nguồn gốc về sự xuất hiện của ông già Noel cơ. Mà nói ra thì dài lắm, khi nào em muốn tìm hiểu, chị sẽ đưa sách để em đọc. Nhưng có thể tóm tắt lại như thế này, việc tặng quà nhau là phần quan trọng của sự vui vẻ trong dịp lễ Giáng sinh đó em. Tập tục này có từ thời cổ La Mã, tặng phẩm thường được phát trong dịp lễ giữa mùa đông, nhất là vào dịp Tết đón năm mới. Tại một số nước thì tặng phẩm lễ Giáng sinh được gửi đến gần 3 tuần trước lễ Giáng sinh, thường được thánh Nicôla mang tới trong dáng vẻ là một ông già đẹp lão, tính tình vui vẻ, có chiếc mũ màu hồng và bộ râu trắng dài, mặc bộ y phục màu đỏ, quàng khăn trắng, đeo đai lưng màu đen, vai mang nhiều quà. Hàng năm, cứ vào lễ Giáng sinh, thánh Nicôla đều cưỡi  ngựa trắng đến thăm từng nhà, thấy đứa trẻ nhà nào ngoan ngoãn, liền tặng quà năm mới cho chúng. Câu chuyện này được truyền sang Mỹ, rồi truyền đi khắp nơi, từ đó, hình ảnh thánh Nicôla xuất hiện trong các buổi lễ mừng Giáng sinh của người Mỹ. Từ đó đã ra đời tên gọi Santa Claus (tên mà người Anh, Mỹ gọi ông già Noel). Vì thế thánh Nicôla có thêm nhiều tên gọi khác, hình ảnh khác. Vào thế kỷ XIX, hình ảnh ông già Noel lại được sửa đổi và có thêm điều mới lạ khi ông vui vẻ ngồi trên xe tuyết do 8 con tuần lộc trắng kéo, đến thăm từng nhà, dừng xe lại, trèo lên ống khói, thả quà xuống và lặng lẽ rời đi. Sang thế kỷ XX, có một họa sĩ người Thụy Điển lại sáng tạo ra một hình ảnh mới lạ về ông già Noel: má đỏ, râu tóc bạc trắng, ánh mắt vui tươi, mặc quần áo lông đỏ có viền trắng…”.

Chuyện về ông già Noel hình như là Quyên đã đọc ở đâu đó rồi, nhưng cách kể của chị Hạnh khiến Quyên vô cùng thích thú. Rồi, như không thể kìm lòng mình được, Quyên rủ chị Hạnh đến nhà thờ chơi. Chị Hạnh lại hi hi cười, đồng ý ngay tắp lự, vừa đi lại vừa háo hức chuyện trò, chả chịu để cho Hạnh nói xen lời nào. Giọng chị Hạnh rành rọt: “Năm nay, bà con giáo xứ của chị được đón mừng Noel trong khu nhà thờ lớn nhất nhì thành phố đấy. Đây là nhà thờ đẹp và vô cùng trang nghiêm nữa, có lẽ là đẹp nhất, trang nghiêm nhất trong ký ức về những khu nhà thờ mà chị đã được vào thăm và nguyện cầu. Mẹ chị cũng nói thế. Nhà chị, mọi việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đã được mẹ hoàn thành đâu vào đấy từ hơn một tuần nay rồi cơ, đèn kết hoa cũng đã xong; còn những chiếc bánh dành để cắt ăn mừng cũng đã sẵn sàng. Mà cây Giáng sinh năm nay của nhà chị đẹp lắm nhé, mẹ chị phải lựa mãi mới được một cây thông ưng ý đấy, tí ghé nhà chị, chị cho ngắm ké. Mấy hôm nay, hôm nào mẹ chị cũng tranh thủ qua nhà thờ, tìm việc để làm cùng mọi người, ai cũng mong được đón một lễ Giáng sinh an lành, ấm áp và tiếp theo đó là đón một năm mới thật vui tươi. Mẹ chị bảo, món quà quý giá nhất mà mọi người mong nhận được hơn cả trong lễ Giáng sinh lại chính là niềm vui sum họp gia đình, được sống trong tình yêu thương của người thân và bạn bè đó em”.

3. Lời cuối trong câu chuyện với chị Hạnh khiến Quyên suy nghĩ nhiều lắm. Vậy nên, sáng nay, trước khi ra khỏi nhà, Quyên đã dúi vào tay mẹ một mảnh giấy, dặn mẹ chờ khi Quyên vào lớp rồi mới được mở ra. Mảnh giấy ấy là kết quả của cả một đêm trằn trọc, trong đó Quyên viết rằng Quyên muốn mẹ tặng cho mình một chiếc cài tóc màu hồng, hiện đang được bày ở ngăn thứ ba trong quầy tạp hóa của cô Kim đầu làng. Cô Kim cũng đã gọi Quyên mấy lần, ướm hỏi xem Quyên có thích chiếc cài đó không thì để cô nói với mẹ một tiếng giùm cho, “vì chỉ có Quyên mang chiếc cài ấy mới hợp”. Quyên cũng đã xem đi xem lại chiếc cài đó nhiều lần, nhưng Quyên cũng cứ chần chừ, chưa được thích lắm, vì có lần cùng chị Hạnh đi mua chai tương ớt, thấy chiếc cài nằm chỏng chơ trên mấy cái bì đựng khăn mặt, phải chờ mãi khi mua xong đi về, chị Hạnh mới ghé tai Quyên thì thầm: “Chiếc cài ấy chắc ở quầy của cô Kim lâu lắc rồi em ạ, bụi phủ dày một lớp, nhìn cũ; mà cái kiểu cũng không mô-đen nữa; lại còn màu hồng hồng, trông rất trẻ con. Ở trên phố, có mấy nơi bán cài đẹp lắm, nhưng mà giá hơi cao”. Vậy mà, chẳng hiểu sao, tối qua khi nghĩ đến món quà trong dịp lễ Giáng sinh, Quyên chỉ nghĩ đến chiếc cài tóc ở cửa hàng của cô Kim.

Mẹ vui vẻ cất mẩu giấy của Quyên vào túi áo, rồi từ từ rút trong túi ra một tờ giấy khác-được gấp rất gọn ghẽ và cũng dúi vào tay Quyên, dặn Quyên khi nào có thời gian rảnh thì hãy đọc. Quyên nhìn mẹ đầy ngạc nhiên. Cũng bởi sự ngạc nhiên xen lẫn tò mò đó, ngay sau khi ngồi ngay ngắn trên xe, Quyên đã len lén mở ra xem. Người Quyên chợt run lên, như không tin vào những gì mình đang đọc được. Thì ra mẹ vẫn nhớ đã không quên bất cứ một điều gì, từ lời hứa mẹ chưa kịp thực hiện đến cả những mong ước chợt đến trong những suy nghĩ của Quyên, trong suốt mấy năm qua. Mẹ còn nhắc đến cả việc sẽ sắp xếp thời gian, sau Noel  sẽ gửi Quyên ở nhà chị Hạnh, “để đi tìm ba cho Quyên thêm một lần nữa, vì biết đâu, vì cảm thương mẹ và yêu thương Quyên, ba sẽ nghĩ lại mà quay về với gia đình…”. Lời mẹ khiến Quyên muốn khóc. Len lén cất mảnh giấy lại vào cặp sách, Quyên cố nhìn lên phía trước, cố nhìn sao cho thật rõ khuôn mặt mẹ, rồi quàng tay ôm chặt mẹ và thầm thì: “Mẹ, con yêu mẹ”.

Vũ Thu Huế

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.