Đồi dã quỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 1. Mấy khóm dã quỳ vàng hết một vạt đồi bên đường. Lần nào xe đi qua, tôi cũng cố tình để ánh mắt mình đuổi theo cái vạt đồi vàng rực đó cho đến khi khuất mắt. Chúng đẹp một cách hoang sơ, tinh khiết và trong veo như thuở xưa người đàn ông Ê Đê còn quấn khố, người đàn bà còn để ngực trần xuống suối gùi nước về nhà. Dã quỳ cũng chỉ là một loại hoa dại khá quen thuộc ở xứ sở này. Chúng chẳng cần một bàn tay nào chăm sóc, cứ thế vươn lên và lan tỏa khắp miền Tây Nguyên hai mùa mưa nắng. Tôi nghe mẹ kể nhiều về thuở hoang vu, khi tiếng chim kơ tia trong rừng không quên hót, khi người Ê Đê không quên hát ca, múa điệu xoang đêm lửa. Chuyến xe đưa tôi lướt qua từng vạt đồi, từng rừng cây thẳng đứng bên đường, rồi mở ra cái rộn ràng, nhộn nhịp của phố phường sau những dãy núi.

Mùa dã quỳ chen chúc từ rừng, từ những vạt đồi, lên cả vỉa hè của phố. Tôi có cảm giác như đó là mặt trời riêng của người miền núi vậy. Chúng vừa mộc mạc, vừa như một niềm kiêu hãnh để những người con của núi rừng cho dù đi đến đâu cũng có thể mỉm cười khoe với bạn bè khắp nơi. Xe đã đi qua vạt đồi vàng lấp lánh hoa dã quỳ. Bất giác tôi nghe tiếng suối róc rách chảy từ đâu đó xa xôi trong tiềm thức của mình. Những đêm mơ về nó cuối cùng cũng đã trở thành thứ hình ảnh hiển thị lung linh, đẹp nhất trước mắt tôi lúc này.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

2. Đoàn người vẫn phăm phăm từng bước chân trong rừng thẳm, cây cối bạt ngàn hoang sơ. Họ băng qua con suối, đến vạt nương rẫy của một người đồng bào, theo sơ đồ đã được vẽ lại bằng ký ức để tìm kiếm một ngôi mộ nằm im lìm từ những năm tháng chiến tranh. Ông già Bahnar đưa đoàn người tiến thẳng đến một gốc cây cổ thụ, mắt xa xăm như trở về với tháng năm của ký ức:
- Bà H’Ban nằm đây.
Người đàn ông đi tìm mộ trầm ngâm, suy tư cắm nén nhang lên đám đất bằng phẳng vừa được chỉ. Vợ ông chắc đang mong ngóng cái khoảnh khắc này lắm. Ông khe khẽ chắp tay khấn trong làn hương trầm bay lãng đãng: “Amí, chúng con đến để đón amí về”.

3. Suối trong vắt, nước điệu đàng uốn lượn dưới bàn chân trắng ngần của cô gái Ê Đê vừa tròn đôi mươi. Mắt cô đen tuyền, to tròn như hạt ngọc quý của núi rừng. Con gái Ê Đê xinh đẹp và hát hay như nàng không nhiều. Trai làng mải ngắm nàng đến quên cả chuyện lên rừng đốn củi, săn con nai, con hươu. Ama, amí của nàng đã mất, nên nàng sống dựa vào tình thương và sự cưu mang của buôn làng. Nàng lớn lên ở giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất, buôn làng trở thành căn cứ địa chống giặc. Cũng như người trong buôn, từ đàn ông đến đàn bà đều yêu từng mảnh đất, yêu từng con suối, từng tiếng hót trong veo buổi sớm của chim kơ tia, mười lăm tuổi H’Ban trở thành giao liên. Năm mười tám tuổi, nàng gặp K’Nơng, chàng trai Ê Đê vừa học xong khóa y sĩ được cử đến buôn làng của cô để tham gia vào đội ngũ y tế, cấp cứu cho thương binh. K’Nơng có khuôn mặt thanh tú, đôi mắt sáng thông minh. Tình yêu của núi rừng đã chắp cánh cho họ, tiếp thêm sức mạnh cho những lý tưởng tuổi trẻ trên dải Trường Sơn thăm thẳm. Kết quả của tình yêu đó là một đứa bé gái xinh xắn chào đời trong sự đón nhận hân hoan của người thân, của buôn làng và cả những chiến sĩ cách mạng. Cô bé được đặt tên H’Yan Ly.

Trong khói lửa chiến tranh, hạnh phúc lứa đôi chỉ là những đốm than mà họ cố gắng chắt chiu, ủ trong tro ấm. H’Ban được cử đi làm nhiệm vụ bí mật khi đứa con gái bé bỏng của nàng vừa mới lên ba tuổi. Nàng phải rời xa nơi này để đến một buôn làng khác của người Bahnar, xa rời nơi nàng đã sinh ra và lớn lên. Còn chồng nàng cũng được cử ra mặt trận phía Bắc để tiếp tục đào tạo và nhận nhiệm vụ khác. Cô bé H’Yan Ly theo mẹ bôn ba khắp núi rừng xa lạ. H’Ban lúc ấy mới hơn hai mươi tuổi.

Cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt. Một lần, H’Ban rơi vào tay địch. Chúng giết nàng rồi vứt xác trên một khoảng đồi rực nắng, không có hoa dã quỳ. Sau khi quân giặc rời đi, người đàn ông Bahnar ngày xưa đã từng chôn giấu trong lòng tình yêu với nàng, cũng là đồng đội đã lặng lẽ đến đắp cho nàng một tấm chăn thổ cẩm và cũng là người cuối cùng đắp đất lên nấm mộ bên gốc cây cổ thụ. Phía dưới chân đồi có một con suối đang chảy róc rách cả đêm lẫn ngày. K’Nơng vẫn đang ở tận miền núi phía Bắc. Người đàn ông Bahnar đón cô bé H’Yan Ly về, gửi lại cho vợ của mình chăm sóc và tiếp tục theo đoàn quân lên đường chiến đấu.

4. Câu chuyện của mẹ vẫn đang ám ảnh tôi mỗi lần đi qua những vạt đồi. Ngày còn bé, tôi thường để ý đến vết sẹo lớn trên bàn tay của mẹ. Nhưng, tuổi thơ ngây ngô, tôi chỉ mân mê sờ sẫm rồi thôi và mẹ cũng chẳng bao giờ kể về nó. Một lần, tôi quyết định lấy hết can đảm để hỏi mẹ về cái vết sẹo mà cả tuổi thơ tôi đã cố tình lãng quên. Ký ức sống lại trong đôi mắt và mẹ bắt đầu kể: “Năm mẹ lên ba tuổi, bà ngoại con mất. Mẹ được một người đàn bà Bahnar nuôi dưỡng. Mẹ không nhớ nhiều lắm, chỉ biết kể từ ngày sống ở đó mẹ phải làm những việc nặng. Bà ta bắt mẹ xuống suối lấy nước. Một lần mẹ làm đổ cái bầu nước, bà ta đã dụi cả quả bắp nướng trong than đỏ lên mu bàn tay của mẹ. Vết sẹo có từ đó”. Tôi nghe sống mũi mình cay cay, một đứa bé ba tuổi mồ côi, không được ăn no, mặc ấm và bàn tay bé tí đã phải hằn lên một vết sẹo vì bị phỏng ư? Tất cả những chi tiết đó đã khắc vào trí nhớ tôi nỗi thương cảm day dứt khôn nguôi về thời thơ ấu của mẹ. Năm mẹ hơn mười tuổi, được ông ngoại tôi tìm về và đưa mẹ ra tận miền Bắc để đi học. Sau đó ông tiếp tục quay về chiến trường Tây Nguyên hoạt động. Sau này, ông mất trong bệnh tật bởi di chứng của những đòn tra tấn của kẻ thù. Mẹ nối nghiệp cha mình, cũng trở thành y sĩ về lại quê hương để phục vụ và cứu chữa cho bệnh nhân nghèo ở đất Tây Nguyên đầy nắng gió.

5. Những mùa hoa dã quỳ biến Tây Nguyên trở thành miền đất nhớ. Tôi có đi đến đâu cũng không thể nào quên được. Người Tây Nguyên mạnh mẽ và can trường lắm. Người Tây Nguyên biết vun đắp cho tình yêu trong tim mình nở rộ như những vạt hoa dã quỳ vàng rực cả mấy vùng đồi.

Cả đoàn người đã tìm về vùng đất này. Tiếng bom đạn chiến tranh những năm ấy như còn dội lại. Hình ảnh người con gái Ê Đê nằm im quấn chiếc chăn thổ cẩm bên vũng máu đã khô như mới từ hôm qua. Ông già Bahnar  bần thần trong từng khoảnh khắc. Và cả đoàn người lặng yên trước ngôi mộ bên gốc cây cổ thụ. Ngôi mộ nhỏ, đất đã sạt bớt vì không được chăm sóc. Ở phía dưới là con suối vẫn đang chảy róc rách. Lời kể của ông già Bahnar về cô gái Ê Đê đẹp như hoa pơ lang tên gọi H’Ban đã hy sinh trên triền đồi này cứ thầm thì trong nắng chiều. Con suối ở phía dưới, gốc cây cổ thụ bên cạnh ngôi mộ đã bảo bọc lấy linh hồn bất tử ấy như một nhân chứng sống của thời gian, của quá khứ, của chiến tranh và hòa bình. Cả đoàn người khấn nguyện. Mẹ tôi khóc nấc qua điện thoại, khi báo tin cho tôi: “Ba tìm thấy mộ bà ngoại rồi. Các con gắng thu xếp về”.

6. Mẹ tôi nổi tiếng là hoa khôi của trường học sinh miền Nam thời ấy. Có một tấm ảnh trắng đen mẹ tôi còn gìn giữ và thỉnh thoảng mở ra ngắm nghía. Mẹ kể, năm đó mẹ cũng tròn mười tám tuổi. Khuôn mặt tròn, đôi mắt đen láy, có chiếc răng khểnh rất duyên lấp lánh. Mẹ thích múa hát. Mẹ bảo, mẹ giống bà, nhiều thứ, kể cả sở thích. Nhưng vẫn chưa bằng đóa hoa rừng H’Ban ngày xưa trong trái tim ông ngoại. Tên mẹ là H’Yan Ly. Mắt mẹ sâu thẳm, miên man như những đóa hoa rừng vẫn nở dịu dàng bên đời chúng tôi. Có thể trong ký ức mẹ chỉ là những khổ đau và mất mát, nhưng trái tim và tâm hồn mẹ đã được núi rừng bảo bọc yêu thương qua biết bao nhiêu mùa nương rẫy.

Nắng chiều ở xứ này hơi se sắt. Chúng xuyên qua ô cửa kính trên những chuyến xe rong ruổi, mỗi lần tôi quay trở về với mẹ…

Văn Giang

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.