Trà hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thùy mỉm cười, nhấp một ngụm trà, vị dần thấm vào đầu lưỡi, hương thanh mát khiến lòng người nhẹ hẳn. Phía đối diện, Khiêm nhìn cô. Trầm thơm ngát tỏa, thác nước giả cất tiếng róc rách xen vào giữa họ.

1. Thùy cẩn thận dùng chiếc cơi tre cơi trà vào trong ấm.

Chiếc ấm đất đã tráng qua nước sôi giờ ủ lấy những cánh duyên, nước còn đọng lại thấm dần khiến chúng hơi nở ra, phả hương vào lòng nắp, ấy là thứ hương mà kẻ sành trà thường ưa.

Người khách trước mặt cô đang chăm chú trông từng động tác nhỏ nhẹ của chủ quán, trong đôi mắt hơi lóe lên ánh sáng của niềm háo hức. Chuyên nước sôi ra chén tống thủy tinh rồi mới rót vào chiếc song ẩm (ấm trà dành cho 2 người), Thùy lặng im chờ cho cánh trà trả lời mình bằng cách vuốt nhẹ ngón tay nơi thân ấm mịn đỏ, bằng sự khẽ khàng của mình, cô lại chuyên trà ra tống rồi mới bắt đầu rót thứ nước đầu tiên ấy ra hai chiếc chén sứ con.

Thùy ngước mắt nhìn bạn trà, bảo:

- Mời anh…

- Hương ngọc lan sâu quá- Khiêm bảo.

Thùy mỉm cười, nhấp một ngụm trà, vị dần thấm vào đầu lưỡi, hương thanh mát khiến lòng người nhẹ hẳn. Phía đối diện, Khiêm nhìn cô. Trầm thơm ngát tỏa, thác nước giả cất tiếng róc rách xen vào giữa họ.

Thùy cúi đầu nhìn vào lòng chén…

2. Đây không phải là lần đầu tiên họ gặp nhau, hai người đã quen biết từ rất lâu rồi, từ thuở Thùy bắt đầu tìm mối trà tươi ở Tà Xùa. Hôm ấy trời mưa. Mưa rất dữ dằn. Mưa rải trên ngọn đồi xanh ngắt bạt ngàn những búp trà non. Thùy đứng trong lán, khí núi lạnh khiến cô thu mình lại và choàng thêm chiếc khăn mỏng, những cây trà bị mưa víu xuống lại bật lên không hề hãi sợ.

 

  Minh họa: huyền trang
Minh họa: HUYỀN TRANG

Thùy còn nhớ khoảnh khắc chiếc hũ đựng trà bằng sứ theo sức nặng của cái gạt tay nơi Lâm rơi xuống đất, lập tức vỡ tan tành thành muôn vàn mảnh vụn. Thùy trân trân trông món quà mà chồng mình mua tặng. Trà khô vương vãi khắp sàn, cánh nào cánh nấy tê dại nằm đó, chừng như run rẩy chừng như rên xiết vì sự giá buốt tràn lan. Người chồng-sau mấy câu chửi tục tĩu-đã lập tức bỏ đi, để lại vợ mình đứng đó.

Ngày cô tới Tà Xùa, nhìn vào màn nước dày với ánh mắt bình thản, Khiêm đã rất ngạc nhiên trước người con gái trông vừa nhỏ bé vừa kiên cường này. Cô không đẹp, rất gầy, nhưng bù lại, đôi mắt cô to và sáng cơ hồ chẳng vương bụi thế gian. Thùy như hòa nhập hẳn với nơi đây: Cô và trà là một. Khiêm hoảng hốt trước ảo giác của chính mình, vội vàng lắc đầu thật mạnh nhằm lấy lại vẻ bình thản thường ngày. Anh bước tới cất tiếng chào đối tác. Thùy hơi giật mình ngoảnh lại, cô nở nụ cười:

- Chào anh, em… là Thùy, vợ của anh Lâm.

- Ừ, anh có nghe Lâm nhắc.

- Vâng, anh nhà em bị ốm.

Cô đang nói dối, bởi chồng cô đang rất khỏe mạnh, hay nói đúng hơn, anh đã bỏ nhà đi mấy hôm không về. Khiêm lại gật gật đầu, nói tiếp:

- Thôi, ta vào trong kia ngồi cho ấm, bao giờ mưa tạnh thì anh sẽ dẫn em tới xưởng trà.
Bên trong lán có một chiếu chậu đồng méo mó đựng than hoa đang cháy đỏ hòng xua bớt cái giá, một bộ bàn ghế được làm từ thân cây chết khô có hình thù hơi kỳ quái.
Tay trái nhấc siêu, tay phải lật hai chiếc ca nhôm, Khiêm rót nước mời khách. Sau lời cảm ơn, Thùy hơi bất ngờ vì thứ mình được mời lại là trà…

Cô thoáng nhíu mày.

Khiêm nâng ca nhôm lên uống một hơi, Thùy hơi khó chịu khi nhìn thấy trà buộc phải bó mình trong đó. Nhìn nét mặt của cô, Khiêm khẽ cười mở chuyện:

- Người ta thường nói rằng khi thưởng trà, kẻ hữu duyên sẽ bắt gặp câu chuyện của bạn trà trong chén.

Thùy ngạc nhiên:

- Bói lá trà sao?

- Không, giống như một chiếc gương. Nhìn vào là thấy mọi thứ hiện ra trước mắt.

- Anh không phải nhà tiên tri!

Thùy kinh ngạc khi nhận ra thái độ của mình có vẻ gay gắt, cô bèn chuyển ngữ điệu để chữa thẹn, giọng đằm lại hơn một chút, kéo tới chữ “tri”, giọng cô đã nhỏ như tiếng gió thoảng.

Khiêm lắc lắc đầu, nhấc ấm tích hãm trà rót cho cô một ca thật nóng, thật sánh. Cách uống mà Thuỳ chưa thử bao giờ, cô nhíu mày ngại ngần. Khiêm nói tiếp:

- Tôi biết, vậy thôi. Cô muốn biết không?

Thùy cũng chăm chú nhìn anh, trong giây lát, cô bật ra:

- Không, không cần biết.

Mưa vẫn trút như thác. Khắp đồi trà hồ vang lên tiếng nhạc nghe vui tai. Thùy bần thần nhìn khoảng không gian xanh ngắt, thơm mùi đất, mùi cỏ cây vừa thanh tân vừa giản đơn.

- Cô biết trà trong nhân sinh có vị thế nào chăng?

- Rất đắng.

Khiêm gật gù thừa nhận:

- Quả vậy, vậy cô cho rằng trà nhân sinh có thể uống với trà cụ ra sao?

Thùy sững người, kinh ngạc khi cảm tưởng như người đàn ông đối diện có thể đọc được suy nghĩ của mình. Mãi một lúc lâu sau, cô mới đáp:

- Trà vốn thanh, phải được dùng với chén sứ trắng, như thế mới nổi bật lên được sắc và vị trà.

- Không, phải dùng trà cụ càng tinh giản càng tốt, trà càng đắng, vật đựng càng phải lớn.

- Tại sao lại như vậy?

Khiêm buông giọng trả lời:

- Bởi vì chỉ có đi tới tận cùng của cái đắng chát, mới thu lại được hậu vị ngọt ngào.

3. Xưởng trà của Khiêm không rộng lắm, cũng chẳng thuê nhiều nhân công, làm ra chủ yếu để phục vụ cho cái thú của bản thân và giới thiệu đến một số người quen thực sự có lòng yêu với trà.

Anh bảo Thùy, rằng hiện giờ thiên hạ thường chuộng lối sống tìm về với thiên nhiên, chay, thiền. Trà cũng là một phần quan trọng, song không phải ai cũng biết cách uống trà, đa phần rơi vào kiểu cách thái quá, hình thức tuy có hào nhoáng nhưng thực chất rỗng tuếch.

Nắng thường xuất hiện sau cơn mưa, nắng rải khắp đồi trà, bắt đầu hong khô những giọt nước đọng, nom lấp lánh tựa đá quý. Khí núi thanh mát đến kỳ diệu có thể làm dịu bất kỳ trái tim nào dù đang tổn thương tới cùng cực. Thùy mặc cho giá lạnh, hít đầy một ngực hương núi, cảm thấy tựa được chữa lành. Cùng chủ vườn trà tản bộ, đất dưới chân vẫn ẩm, nước bùn bắn đầy áo quần. Hương trà, sắc trà tươi non ngồn ngộn trước mắt chẳng hề giả dối bỗng chốc lại khiến cho Thùy có cảm giác choáng ngợp.

Thùy trầm ngâm một lúc, rồi hỏi:

- Sao anh lại làm trà?

Khiêm vươn tay ngắt một búp trà, đưa cho cô, hỏi lại:

- Cô thấy gì?

Thùy xoay xoay đọt trà tươi trên hai ngón tay, trà mềm mơn mởn như da thiếu nữ, tuy có khiến cô ưa thích song lại chẳng hề nắm bắt được ý mà người đàn ông đối diện kia đang nói, cô lắc đầu. Khiêm cười:

- Tôi thấy được sinh mệnh của nó, tôi có thể thấy được quá trình hình thành của nó từ thuở còn là cây con cho tới khi vươn lên mãnh liệt. Thói thường, khi được chiêm ngưỡng sự trưởng thành của sinh mệnh nào đó, người ta sẽ nảy sinh tình cảm khó nói thành lời.

- Giống như con cái.

- Phải, giống như con cái.

Khiêm gật đầu rồi ngồi xuống, mặc kệ đất bẩn, từ tầm nhìn này, anh có thể trông thấy các thân trà ẩm nước lẫn trong cỏ dại. Thùy không sao hiểu được con người vừa đơn giản lại vừa phức tạp, vừa một chiều lại vừa mâu thuẫn này.

- Tôi còn nhớ cái năm mới làm trà, rét buốt, những tưởng các gốc trà sẽ chịu đựng được, song không hiểu vì sao mà năm ấy chúng chết hết sạch.

Thùy nhìn đôi mắt có chút rạn vỡ của Khiêm, im lặng.

- Khi đó ngoài đốt gốc hòng cứu vãn, tôi thực sự đã cầu xin thần linh, còn kiểm điểm lại những việc mình từng làm. Và các gốc trà lại hồi sinh một cách kỳ diệu, mạnh mẽ. Thậm chí chất nước khi pha còn tốt hơn cả lúc trước, đó là thời điểm tôi tìm tòi đường sáng chế Vong Ưu. Quên đi muộn phiền.

Nói xong, anh bèn đứng dậy đón nắng để sưởi ấm, buông lời:

- Cô cũng cần một ấm Vong Ưu.

Thùy ngạc nhiên ngẩng lên nhìn anh, hốt nhiên, gió thổi bay khăn choàng trên cổ, chiếc khăn trôi mãi phía xa đồi trà để lộ cái cổ cao kiêu hãnh như đóa hoa loa kèn của người phụ nữ. Chiếc khăn của chồng cô mua tặng thuở cả hai mới yêu nhau. Thùy không hoảng hốt, không khẩn trương, chỉ bần thần.

Khiêm lên tiếng:

- Để tôi ra lấy cho cô.

Thùy đột ngột kéo tay anh lại, lắc đầu:

- Không cần nữa. Chiếc khăn đó… đã sờn cũ rồi.

4. Trở về từ Tà Xùa, Thùy và con gái dọn ra ngoài ở. Khi ấy, trong người cô chỉ có một số tiền nho nhỏ, quả thực không đủ chi trả cho việc học của bé Mai và đóng tiền nhà hàng tháng. May mà Khiêm đã liên hệ với cô, mong được cùng hợp tác làm một dự án trà Việt, anh sẽ bỏ vốn, việc của cô là thiết kế quán và làm trà. Họ thuê một căn nhà bốn tầng để mở quán và làm chỗ trú chân cho mẹ con cô. Tính đến nay, quán đi vào hoạt động được ba tháng, khách cũ vẫn vương vấn vị trà Vong Ưu, khách mới mộ tiếng lại tìm đến.

Từ bấy tới giờ, Khiêm chỉ xuống Hà Nội một lần, còn đâu anh vẫn sống một cuộc đời tĩnh lặng an nhàn ở vườn trà.

Có những mối duyên vốn chẳng vồn vã mà luôn khiến người ta cảm thấy an lòng.

- Dạo này em ổn không?- Khiêm chợt hỏi, phá vỡ luồng ký ức của Thùy.

- Em không ổn-Thùy gượng gạo.

Khiêm thở dài, anh luôn khâm phục sự dũng cảm và thẳng thắn nơi Thùy, cô có thể đối diện với bất kỳ việc gì.

- Em đang cảm nhận nỗi đau, rồi sẽ ổn-Thùy nói.

- Ừ-Khiêm gật đầu, anh nhấc ấm lên, rót trà-Rồi sẽ ổn.

- Đã thôi không còn ảo tưởng nữa-Thùy buông tiếng thở dài kèm theo nụ cười gượng gạo.

Khiêm nhìn sâu vào mắt cô, lắc đầu nói:

- Con người, chỉ cần còn sống là sẽ còn ảo tưởng.

Thùy nhận ra ánh lửa trong đôi mắt anh, cô nhanh chóng cúi thấp đầu để tránh đi. Cô nào phải chẳng nhận ra được tình cảm của người còn lại. Song giống như một con thú nhỏ nhạy cảm đã bị thương bởi kẻ khác, Thùy không dám đón nhận nó. Cô còn bé Mai, còn công việc, còn sự an nhiên mà bản thân đương truy cầu, để quên đi nỗi đau cũ.

Hương trà lành, khí trà thanh, vị trà dịu đón mưa xuân lất phất.

Chỉ còn trông thấy mái tóc xõa mềm nơi cô, Khiêm khe khẽ thở dài:

- Anh mới trồng thêm một vườn trà mới, nhỏ thôi, để chờ chúng ra hoa.

- Chờ chúng ra hoa?

- Phải, anh muốn thử dùng hoa trà ướp hương trà.

Thùy chau mày:

- Nhưng em cảm thấy hương hoa trà hơi nhẹ quá.

Khiêm gật gật đầu, tủm tỉm nhấp trà:

- Tuy hương không sâu như ngọc lan hay nhài, có điều chưa thử thì làm sao biết được thành phẩm ra sao.

- Vậy trà mới sẽ có tên là gì đây?

Khiêm xoay xoay chén trà, trông lòng chén với men rạn xanh ngọc, bảo:

- Vô Ngã.

Thùy nhoẻn miệng cười, trà đã đi tới nước thứ ba, cánh nở bung hết cả, hương phai. Cô đổ bã cũ, trong lúc cơi trà mới lại vô tình chạm phải chiếc chén gốm. Chén rơi xuống đất. Vỡ tan tành.

 Phạm Thị Thúy Quỳnh

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.