Tản văn: Hương sấu...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cô bé ra đời thì cụ nội đã chẳng còn. Nhưng ruộng vườn, cây cối và nhiều đồ dùng vật dụng khác trong đại gia đình cô đều gắn với kỷ niệm về cụ. Một mẫu sáu ruộng, cụ chia làm bốn, trong đó ông bà nội của cô được hưởng một phần. Mỗi phần đất ấy đều có sẵn một ngôi nhà ngói, sân gạch; một cái ao; một hàng cau, một vườn trầu; một hàng xoan, một cây sấu... Khi cô bé lớn lên, tất cả những thứ ấy hầu như còn nguyên vẹn. Nhưng 4 cây sấu cụ trồng thì chỉ còn duy nhất một cây, ấy là cây sấu cạnh cầu ao nhà cô bé.
 

    Hoa sấu.     Ảnh: Internet
Hoa sấu. Ảnh: Internet

Bà nội cô kể rằng, cây sấu được cụ trồng từ ngày bà mới về làm dâu nhà nội. Qua bao mùa mưa nắng, bão lũ, rễ cây cứ ngày một bám sâu vào lòng đất, thân cây to dần, cành vươn cao, tán xòe rộng. Bóng cây như chiếc ô khổng lồ che mát cả khoảng cầu ao đã mấy chục năm rồi. Ngày ngày dưới gốc sấu, cô bé cùng chị em nhảy dây, nhảy lò cò; chơi ô ăn quan; chơi que chuyền, que chắt. Thi thoảng mấy chị em bắt chước người lớn giả bộ ăn trầu. Lá trầu thật thì đầy vườn nhưng cay không ăn được, thế là cứ lá sấu, lá sung gói một vài hạt muối rồi thi nhau nhai, thế mà ngon đến lạ.

Trong ký ức của cô bé con, gốc sấu cầu ao vui nhất là những ngày giỗ, Tết. Cô bác họ hàng gần xa tập trung về làm cỗ. Người vo gạo, đãi đỗ; người gói bánh, gói giò; người làm thịt gà, thịt vịt. Bọn trẻ con các cô cũng rộn ràng góp một tay rửa lá, nhặt rau thơm, bóc hành, bóc tỏi... Những ngày chớm hè, gốc sấu cạnh cầu ao là nơi các thiếu nữ họ hàng tập trung ngồi đan lưới. Cả góc ao sáng bừng một màu hoa sấu, sáng bừng màu áo, ửng hồng màu má của các cô gái tuổi trăng tròn. Ấy cũng là lúc cả không gian thơm ngát mùi hương hoa sấu, thứ hương hoa mộc mạc, giản dị mà quyến rũ đến lạ kỳ. Mỗi làn gió thoảng qua, hương hoa bay qua làn tóc, vấn vít vào khăn áo, len lỏi qua những kẽ tay xinh, lọt vào từng mắt lưới. Bọn trẻ con các cô ngồi gom đám hoa rơi thành những đống nhỏ rồi vốc từng vốc tay thích thú tung lên không trung cho hoa bay theo gió.

Sau mùa hoa nở trắng là những chùm quả sấu sai lúc lỉu, đu đưa trên nền trời xanh thẳm. Lũ trẻ con các cô không lần nào ra cầu ao mà không ngước lên với ánh mắt háo hức chờ đợi thèm thuồng. Cho đến ngày sấu đúng độ vừa ăn, ông bà nội nhờ người trèo hái rồi chia đều cho anh em con cháu bốn nhà ruột thịt, gọi là lộc của cụ để lại. Và tất nhiên lũ trẻ con các cô đứng dưới gốc bao giờ cũng là người được thưởng thức sấu đầu tiên. Cả một rổ sấu hết veo chỉ trong chốc lát. Hương vị sấu xanh chấm muối chua chua, giòn giòn sao mà ngon đến thế. Lũ trẻ ăn mãi đến lúc hai hàm răng ê buốt mới thôi. Và ngay hôm ấy, trong bữa ăn thế nào cũng có món canh sấu dầm nước rau muống luộc. Món canh mùa hè có cái vị chua thanh mát là món canh mà cô yêu thích nhất.

Thế rồi, mẹ khéo tay và kỳ công với những hũ sấu ngâm đường để chuẩn bị một thức uống dùng dần trong những ngày hè nóng nực. Đi làm đồng về, ly nước sấu ngọt thanh thơm mát dịu cơn khát và dịu cả cái nắng của buổi trưa hè. Đến độ đầu thu, những quả sấu còn sót lại chín vàng lắc lư trên những cành cao vót. Những chiếc sào tre dài được huy động để nối lại với nhau. Những quả sấu chín dần dần được lũ trẻ hái xuống. Ôi chao, cắn từng miếng cùi dày dày trắng trắng giòn giòn ngòn ngọt thơm thơm ấy mà giống như được ăn cả mùa thu vào lòng vào dạ.

Sau mấy chục năm, cô bé con ngày xưa giờ đã thành cô giáo dạy học ở miền xa. 2 năm trước trở về trong một buổi chiều hè, trước cảnh vật đổi thay, gốc sấu già cạnh cầu ao đẹp như cổ tích ngày nào giờ cũng chỉ là ký ức, cô thấy hụt hẫng, buâng khuâng. Còn chiều nay, buổi chiều thu ở một miền xa thẳm, ly nước sấu ngâm của người bạn xa vừa gửi về làm dậy lên cả một miền ký ức. Cô ngồi lặng cảm nhận một mùi hương thân thuộc, hương tuổi thơ, mà khi xưa cô đã kịp gói lại và mang theo đến tận bây giờ...

 Sen Hạ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.