Nghiệp đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Du bực bội chắp tay ra sau lưng, đi đi lại lại. Trời với chả đất. Dưới kia, thành phố, đường sá khô ráo, sáng choang, thằng này còn chưa muốn. Huống chi… Mảnh đất hẹp như vạt váy đàn bà, lô nhô những đá. Tảng nằm, tảng ngồi, không ra cái ngữ gì cả. Nghĩ mà tiếc cho cái cục tiền cả mấy trăm triệu đồng. Số tiền mà anh bới đất lật cỏ, củi giang gỗ lạt, trên rừng dưới khe mấy chục năm trời cộng với cơ nghiệp ông bố nuôi để lại mới có. Tất cả là tại nó, con đàn bà rạch giời rơi xuống…

Nắng chả ra nắng, mưa chả ra mưa. Nắng ở đây sao mà giống thằng đàn ông nghén thay vợ. Đã ốm yếu lại còn thậm thụt ra vào. Vừa ló ra, chưa rõ mặt lại lủi mất. Sương mù ướt át, lấn lướt đầy quyền thế. Người đàn bà cậy mình sung sức cứ đè nghiến mặt trời xuống núi mà tình tội đến tan chảy, đến cạn kiệt. Mù quá hóa mưa. Mưa hạt mỏng, sắc, đảo điên xói ngang vào tấm bạt căng làm mái lều che tạm. Chui vào, ngồi co ro trong lều lại càng thấy rét. Mà chường cái mặt lạ hoắc ra thì thiên hạ đàm tiếu. Du thấy giận cả đất trời. Hèn gì người ta bảo âm thịnh, dương suy. Ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào mà anh lại dẫn xác đến đây, gá đời mình vào cái xứ sở lúc nào cũng rợn rợn âm khí này chứ?

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Đi từ sáng, trưa trật rồi mà con mẹ ấy còn chưa về. Có dăm đứa đàn bà đi đổ rác. Trông thấy cái lều bạt mới, chúng bấm nhau cười rưng rửng, nom đứa nào cũng mỡ màng, béo tốt cả… Mẹ kiếp, anh mà xây xong nhà ở đây á, các cô đố dám mang rác ra mà đổ. Đồ đàn bà lười chảy thây, chỉ chục mét nữa là đến cái thùng rác công cộng to tướng mà không nhón chân làm phúc. Cứ tương hết lên đất, cứ phơi hết trên đá. Đến cỏ cây cũng chết thối ra, nữa là…

Té ra con mẹ ấy đi lễ đền. Giang hồ tứ chiếng lại còn cầu với chả cúng. Ngày với tháng, chưa làm được gì đã rằm rồi. Nó về, bày xôi gà ra chiếu, gọi Du vào ăn. Anh còn chưa rửa xong cái tay, nó đã ăn xong tảng xôi to tướng. Ăn của nếp giỏi thế, hèn gì ngoài ba mươi tuổi rồi mà người nó cứ lẳn, cứ chắc như sến vậy. Vừa xỉa răng nó vừa sắp đặt công việc:

- Đã dọn xong đống rác rồi cơ đấy. Bây giờ anh lo cái móng. Tôi đi tìm thợ và vật liệu. Trước mắt, dùng nhờ điện nước nhà bà Nụ, sau này lắp riêng. Người ta tử tế, có nom thấy thì mở mồm ra mà chào hỏi.

Cứ như mẹ chồng dạy con dâu mới không bằng. Tiền đố có lấy một cắc, mà nói như thánh phán.
Trầy trật với nắng mưa, đãi đằng sương gió hàng năm trời. Cửa nhà xong hết, còn dư ít tiền. Du bàn với nó mua cái máy khoan và kiếm mấy tay thợ về đi đánh đá thuê. Nó nghĩ ngợi, cấn cá một lúc lâu rồi mới gật đầu đồng ý. Đoạn nó túc tắc bảo Du, vẻ mặt chả có gì là ngượng ngùng cả:

- Tôi là Núi, gọi Núi, cấm gọi Nở. Hai đứa chỉ được ở một phòng, còn lại cho người ta thuê ở lấy tiền. Rồi về cái làng Vũ Đại nhà anh xem họ hàng còn sót ai thì đón lên để nói chuyện cưới cheo. Chứ xin không chắc?

Du bật cười. Anh chỉ nói đùa Núi cho vui thôi, nào ngờ Núi tin thật. Thân phận anh, anh còn mù tịt, sao biết quê quán ở đâu mà làng với xóm. Chỉ biết bố nuôi anh bảo anh tứ cố vô thân, chả có cha mẹ, bà con họ hàng gì sất. Nhưng Núi muốn lên mặt với mấy mụ sồn sồn ở đây thì cũng chẳng sao. Thuê ngay một thằng cha căng chú kiết nào mà chả được. Mà trò chuyện với ai cơ? Núi làm gì còn cha mẹ, họ hàng? Ở đây, chẳng gì người ta cũng gọi Núi với Du là vợ chồng lâu rồi.

*
Một ngày tháng tám. Mặt trời mềm như cái lòng đỏ trứng gà, ông tạo sểnh tay để rơi lọt xuống thung lũng. Ráng chiều giống như thẻo mỡ trâu bị khói hun vàng se sắt. Trời chẳng mảy may gợn gió. Không khí ong ong bí bách. Người sống lâu ở đây bảo, dễ đến mấy chục năm mới có một ngày như thế. Gà lên chuồng. Núi trở dạ sinh cho Du một bé gái kháu khỉnh. Da nó trắng như sắn bóc. Tóc xanh um, phủ kín gáy. Con bé chỉ khóc đúng một tiếng. Sau đó cái miệng cứ chúm chím như cười.

Những ngày ấy, Du mừng lắm. Mài cả buổi chưa sắc một con dao. Quét cả buổi cái sân còn đầy lá. Chốc chốc anh lại chạy vào buồng, vén màn ngắm con bé ngủ. Vợ chồng đặt tên cho con gái là Mây. Du bảo: Cái hôm ấy, biết tin mình có mang, tôi cứ ngửa cổ lên trời mà gào sung sướng. Khi đó trời nhiều mây lắm, trắng lắm. Tôi đã đặt tên cho con từ khi ấy.

Núi cười. Cô nhớ cái đêm cuối cùng cô về bản Cầm gom gỗ. Cửa rừng, đêm tối om như mực. Thằng đàn ông lừng lững đang hì hục cùng mấy thằng khiêng những hộp gỗ nghiến vuông vức lên thùng xe U-oát. Nó liền mồm ca thán. Hàng mỗi ngày mỗi hiếm, Công an sục sạo liên tục, cũng phải nhích lên một tí cho anh em còn thở với chứ. Qua bên kia sông, một ăn ba, ăn tư, ngon lành. Mẹ kiếp, cứ bóc lột nhau. Thằng Du mà bỏ rừng, khối đứa đói.

Gà gáy rồi, phải đi cho kịp. Năm con U-oát lùi lũi bò đi. Núi nói với lại:
- Có vào tù, cho nhau xin nắm cơm nhé!

Đấy là cái ngày đen đủi nhất trong cái nghiệp buôn bán của Núi. Bỏ của chạy lấy người. Thế là xong cả chì lẫn chài, là tay trắng. Phờ phạc quay về bản Cầm. Gặp Du. Khi ấy, Du có nhiều tiền lắm. Tậu đất, mua nhà thành phố như bỡn. Núi chỉ thử thôi, nào ngờ Du đồng ý theo cô lên Sa Pa. Lúc giao nhà, nhận tiền, Du chỉ nói một câu: Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Lên trên ấy, tôi quyết không ăn bám rừng nữa.

Sa Pa đứng ngồi trên đá. Đá nhiều hơn đất. Người ta ai xây nhà, xây cửa mà không phải đánh đá, khoan đá, xây móng, xây kè? Không làm đá là không biết chớp thời cơ kiếm tiền. Từ ba thợ một máy, giờ Du có ba mươi thợ. Máy móc thì đủ cả, vừa khoan, vừa nghiền, vừa xúc, gạt, hàng chục cái tất cả. Người quen cũ bảo nghề đá vượng hơn nghề gỗ, lại chả đụng chạm đến ông khôn, ông thiêng nào cả. Núi không thấy thế. Núi thấy sợ. Nỗi sợ mơ hồ như nhà nghèo phơi thóc sợ tiếng sấm. May mà con bé Mây lớn thôi thổi như cái khoai gặp đất lạ, cái mạ gặp mưa xuân.

*
Thôi nôi con bé, phải mời rượu anh em, bạn bè thân hữu chứ. Núi bảo chồng thịt thêm hai con dúi nhốt trong thùng tôn từ hai hôm trước để làm thức nhắm. Việc này, Du thạo hơn ai hết.

Cánh đàn ông chúc tụng rôm rả. Con Mây giật mình cười khanh khách. Tiếng ai loáng thoáng ngoài đường. Núi lở, đá rơi… Mặc kệ, vẫn cụng, vẫn chạm, vẫn dô. Bao năm nay, ông trời vẫn mình mẩy thế. Mưa gió, lũ lụt, sạt lở là thường tình. Nhưng hễ có người chết là Núi hoảng, cô bảo thiên nhiên đang siết nợ con người đấy. Núi bế con lại sát chiếu rượu bảo Du:

- Mình à, hay là có người chết. Đêm qua tôi mơ thấy mũi khoan của mình dính máu, toàn máu tươi…
Du chờn chợn, đặt cái chén xuống, nhìn đăm đăm vào mặt vợ và con gái, hỏi:
- Hôm nay ngày mấy ta?
- Rượu vào là quên ngày tháng, hôm nay mồng ba.

Một gã làm thầu xây dựng, mặt nhẵn thín, đưa tay vỗ đùi đèn đẹt: Bỏ mẹ rồi, mới mồng ba. Cái thằng dúi, đen phải biết. Đen hơn chó mực. Lão Dư đấy, xơi dúi mồng năm, sập giàn giáo, đi tong ba mạng. Còn thằng Chấn, nghe nói tự tay hãm tiết canh con dúi chửa, lật xe, xong mạng mình và còn kéo theo hai ông Tây, khủng khiếp lắm, hết nghiệp như chơi.

Gã ta hùng hồn dẫn chứng hàng lô lốc những vụ tai nạn kinh điển có căn nguyên từ thịt chó, thịt dúi, rồi liệng miếng thịt dúi đang gặm nham nhở xuống chiếu, tay sờ sang đĩa lạc rang. Rồi như còn tiếc, gã hầm hừ. Đằng đếch nào cũng ăn rồi. Chẳng nhẽ từng ấy thằng ở đây đều chết hết cả sao? Chợt liếc thấy ông giáo già trạc tuổi cha mình, gã biết chừng lỡ lời, bèn vồ lấy miếng thịt dúi mà giằng xé, ngấu nghiến.

Du rót cho gã một chén đầy, trấn an:

- Đen cái con khỉ. Nghĩ làm quái gì. Ngày vui của tôi, tôi mời các ông. Tôi làm tôi chịu. Trong bụng tôi, dễ mà nhốt cả trăm con dúi, ấy trời thương, vẫn khỏe. Còn vận hạn con người, tránh sao được.

Núi nghe Du nói thế thì lo lắm. Thế ra bao công thờ cúng, bao công xin xỏ thầy này bà kia đổ hết xuống sông xuống bể à?

Tiệc rượu vừa chuyển từ ngày vào đêm nhá nhem thì thằng thợ đá nhà Du chạy về. Mặt nó bê bết bùn đất. Nó thở hồng hộc, tay ôm ngực, mãi mới thành tiếng:
- Đá lở… xong cái máy nghiền rồi!
Du thở phào. Thế là của đi thay người. Thằng kia lại giục Du cuống quýt:
- Chú trốn đi. Bọn họ kéo nhau đến đây ngay đấy. Một gã Mông củi đuốc thế nào lại lởn vởn gần bãi đá…

Mọi người nhốn nháo, nhất loạt buông bát, buông đũa. Ông giáo già vớt vát tí lý sự: Mình khai thác đá, làm đường cho nhà nước, có hợp đồng, giấy phép đàng hoàng, sao phải trốn? Mưa nhiều thì đá lở, núi lở. Tội là ở thằng phá rừng bất nhân chứ. Mà cái thằng dúi… nể thật. Nó bảo cấm có sai.

Gã mặt nhẵn chuồn trước, phòng tai bay vạ gió. Trước khi chuồn, còn vặc lại ông giáo:

- Giấy má gì, phép vua thua lệ làng. Ở chỗ khác nó lở, mặc mẹ nó. Đằng này, ngay chỗ ông đào, ông khoan. Đổ máu rồi. Dúi ơi là dúi. Phen này có đứa húp cháo.


Cái lệ làng, phép vua thì đành rồi. Nhưng câu nói vô tình của ông giáo như moi móc cái quá khứ của vợ chồng cô cũng như của bao nhiêu kẻ có máu mặt trong xã hội này từng che đậy. Giờ đối mặt, Núi run bắn người tê tái. Giá như con người ta biết chừng mực, biết thân phận, thì thiên nhiên đâu có tàn nhẫn khắt khe thế.
Đầu nhà, thằng Tý đang cho tay vào mồm, hòng móc ra cái thứ đen đủi chết người. Tiếng nôn mửa của nó làm cho ông giáo già bật cười sằng sặc như vừa ngộ ra một điều mới mẻ:
- Lũ điên, lũ dở hơi. Thằng dúi có tội tình gì. Để xem lão già này có xui không nhá!

Thấy ông giáo vuốt râu ngật ngưỡng, trên tay Núi, con bé Mây chợt cười khanh khách. Tiếng cười của nó va vào núi, dội xuống thung lũng, lanh lảnh trong đêm đến rùng rợn. Đã nhiều đêm ở bản Cầm, Núi nghe thấy tiếng cười ấy. Khi đó, Du bảo, tại vì con người làm nhiều việc trớ trêu quá đấy, tôi nghe tiếng cười này quen rồi. Luống cuống mãi Núi mới vạch được áo, đưa đầu vú vào miệng con bé. Chừng chưa thỏa cơn cười, con bé nghiến Núi một cái đau điếng, rồi mới lim dim thưởng thức.

Du xuống bản rồi. Mọi việc rồi sẽ êm xuôi. Bé Mây thiêm thiếp ngủ trên lưng Núi. Núi vừa địu con vừa thu dọn bát đĩa. Cô nghĩ miên man. Bao nhiêu năm nay, từ lúc chưa mở rộng con đường này thì đá vẫn rơi đấy thôi. Bỗng tiếng lục cục, cọt kẹt trong thùng tôn làm Núi giật nảy mình. Quái lạ. Dúi đã mổ rồi. Chuột bọ gì chăng? Núi nghiêng cái thùng tôn, và hé cái thớt nghiến ra. Hai sinh vật đen, xám, to bằng cái bắp chuối lù lù bò ra. Núi dụi mắt nhìn lại trước khi chúng từ từ tiến ra thềm và lẩn vào bóng tối. Đó là hai con dúi.

Tống Ngọc Hân

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.