Đoạt giải Man Booker 2016, nhà văn Mỹ sánh ngang tầm Mark Twain

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiểu thuyết châm biếm chính trị chủng tộc Mỹ The Sellout (tạm dịch: Bán sạch) đã đưa Paul Beatty trở thành nhà văn Mỹ đầu tiên đoạt giải văn học danh giá Anh Man Booker năm nay. Giải thưởng vừa công bố ngày 25-10-2016.

Giải Man Booker trị giá 50.000 bảng, được nữ công tước xứ Cornwall trao tại dạ tiệc trang trọng ở Guildhall, London.

 

Paul Beatty, nhà văn Mỹ đầu tiên đoạt giải Man Booker với tiểu thuyết The Sellout.
Paul Beatty, nhà văn Mỹ đầu tiên đoạt giải Man Booker với tiểu thuyết The Sellout.

Ban giám khảo nhận xét The Sellout đã đưa Paul Beatty lên ngang tầm Mark Twain và Jonathan Swift.

Paul Beatty 54 tuổi, sinh ở Los Angeles, hiện sống tại New York. Trước khi sáng tác The Sellout, ôngh đã ra mắt 3 tiểu thuyết và 2 tập thơ.

Tiểu thuyết The Sellout của ông làm người đọc phải bật cười với nhân vật chính muốn khẳng định bản sắc Mỹ gốc Phi của mình bằng cách mang trở lại chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc một cách quá mức.

Paul Beatty thừa nhận The Sellout có thể khiến người đọc "khó tiêu hóa" nhưng sử gia Amanda Foreman, Chủ tịch Ban giám khảo Man Booker năm nay, cho rằng không có vấn đề.

"Tiểu thuyết không nên thoải mái. Sự thật hiếm khi đẹp đẽ. Vừa đóng đinh người đọc vào vào thập tự giá đau khổ, cuốn tiểu thuyết vừa chọc cười họ... Đó là lý do cuốn tiểu thuyết nổi bật. Tác giả đã thành công với kiểu đi dây đó bằng cảm hứng, năng lượng và sự tự tin rất lớn... Đó là một người biết cách viết xuất sắc", Foreman nói.

Foreman gọi The Sellout là một "tiểu thuyết cho thời đại chúng ta", đặc biệt là trong bối cảnh phong trào Black Lives Matter (Sinh mạng người da đen là quan trọng) đang diễn ra ở Mỹ đòi quyền bình đẳng sau các vụ cảnh sát bắn người da màu.

"The Sellout là một trong những cuốn sách rất hiếm: vừa có khả năng châm biếm, vốn là một chủ đề rất khó và không phải lúc nào cũng được làm tốt, vừa đặt trong bối cảnh xã hội Mỹ hiện đại, bằng một trí tuệ sắc bén mà tôi chưa từng thấy từ sau Swift hoặc Twain. Cuốn sách biết cách mổ xẻ mọi điều cấm kỵ xã hội và chính trị, mỗi thứ đều linh thiêng. Trong khi làm chúng ta cười, cuốn sách cũng làm chúng ta cau mày. Cuốn sách mang lại cả sự buồn cười và nỗi đau đớn cùng lúc", Foreman kết luận.

 

Từ trái qua: CEO Man Group Luke Ellis, nhà văn Paul Beatty, nữ công tước xứ Cornwall Camillia và Chủ tịch Ban Giám khảo man Booker 2016 - TS Amanda Foreman
Từ trái qua: CEO Man Group Luke Ellis, nhà văn Paul Beatty, nữ công tước xứ Cornwall Camillia và Chủ tịch Ban Giám khảo man Booker 2016 - TS Amanda Foreman

Ban giám khảo Man Booker năm nay gồm sử gia Foreman cùng nhà phê bình và diễn giả Jon Day, tiểu thuyết gia và học giả Abdulrazak Gurnah, nhà thơ và học giả David Harsent và diễn viên Olivia Williams, Ban Giám khảo đã đánh giá 155 cuốn sách trong suốt 10 tháng qua để chon ra tác phẩm đoạt giải.

Foreman cho biết, các tiêu chí của ban giám khảo quyết định tác phẩm chiến thắng là tính thẩm mỹ, chất lượng và sự thâm trầm của tư tưởng, kỹ năng sáng tác và mức độ tiếp cận người đọc.

6 cuốn sách vào danh sách rút gọn cùng The Sellout còn có Eileen của Otessa Moshfegh (Mỹ), Do Not Say We Have Nothing của Madeleine Thien (Canada), All That Man Is của David Szalay (Canada-Anh), His Bloody Project của Graeme Macrae Burnet (Anh) và Hot Milk của Deborah Levy (Anh).

Paul Beatty là người Mỹ đầu tiên giành chiến thắng trong lịch sử 48 năm giải Man Booker và 3 năm sau khi giải mở rộng cho các nhà văn mọi quốc tịch, sáng tác bằng tiếng Anh và tác phẩm được xuất bản ở Anh.

Năm 2014, giải Man Booker trao cho nhà văn Australia Richard Flanagan với tiểu thuyết The Narrow Road to the Deep North.

Năm 2015, nhà văn Marlon James đoạt giải Man Booker với tiểu thuyết A Brief History of Seven Killings.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.