Làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làng quanh co những vết chân trâu giẫm trên con đường rợp mát những bóng tre, làng im ắng ngạo nghễ nhìn sự thay đổi từ xa xôi phố thị không chạm vào cội rễ của những nóc nhà yên bình nơi đây. Những ngôi nhà cổ từ trăm năm vẫn còn giữ lại, thách thức thời gian với vẻ đẹp kỳ lạ, những ngôi từ đường của các dòng họ lớn như trầm mặc hơn với những biến cố thời gian.

Nhưng nếu len vào sâu hơn nữa thì có thể nhận ra một sự thay đổi đang manh nha phá dần sự yên bình nơi đây. Ngôi từ đường của dòng họ Lê đang được dỡ bỏ để tiếp nhận một sự giúp đỡ của một người trong họ thoát ly quê hương đi nước ngoài thành đạt về xây dựng lại. Những khối gạch đá xi măng bề thế đang dần khẳng định quy mô vật vã của ngôi từ đường lớn, làm nở mày nở mặt những người trong họ, và nó càng đẩy mạnh hơn mối ganh ghét ngấm ngầm của các dòng họ lớn khác trong làng.

 

Nhà nó là một gia đình nổi tiếng truyền thống và nền nếp vào bậc nhất ở làng. Bố nó luôn đạo mạo, uy nghiêm như một ông tướng với chức trưởng tộc của dòng họ Nguyễn. Mọi thứ trong gia đình đều phải tuân theo mọi sự sắp đặt có trên có dưới, cung kính và lễ nghĩa như một lẽ đương nhiên từ ngàn đời nay ở những gia đình truyền thống vậy. Mẹ và chị gái nó rất ít khi được bước lên nhà trên, gian thờ, luôn phải dọn mâm cho bố và nó ăn trước ở nhà ngang, còn mẹ và chị ăn sau ở nhà bếp. Nó lại là độc đinh, đứa chống gậy, cháu đích tôn và sẽ kế thừa chức trưởng tộc của bố nên ngay từ nhỏ đã được rèn vào khuôn phép như một điều hiển nhiên.

Việc trò chuyện trong gia đình dường như không có, bởi tất cả đều tuân theo sự sắp đặp của bố hết rồi. Nó với chị ở nhà dường như hai kẻ xa lạ, mà lại như là ông chủ và người hầu khi mà mỗi lần tắm rửa chị đều phải pha nước và tắm cho nó, tối đến còn phải căng màn, bê nước cho nó rửa chân. Chỉ khi cùng nhau đi học nó với chị mới có thể trò chuyện như hai chị em bình thường. Chị có vẻ ngoài ngoan hiền nhu mì của một cô gái đức hạnh, một sự cam chịu đầy dịu dàng nhưng trong những cuộc nói chuyện với nó dường như chị dần hé lộ một sự nổi loạn ngầm, một điều khó có thể chấp nhận trong gia đình của nó. Chị cãi lại lệnh bố không chịu tắm cho nó khi chị lên lớp 9. Một trận lôi đình thực sự trong sự im lặng đến cam chịu của mẹ khi bố nó lột hết quần áo, bắt chị quỳ lên vỏ mít và quất chị bằng roi mây. Nó cũng chỉ có thể im lặng nhìn cái cực hình đó diễn ra trong câm lặng, chị lì lợm không để rơi một giọt nước mắt, mặc kệ làn roi của bố trút vào người chị mong có thể ngăn cản được mầm mống nổi loạn đầu tiên trong gia đình. Nó im lặng biết không thể thay đổi ý nghĩ của bố về những việc phải làm của mẹ và chị, nó chỉ có thể lợi dụng buổi đi học để nói với chị rằng chỉ cần vào phòng và quay mặt đi để kệ nó tự tắm mà nghe giọt nước mắt của chị lặng lẽ rơi trong cái gật đầu đau khổ.

Chị bỏ nhà đi ngay khi đám cưới gần kề, sự nổi loạn ngầm của chị đã làm vỡ tung sự yên ổn của ngôi làng nhỏ. Chị bỏ đi vì bố quyết định cho chị thôi học và lấy con ông Bí thư huyện. Chị còn muốn đi học, muốn vào đại học nhưng với bố con gái học hết 12 là đủ rồi, phải đi lấy chồng kẻo ế, lý do lớn hơn cả của bố chủ yếu là cuộc hôn nhân này sẽ làm cho tiếng nói của dòng họ Nguyễn sẽ tăng lên đáng kể và ngôi từ đường của dòng họ sẽ được giúp đỡ xây mới cho bề thế, hoành tráng hơn cả nhà họ Lê. Bố lên tiếng từ chị, gạch tên chị ra khỏi gia phả của dòng họ sau những cuộc họp gia tộc liên tục để lên án về “vết nhơ của dòng họ” trong cái làng này. Một trận ốm làm ông gần như khắc nghiệt thêm với mẹ, với nó và cái mong ước có thể vực dậy được ánh hào quang đang lụn dần của dòng họ trong ngôi làng.

Bỏ kỳ thi đại học để cưới Diên-mệnh lệnh của bố một lần nữa vang lên trong căn nhà. “Cưới nó xong mày có thể vào một trường đại học danh tiếng hay đi du học thì tùy ý, nhà đó sẽ lo tất cho mày”. Diên thì nó còn lạ gì, khi đang học lớp 9 thì Diên đã nổi tiếng với thành tích cúp học ăn chơi không thua kém gì mấy đứa ở tỉnh, Diên đua đòi lên phố học cho bằng bạn bằng bè với mái tóc đỏ quạch, móng tay sơn đen sì, những bộ quần áo nếu không hở chỗ này thì cũng thiếu hụt chỗ kia. Cái mặt thì lúc nào cũng dặm đầy son phấn khiến nó chết khiếp luôn, đã vậy mới lớp 10 Diên đã có những thành tích đánh nhau giành bạn trai, bứt tóc xé áo, cào cấu… Bấy nhiêu chuyện đủ bay từ phố về làng với tốc độ lan truyền khủng khiếp. “Nay qua nhà đó để bàn chuyện với tao”. Ngắn gọn và đơn giản kinh khủng. Nó đưa mắt cầu cứu mẹ nhưng bà vẫn im lặng ngồi nơi xó cửa, không dám đưa mắt lên nói nửa lời.

- Trời, nhìn mày lúa quá đi, đi sang nhà bạn gái mà ăn mặc như đi cày thế hả?-Diên vừa nhai chewing-gum vừa quan sát nó. Nó chả thèm đáp lời, im lặng là vàng đối với những đứa như Diên. Mày bị câm à! Diên nói như quát. Nó điềm nhiên nhìn ra cửa sổ, không thèm quay đầu lại, nó đang lắng nghe cuộc đối thoại giữa hai ông bố. Chỉ được cái mã thôi con ạ! Rồi cũng chỉ là thằng đổ vỏ thôi. Diên thổi phù phù cái bong bóng kẹo cao su trong miệng, rồi sấn đến gần nó, chà cũng xinh phết nhỉ, nghe nói mày học cũng được nên ông bô nhà tao mới đồng ý chọn mày làm rể đấy. Diên cười khỉnh rồi quay mặt đi, nó im lặng nhìn cái bộ dạng lắc lư của Diên mà muốn ói. 4 tháng rồi đó, cần phải có người hợp thức hóa chứ nhỉ? Diên nhăn nhở áp mặt vào nó, cái nhìn lẳng lơ và trơ trẽn đến không chịu nổi.

“Xin anh đấy, xin anh hãy từ chối đám cưới này hộ tôi, một mình tôi không thể bứt khỏi nó. Có thể tôi là đứa ăn chơi, là đứa hư hỏng, nhưng tôi yêu anh ấy, tôi không muốn bỏ anh ấy chỉ vì bố tôi muốn được”. Vẫn là Diên, là một đứa con gái hư hỏng đang nói với nó, hay là Diên đang đánh thức nó vậy. Nó và Diên không thể là hai quân cờ để đổi lấy thanh danh ảo cho hai ông bố, có phải vậy không?  Nước mắt Diên là thật, khuôn mặt lẳng lơ trơ tráo hôm nào nay trở nên dịu lại với hai hàng nước mắt, với tiếng nức nở không giấu diếm của một đứa con gái cố gồng mình lên để chống lại những áp đặt. Còn nó, một thằng con trai có thể làm gì để thay đổi được chính nó, thay đổi được sự câm lặng đã bám rễ vào sâu trong nó như cội rễ lâu đời đây?

- Sao mày lại tát nó ngay trước mặt ông Chủ tịch, mày có bị điên không? Tiếng bố nó rít lên theo làn roi đang vụt tới tấp vào nó, nó im lặng cắn răng chịu trận, trong ngôi nhà này mãi mãi sẽ là như vậy, bố luôn là chủ, luôn là người đưa ra mọi quyết định và sự trừng phạt. Không ai được phép cãi lại. Nó sẽ mãi câm lặng như vậy nếu mẹ không đột ngột chạy tới quỳ xuống ôm chặt lấy nó để che đòn trong tiếng nức nở không thành lời. Bố từ ngạc nhiên chuyển sang giận, thái dương ông giật giật mạnh, những sợi gân xanh nổi lên chằng chịt. Từ ngày bước chân về nhà này mẹ chưa từng mở miệng cãi lại bố dù chỉ một câu, chưa bao giờ dám trái lại mọi phán quyết của bố dù nó có vô lý đến thế nào đi nữa. Nó cũng sững lại, ngạc nhiên đến vô cùng, ở cái nhà mà những người phụ nữ không được lên tiếng cũng có ngày buột ra những phản kháng, buột ra sự chống đối lại cái chuyên quyền thì thằng con trai như nó sẽ làm gì? Sẽ chỉ có thể giương mắt của mình lên để cam chịu, hay sẽ lại nín nhịn, lại tuyệt vọng đánh đổi mình lấy một ngôi từ đường không còn uy danh gì của dòng họ? Mọi dồn nén trong lòng dường như chỉ đợi có vậy để bung ra, vỡ òa trong cơn giận dữ khôn cùng. Nó thấy mình đứng thẳng dậy, giật thẳng cái roi mây ra khỏi tay bố, đẩy mạnh ông sang một bên để vực mẹ dậy. Tiếng nó như từ xa lắm vọng lại: “con không thể sống thế này, con sẽ trở thành người như bố mất, mẹ, con đi đây...”.

Sức lực dường như cạn kiệt rồi, mọi cố gắng dồn nén để thoát khỏi căn nhà u ám dường như quá sức chịu đựng của một thằng con trai 18 tuổi như nó. Nó nằm im trên sàn tàu chở hàng, nước mắt tràn ra, câm lặng đợi chờ một giấc ngủ vỗ về hay là do không còn chút hơi sức nào để mở mắt nữa. Nó im lặng nhắm mắt, mặc tiếng ầm ầm rung chuyển của đoàn tàu. Mọi sự việc như một chuỗi không ngừng đan xen trong giấc ngủ mê mệt của nó. Mẹ-người đàn bà lặng lẽ, cam chịu cả đời trong gian bếp lụp xụp, không dám bước chân đi xa khỏi nhà nếu không có sự đồng ý của bố, không dám nói nửa lời khi bố cất tiếng bỗng trở nên mạnh mẽ không ngờ khi xông vào che chở cho nó. Chị-dù luôn cố tỏ ra can đảm, dám cãi lại lệnh bố lần đầu tiên rồi cũng phải chọn con đường bỏ trốn khỏi nhà. Giờ đến lượt nó cũng vậy, cũng chỉ có thể chạy trốn một cách thảm hại, không dám nhìn lại xem mẹ sẽ thế nào trong căn nhà cũ kỹ và cô quạnh đó. Và còn Diên nữa, Diên sẽ đối diện sao với cả làng, với chiếc ghế Chủ tịch của ông bố và với cả tình yêu của Diên nữa? Ngày mai sẽ thế nào? Sẽ ra sao nó không biết nữa nhưng ít nhất nó sẽ tự chọn lựa cho mình một con đường của riêng mình.

Làng sẽ luôn ở đó, sẽ mãi ở đó với những nếp sống của riêng mình, nhưng ai có chắc là làng không thay đổi khi mà những người phụ nữ, những kẻ cam chịu đã bắt đầu tự nhận ra mùa xuân của riêng mình, không phụ thuộc vào ai…

Lê Thị Kim Sơn

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.