Chuyện của Ném

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những người khiêng quan tài lợn mặc bộ đồ lễ nhiều màu sắc. Đậm nhất vẫn là đỏ. Chóe lóe. Như máu của con lợn trong ngày hội mừng vui mùa ăn chơi xứ này. Ném đứng bên vệ đường nhìn theo đám đưa vừa đi qua mặt mình, bần thần nhớ lại cảnh người ta hò reo cổ vũ các đao phủ vác đao sáng lóa chuẩn bị cho việc chém lợn linh thiêng.

Tên hắn được mẹ hào hứng, vinh dự đặt theo tên làng. Năm 15 tuổi, hắn tuyên bố với mẹ, hết nghĩa vụ học tập ở trường hắn quyết bỏ học. “Học chữ nhiều có mài ra bạc nén bạc vụn được đâu”-hắn cãi mẹ. Hắn bỏ học thật và quyết định theo đội văn hóa làng tham gia các trò chơi, các lễ hội dân gian này kia. Mà, lễ hội ở quê hắn thì nhiều vô kể. Quanh năm suốt tháng. Hết lễ hội dân gian, lại chuyển sang lễ hội văn hóa du lịch. Dân chúng khắp nơi nô nức, tổ chức những mùa ăn chơi từ xuân sang hè như chưa hề biết chán hoặc mệt mỏi bao giờ. Dĩ nhiên, cả hắn cũng thế. Hắn bị những lễ hội quấn riết lấy, nằm ngủ hắn cũng mơ về lễ hội, về đèn cờ quạt bay phấp phới.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Ném chẳng học hành đến nơi đến chốn, nhưng được thể, trời phú cho tài ăn nói khéo léo, cùng với tính cách hoạt bát năng động, hắn được các ông ở huyện, ở xã để ý đưa vào đội thanh niên văn hóa của làng xã. Ném thích lắm. Vậy là ước mơ của hắn cuối cùng cũng đã thành sự thật.

Có bận, tham gia lễ hội chém lợn hàng năm, người ta phát hiện ra hắn có biệt tài, chém một nhát là đứt ngang con lợn. Tay hắn nhuần nhuyễn khéo léo như kẻ đã từng hành nghề chém lợn từ lâu lắm rồi. Mỗi lần đưa con dao lên, tay hắn quay quay vài đường điệu nghệ. Lưỡi dao nhoay nhoáy sáng quắc. Hắn được người ta trịnh trọng đưa vào đội đao phủ.

Năm nào làng Ném cũng tổ chức lễ hội chém lợn. Những người đàn bà làng Ném mắt lấp lánh nhìn về phía con lợn bị chém làm đôi hể hả cười. Mẹ cậu Ném ngồi lẫn, bệt dưới đất, vừa buôn chuyện con lợn vừa châu miệng lại thì thầm, đủ cho cả hội đàn bà nghe thấy: “Vẫn còn nhiều lễ hội lắm các bà ạ. Người ta bảo, chỉ cần có được ít lộc lễ là may mắn lắm đấy”. Ném giật thột, nhìn xuống đôi bàn tay, thấy hiển hiện một con dao cán dài sáng choang, bén ngọt. Hắn rùng mình nghĩ ngợi: “Lễ của làng vào dịp này chỉ toàn là máu lợn. Các bà ấy định xông vào cướp máu lợn sao?”.

*

Việc của hắn hôm nay là đứng đây canh con lợn. Đợi đến giờ phát lệnh, sẵn sàng chém phạt một nhát ngang thân nó. Hắn tự nhủ: “Không được phép xao nhãng. Chẳng may các cụ phát lệnh đúng giờ tốt mà chưa kịp vung đao lên thì rách việc, lôi thôi lắm”.

Giờ lành cũng đến. Như kiểu người ta chuẩn bị rước dâu. Tay Ném vẫn run run khi nhìn thấy máu rỏ giọt trên đầu ngọn đao sáng lóa. Hắn không sợ một con lợn đã chết. Hắn chỉ ớn lạnh lúc vừa vung đao lên. Nó kêu eng éc như van xin. Hắn nhớ khi còn nhỏ, nhà bên cạnh mở tiệm bê thui. Sáng nào tầm khoảng ba, bốn giờ hắn đều phải bịt tai, trùm chăn kín mít để không phải nghe tiếng con bê con kêu thảm thiết, sau đó tắt lịm dưới ánh bình minh. Có lần, hắn nghe bọn làm bê kể chuyện: khi người ta chuẩn bị vung búa tạ đập lên đầu con bê, nước mắt chúng chảy ra ròng ròng. Động vật cũng có sinh mạng, cũng muốn được sống. Nhưng, trong quy luật tồn tại, chúng phải trở thành thứ phải thế thân cho sự sinh tồn của loài người. Đôi khi hắn thấy bất công.

Bây giờ hắn không còn bé. Suy nghĩ của hắn đã khác. Sau buổi lễ chặt chém đó, hắn không tài nào chợp mắt được. Đêm, hắn trằn qua trở lại. Âm thanh cót két của chiếc giường cũ nghe như tiếng lợn kêu ngoài đình làng sáng nay. Cái cảnh chen lấn giành giật lộc lễ cũng ám ảnh hắn, khiến hắn cảm thấy mệt mỏi và chán ngấy. Mỗi lần rơi vào trạng thái này, hắn lại hình dung về một cánh đồng vàng trĩu nặng những hạt lúa chín. Khung cảnh ấy cho hắn cảm giác bình yên, không trĩu nặng nỗi buồn lạ lẫm thức tỉnh nào nữa.

Ném bắt đầu chập chờn trôi vào giấc ngủ. Lúc mê, hắn thấy mình lạc vào thế giới của loài lợn. Chúng biết nói, chúng biết làm việc để tự cung cấp thức ăn, và quan trọng nhất, chúng không cần phải chết một cách đau đớn. Chúng là loài vật thông minh nhất trong đám. Chúng chỉ huy, phân công các loài khác cùng ra đồng cày cấy. Thế giới của chúng không có mặt loài người. Lúc tỉnh, Ném lại thấy mình vẫn đang nằm trên chiếc giường cũ kỹ. Nhưng lạ thay, nơi bàn tay của hắn, cái tay mặt chuyên cầm đao ấy, lại có những đốm máu đỏ, nổi sần sần. Chúng đang lan rộng trên từng mảng da. Lông tay, lông chân hắn bắt đầu mọc dài ra. Trắng hếu như lông lợn. Ném hoảng loạn hét ầm lên. Nhưng, cổ họng hắn nghẹn lại. Đôi mắt Ném dại đi và ràn rụa nước mắt. Mẹ hắn bật dậy, gào như tế sống khi nhìn thấy con.

Chuyện Ném mọc lông trắng như lợn và bị câm truyền từ tai này sang tai kia, từ làng này sang làng kia. Gia đình Ném nghe các thầy mách: “Phải làm đám tang cho con lợn, phải cúng giải, đốt vàng mã cho chúng nó để chuộc tội sát sinh”. Mẹ hắn thẫn thờ, rên rỉ, lẩm bẩm: “Ôi con tôi, nó chỉ làm việc theo lời người ta, nó chỉ nghe lệnh phát của các cụ, tại sao mỗi mình nó phải gánh cái quả đắng này?”.

Nhà Ném làm lễ đưa tang cho con lợn thật. Họ bảo phải làm một cỗ quan tài nhỏ bằng giấy, một con lợn đã cắt làm đôi bằng giấy rồi làm lễ cúng bái, sau đó, di quan ra phía đình làng, nơi tổ chức lễ chém lợn rồi đốt.

Dọc đường đi, chẳng hiểu sao, người ta thấy máu tươi rỏ xuống từng giọt. Khô cong ngay không kịp thấm xuống và hòa tan vào đất. Dấu máu chẳng mấy chốc chuyển sang màu đỏ bầm. Đám tang lợn của nhà Ném chỉ có dăm ba người thân thích trong họ tộc tham gia. Ném ở nhà, nấp trong gian phòng nhỏ, trùm chăn kín mít. Hắn thấy những con lợn từng bị hắn chém bật cười hả hê, vờn đuổi hắn. Trên đầu chúng là lưỡi đao bén ngọt, sáng quắc. Ném run lẩy bẩy. Chắp tay lạy như tế sao.

Đám tang con lợn đi chưa đến đầu làng, quan tài giấy chưa châm lửa đã bén hương bốc cháy. Mẹ Ném vừa khóc rỉ rả vừa lầm rầm khấn nguyện. Gió bạt qua tai bà, nhức buốt. Gió từ cánh đồng phía trước thổi về, tanh nồng mùi xú uế. Bà nhận ra, tiếng gió không như bình thường như mỗi lần ra đồng nữa. Chúng rền rĩ như tiếng của đám lợn bị chém ngoài đình làng.

*
Năm sau, làng Ném không tổ chức chém lợn. Thay vào đó, họ làm lễ đưa tang con lợn như một cách bày tỏ sự biết ơn. Ném cũng hết bệnh lạ. Lông tóc đều trở lại bình thường. Nhưng, hắn ít nói hẳn. Hiếm khi người ta thấy hắn xuất hiện ở các lễ hội của làng xã.

Hắn và mẹ phát nguyện chỉ làm việc ruộng vườn. Hắn chăm đi chùa. Nhưng không phải lên đó để khấn vái. Được cái, Ném khéo léo, hắn nhanh chóng học được nghề đóng bàn ghế, làm các đồ mỹ nghệ từ mây tre. Hắn tham gia vào hội thiện nguyện, sản xuất mặt hàng, sản phẩm thủ công để góp thêm phần công sức giúp đỡ các chùa có cô nhi cần nuôi dưỡng. Công việc nhẹ nhàng đó khiến lòng hắn thanh thản hơn mỗi ngày. Đặc biệt, trong số những tác phẩm mỹ nghệ hắn làm, có một thứ mà đám trẻ con rất thích là con lợn được hắn tỉ mỉ khắc chạm, chế tác bằng gỗ khá kỳ công, vừa xinh xắn, vừa có thể túc tắc đi qua đi lại khi trẻ con kéo sợi dây cót dưới bụng.

Làng Ném dạo này chuyển sang tổ chức một trò chơi lạ lắm. Mấy con lợn được buộc nơ xanh, đỏ, tím, vàng để phân biệt đội. Sau đó, khi nghe hiệu lệnh phất cờ, đám lợn cùng với người giữ lợn chạy lạch bạch cố giữ cho chúng đi đúng hàng lối. Chú lợn nào về đến đích đầu tiên sẽ được thưởng một vòng hoa tròng vào cổ. Người có lợn đi thi sẽ được tặng một lá cờ lưu niệm hình tam giác. Bà con trong làng cũng hào hứng và quen dần với trò chơi đua lợn hàng năm ấy.

Cánh đồng trước mặt nhà Ném đang vào vụ mùa mới, những cây lúa xanh non đẩy đưa tiếng gió vào tai hắn. Gió ngọt và thơm. Hắn đưa tay ngắt một đọt lúa non còn bọng sữa lên miệng. Lúa vẫn còn đang ngọt và thơm. Ném bất chợt thẫn thờ nhớ về một vùng ký ức mỏng manh xa xôi của mình ở đâu đó, nơi mà Ném vẫn hằng ao ước mong mỏi được ngắm nghía dưới bầu trời yên bình, soi bóng dưới lòng sông xanh ngắt. Chỉ là một vùng tưởng tượng của Ném. Nhưng rồi, ngay lập tức, những hiện cảnh rõ rệt trước mắt lúc này đã đưa Ném trở lại với ngôi làng mà hắn đã sinh ra và lớn lên. Ném đã hiểu rằng, chỉ cần người ta trân trọng và biết ơn vạn vật hơn một chút, ắt hẳn sẽ không phải gánh chịu quy luật nhân quả của việc tồn sinh khắc nghiệt giữa cõi thế nhân này.

Văn Giang

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.