Trở lại Ban Lung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Anh Phạm Văn Ninh-Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) gọi điện thoại mời tôi qua thăm bà con Việt kiều một chuyến. Vậy là đã gần 5 năm tôi mới có dịp trở lại đất nước Chùa Tháp mặc dù TP. Ban Lung (tỉnh Ratanakiri) chỉ cách Pleiku hơn 150 km.

Sáng cuối năm, trời se se lạnh. Những vạt sương sớm vẫn còn lãng đãng trôi nhẹ dọc đường lên biên giới và cả trên đoạn đường bên nước bạn như mời gọi chúng tôi vào một vùng đất nhiều ấn tượng. Nét thay đổi dễ nhận thấy hiển hiện ngay trên quốc lộ 78 bắt đầu từ Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh qua Oyadav rồi Borkeo của nước bạn. Có lẽ không đâu đất đai màu mỡ như ở đây, liên tiếp những vườn hồ tiêu hàng hàng thẳng tắp xanh tốt trải dài dọc hai bên đường, rồi đến rừng điều. Chỉ cần nhìn những vườn hồ tiêu là có thể biết chủ nhân của nó đã đầu tư bao nhiêu công sức vào đây, từ hàng rào kiên cố cho đến làm giàn che nắng. Gia Lai chúng ta nổi tiếng với “thủ phủ hồ tiêu” Chư Sê, Chư Pưh, thế nhưng nếu so về hình thức thẩm mỹ thì những vườn hồ tiêu bên này đẹp hơn nhiều. Không chỉ được rào giậu ngay ngắn đẹp mắt mà trụ hồ tiêu nào cũng cao bằng nhau chừng 4 m, cành lá um tùm bao kín cây từ trên xuống dưới đều nhau. Rừng điều nối nhau trải dài ngút tầm mắt, vườn nào cũng xanh lá, cành xòe tán rộng che bóng mát rượi.

 Tác giả ở TP. Ban Lung (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Ảnh: T.P
Tác giả ở TP. Ban Lung (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Ảnh: T.P



Thành phố Ban Lung trù phú, hiện đại khác hẳn với trước đây chỉ là một khu dân cư nhà cửa xập xệ, đường đất bụi mù. Ban Lung bây giờ hiện lên trước mắt tôi là đại lộ vào khu trung tâm đã được chỉnh trang, nâng cấp không khác gì những đại lộ ở các thành phố lớn của các nước trong khu vực mà tôi đã có dịp ghé thăm. Các bùng binh ở ngã tư cũng được xây dựng kiên cố, hoa mỹ với những biểu tượng hình rắn Naga hay chuông, khánh. Rất nhiều khách sạn, khu resort sang trọng, thoáng mát mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer mọc lên trên các con phố giữa khuôn viên xanh mát. Dọc các đại lộ chính trong thành phố là la liệt cửa hàng, quán ăn… với những biển hiệu viết bằng 2 thứ tiếng: Khmer và tiếng Anh.

Thế nhưng, điều làm cho tôi vui nhất trong lần qua Ban Lung này không chỉ là những đổi thay của thành phố mà chính là những nét mới trong đời sống của bà con Việt kiều nơi đây. Anh Phạm Văn Ninh cho biết, Việt kiều toàn tỉnh có đến 527 hộ, 1.768 khẩu, phần lớn sống tại Ban Lung. Từ năm 2015, thực hiện chủ trương của chính quyền Campuchia, việc nhập tịch của bà con được thuận lợi. Hầu hết bà con đều đã xây dựng nhà cửa kiên cố và có việc làm, thu nhập ổn định, rất nhiều nhà đã mua được xe ô tô. Vui hơn nữa là Hội Việt kiều tỉnh Ratanakiri giờ không còn phải thuê mướn trụ sở mỗi tháng đến 250 USD như trước mà đã có trụ sở được xây mới hoàn toàn trên hơn đất rộng trên 150 m2, gồm phòng làm việc và phòng học tiếng Việt. Tổng kinh phí xây dựng trụ sở là trên 2 tỷ đồng từ nguồn vốn của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum hỗ trợ. Giáo viên dạy tiếng Việt cho học sinh ở đây đến lớp 4 do Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum cử qua từ năm 2015, Hội chỉ hỗ trợ visa và nơi ăn ở. Tết năm ngoái, được sự quan tâm của chính quyền và Mặt trận 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, Hội đã tổ chức chúc Tết và tặng quà cho 50 gia đình Việt kiều ở Ban Lung, mỗi gói quà trị giá 500 ngàn đồng.

Tôi gặp lại anh Chín Biển, một Việt kiều quê ở An Giang qua đây đã hơn 40 năm. Gia đình anh có quán cà phê cóc dọc đường, lần trước tôi qua hãy còn xập xệ nhưng bây giờ đã được xây dựng rộng rãi, khang trang. Mời tôi ly cà phê đá thoảng thơm, anh Chín Biển cười hể hả: “Hồi trước, tui tính về lại Cần Ché (Kratie) hoặc An Giang nhưng nay thôi rồi. Buôn bán thu nhập cũng khá mà lại sắp được nhập quốc tịch nên không đi nữa”. Như anh nói, quán cà phê của anh cứ như một địa chỉ của tình hữu nghị bởi ngày nào cả khách Việt và khách Campuchia đều đến uống rất đông, trò chuyện râm ran…

Và đến Ban Lung cũng không thể không nhắc đến Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Ratanakiri, anh Phạm Văn Ninh. Anh quê Thanh Hóa, nguyên là bộ đội tình nguyện Việt Nam sang giúp bạn thoát khỏi họa diệt chủng của Pol Pot, sau đó ở lại xây dựng gia đình với một cô gái người Khmer. Anh chị hiện có 5 người con, tất cả đều nói được tiếng Việt. Anh Ninh làm kinh tế gia đình rất giỏi, có đến 16 ha điều và các loại cây ngắn ngày, 15 ha lúa, đàn bò gần 20 con, gia đình hầu như chủ động nguồn lương thực, thực phẩm sạch quanh năm theo đúng nghĩa tự cung tự cấp. Ngôi nhà sàn gia đình anh đang ở xây dựng theo kiểu truyền thống của người Campuchia, làm hoàn toàn bằng gỗ tốt. Anh cho biết, các con anh sau khi học xong lớp 4 tiếng Việt, anh đã chuyển sang cho học chữ Khmer và tiếng Anh. Giới tư nhân ở đây tổ chức dịch vụ giáo dục khá bài bản: các cháu hệ Tiểu học đều có xe buýt đưa đón, ăn trưa tại trường, chiều tiếp tục học tiếng Anh, mỗi tháng chi phí xấp xỉ 1 triệu đồng/cháu.

Bên ly rượu cuối năm trong ánh chiều tà, anh Ninh kể thêm, cứ vài ba năm anh lại đưa cả gia đình về thăm quê nội “cho khỏi quên quê cha đất tổ”…

Chỉ lưu lại Ban Lung có hơn 1 ngày nên tôi không đủ thời gian để đi thăm hỏi hết những người quen cũ như gia đình anh Hải “gỗ”, chị Bảy, anh Lân… Tạm biệt thành phố vùng Đông Bắc Campuchia này, xin gửi lời chúc sức khỏe và làm ăn phát đạt với bà con Việt kiều nơi đây-những con người hiếu khách luôn nhớ về đất mẹ dẫu đã xa quê hương nhiều thập kỷ.

 THANH PHONG

 

Có thể bạn quan tâm

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.