Người dân - Chủ thể của du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hình thái du lịch cộng đồng đang phổ biến trên thế giới. Khi hình thái này du nhập vào nước ta, nó đã tìm thấy những điều kiện thuận lợi để phát triển và nhân rộng. Có 2 yếu tố then chốt để du lịch cộng đồng phát triển: đó là thiên nhiên và văn hóa. Mà nói tới văn hóa là nói tới con người, tới dân tộc, tới sự độc đáo của từng dân tộc, tới đặc trưng văn hóa từng vùng miền.
Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018 thu hút khoảng 145 ngàn khách trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Phan Nguyên
Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018 thu hút khoảng 145 ngàn khách trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Phan Nguyên
Gia Lai có thiên nhiên đa dạng, kỳ thú, tuyệt đẹp. Gia Lai còn có 34 dân tộc anh em sinh sống, trong đó hơn 44% là người dân tộc thiểu số với những buôn làng còn nguyên sơ, văn hóa đặc sắc. Nhưng đó mới là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ cho du lịch cộng đồng phát triển. Bởi lẽ, việc tổ chức các làng văn hóa du lịch mang tính áp đặt văn hóa lên các buôn làng người dân tộc thiểu số dẫn tới sự đơn điệu, phản cảm khiến du khách chán ngán. Điều này cho thấy, để phát triển du lịch cộng đồng thì người dân phải được xem là chủ thể vì chỉ có người dân mới làm nên du lịch cộng đồng. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ, tìm nguồn và giúp kết nối với các tour du lịch lữ hành. Các buôn làng được chọn làm du lịch cộng đồng phải được trả về văn hóa bản địa nguyên dạng của nó, nơi người dân tộc thiểu số sống đúng với tập tục văn hóa cổ truyền của mình. Đó chính là yếu tố cốt lõi thu hút khách du lịch, cả khách ngoại quốc và khách bản địa. Không nên tiếp tục xây dựng nhà rông “hiện đại hóa” hay “bê tông hóa” và hãy để cộng đồng dân tộc tự xây dựng những nhà rông truyền thống của mình theo đúng với những gì tổ tiên họ đã làm.
Kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng thành công ở một số địa phương có yếu tố người dân tộc thiểu số như Mai Châu (Hòa Bình) hay một số vùng người Chăm, người Khmer ở Nam Trung bộ và Nam bộ cho thấy, càng “nguyên bản dân tộc” bao nhiêu thì càng thu hút khách du lịch bấy nhiêu. Nên nhớ, khách du lịch bây giờ gồm rất nhiều thành phần, trong đó thành phần có văn hóa, có tri thức chiếm rất đông. Khi về những vùng du lịch văn hóa và dân tộc thiểu số, nhu cầu của họ là tìm hiểu, khám phá chứ không hẳn chỉ có nhu cầu ăn và ngủ. Đó là những nhu cầu thưởng ngoạn văn hóa, nhu cầu trở về với thiên nhiên hoang sơ, tìm đến sự chân chất, thật thà, không tô vẽ. Mọi sự can thiệp thô bạo vào thiên nhiên và văn hóa truyền thống đều dẫn tới sự hủy hoại. Người ta không thể tìm đến du lịch ở những nơi bị hủy hoại bởi con người, dù rất hứng thú tìm đến những núi lửa đã tắt, những ngọn thác nguyên sơ tung bọt trắng xóa. 
Tôi nghĩ, nếu Gia Lai phát triển du lịch cộng đồng theo hướng trở về với thiên nhiên hoang sơ, trở về với văn hóa dân tộc nguyên bản thì không lo gì thiếu khách du lịch. Chuyện ẩm thực, lưu trú hay sản phẩm lưu niệm hoàn toàn có thể đáp ứng bởi chính những người dân và bởi những doanh nghiệp thực tâm làm du lịch. Hình thức homestay (lưu trú tại nhà dân) là hoàn toàn thích hợp với những vùng du lịch thiên nhiên và văn hóa dân tộc ở Gia Lai. Có điều, nhà dân thì để dân tự làm, Nhà nước có thể hỗ trợ cho vay ưu đãi. Còn với những lễ hội truyền thống hay những lễ hội dựa vào thiên nhiên như lễ hội hoa dã quỳ thì yếu tố cơ bản vẫn là sự thân thiện của người dân trực tiếp làm du lịch chứ không phải ở những cuộc lễ mang tính sân khấu. Việc Gia Lai đề ra mục tiêu phấn đấu đạt 840 ngàn lượt du khách trong năm 2019 là hoàn toàn khả thi nếu biết “trả du lịch cộng đồng về cho nhân dân”.
Du lịch không chỉ để hưởng thụ mà còn để học hỏi, để hiểu biết, nhất là hiểu biết về những vùng đất lạ, những phong tục lạ, những lối sống khác và cao hơn là những nền văn minh khác. Du lịch cộng đồng đáp ứng những nhu cầu này cho du khách một cách hồn nhiên nhất, vì thế nó là hiệu quả nhất. 
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.