Du lịch nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Du lịch nông nghiệp mới phát triển ở nước ta những năm gần đây, nhưng đã là mô hình hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới.

Du khách nước ngoài ham thích du lịch du lịch nông nghiệp ở Việt Nam.
Du khách nước ngoài ham thích du lịch du lịch nông nghiệp ở Việt Nam.


Du lịch nông nghiệp ở Việt Nam rất được du khách nước ngoài ưa chuộng, bởi Việt Nam có rất nhiều sản vật, mỗi vùng miền lại có cách canh tác, nuôi trồng, chế biến… sản vật khác nhau. Du khách được trải nghiệm là nông dân, được trồng cấy, thu hoạch cây trồng, được tát ao, bắt cá, rồi lại được hướng dẫn chế biến thức ăn, những món bánh khác lạ, nhưng rất ngon và hấp dẫn từ những sản vật mà mình tự tay thu hái…

Nhưng những tour du lịch này chưa thật sự phổ biến, còn tự phát và chưa được liên kết chặt chẽ. Vẫn còn tư tưởng phải tổ chức những tour du lịch “hoành tráng”, đến những nơi có phòng ốc “tráng lệ”. Thực ra đây là lối kinh doanh du lịch chưa chuyên nghiệp, còn mang tính chất tự ti của những người mới “thoát nghèo”, trong khi khách du lịch chủ yếu chỉ thích trải nghiệm muốn được chứng kiến và nhất là được thực hành những điều mà từ lâu cư dân của cả nước phát triển không còn được chứng kiến. Nếu du lịch nông nghiệp kết hợp với dịch vụ homstay thì còn hấp dẫn du khách hơn nữa, khiến họ có điều kiện lưu trú dài hơn, để được trải nghiệm nhiều hơn.

Đối với du khách trong nước, những người tổ chức các tour du lịch nông nghiệp hướng tới trẻ em nhiều hơn. Người ta muốn các em có điều kiện chứng kiến vẻ đẹp đa dạng của đất nước Việt Nam, thấu hiểu niềm vui và nỗi cực nhọc của những người nông dân tạo nên cơm ăn, nước uống hàng ngày cho các em. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Đúng vì hiện nay, hầu hết trẻ em chỉ biết ăn và học, sự trải nghiệm, am hiểu cuộc sống còn rất ít (ngay cả trẻ em nông thôn).

Nói chưa đủ là bởi sự trải nghiệm của các em còn rất ít ỏi, chưa toàn diện trong các tour du lịch nông nghiệp, nhưng đã có khuynh hướng muốn biến những tour du lịch này thành những bài học ngoài hiện trường của những môn sinh vật, giáo dục công dân… nào đó. Hãy để cho các em được thật sự vui chơi trải nghiệm trước vẻ đẹp đa sắc màu của cuộc sống-mà chúng tôi đoán chắc rằng rất hiếm khi các em được người lớn quan tâm thực hiện (còn dạy và học một cách thực tế lại là chuyện khác).

Một điều nữa chúng tôi đề nghị ngành du lịch và các địa phương, nhất là những nơi còn giữ được những cảnh đẹp hoang sơ, ít bị bàn tay của con người tàn phá hoặc dọn sửa theo ý mình, chính thức đưa thành những tour du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn. Và cũng cần mở rộng dịch vụ này tới đối tượng người lớn, vì nhu cầu này ngày càng nhiều. Bởi không ít cư dân thành phố (kể cả nông thôn) có nhu cầu tìm hiểu, khám phá những vùng đất mà mình chưa có điều kiện đặt chân đến.

Chúng tôi được biết có nhiều người sống ở thành phố đã “mua” những vườn rau, những cây ăn quả, rồi giao cho những người chủ đích thực của chúng trông nom, săn sóc và rất sung sướng khi những ngày lễ, ngày nghỉ được về vườn cây “của mình” thưởng thức hoa trái sạch, rau cỏ sạch và thỏa mãn giấc mơ làm “ông chủ” của mình. Vả lại ham hiểu biết, ham tìm hiểu, ham trải nghiệm là nhu cầu ai cũng có, ai cũng cần (và cũng có lý do là sự hiểu biết của mỗi người là hữu hạn, cho nên ai cũng muốn biết cái mới, cái khác). Có hai câu chuyện nhỏ liên quan đến người viết bài này.

Trước nay nói đến bò, người ta mặc định là bò vàng. Nhưng cách đây dăm năm, khi tôi sang Campuchia (và đến một vài tỉnh miền Tây Nam Bộ), thì quan niệm bò vàng không còn chính xác nữa, vì bò ở đây chủ yếu có màu trắng. Năm 1970, một anh bạn gốc Hà Nội thầm thì với tôi: “Tôi nói với ông điều này nhé, nhưng ông đừng nói với ai, xấu hổ lắm. Trong chuyến đi thực tế về nông thôn vừa rồi, tôi có trông thấy những con vịt có cổ rất dài, mà không biết là con gì!”. Tôi phì cười trước “hiểu biết” của một anh bạn Hà Nội lần đầu tiên về nông thôn, không biết phân biệt được con vịt với con ngỗng!

Những câu chuyện này là rất cá biệt nhưng vẫn có thể tồn tại, nhất là bây giờ chúng ta đã đô thị hóa quá nhanh và ồ ạt, nhiều hiểu biết của ông cha ta và các thế hệ trước về cây, hoa, cá cảnh – thế hệ bây giờ, đặc biệt là các em sinh ra và trưởng thành ở thành phố có thể không biết, không được chứng kiến. Do vậy du lịch nông nghiệp chắc chắn có nhiều… địa điểm để phát triển. Và cũng không phải ngẫu nhiên, du lịch nông nghiệp lại phát triển mạnh và rất lâu rồi ở các nước phát triển.

Từ xưa cha ông ta đã nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chúng tôi coi đây là một câu châm ngôn về du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng. Hiện nay nông nghiệp vẫn là bệ đỡ cho nền kinh tế, cho nên xét về tổng thể du lịch nông nghiệp vẫn có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế du lịch.

Trần Bảo Hưng (Đại Đoàn Kết)

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.