Du lịch "Nhà Tôi" ở phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khá lâu rồi, có một nhóm bạn du lịch theo tour, hôm ấy gọi điện hẹn tôi gặp nhau ở “Nhà Tôi”. Tôi phải hỏi đi hỏi lại mới biết đấy là nhà hàng “Nhà Tôi” của ông bạn Quỳnh Hội tít ngoài... xã Trà Đa (TP. Pleiku).
Cũng là dân... nhậu nhưng tôi lại ít ra “Nhà Tôi” bởi thứ nhất, nó khá xa, thêm nữa, tôi hay ngồi ở mấy quán quen hợp với gu và cả... ví của mình. Hôm ấy phóng xe ra, tôi mới biết, hóa ra lâu nay mình ít ra đây là... sai lầm, là chỉ biết những gì trước mũi mình...
Tôi quen Hội cũng phải mấy chục năm nay, từ hồi tôi còn làm ở Phòng Văn nghệ (Ty Văn hóa Gia Lai-Kon Tum), còn anh là nhạc công guitar nổi tiếng của Đoàn Nghệ thuật Đam San (nay là Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San), lứa sau nhạc sĩ Ngọc Tường. Nếu Ngọc Tường “chung thủy” với Nhà hát Đam San tới lúc về hưu, với cương vị Giám đốc, thì Hội lại bỏ ngang đi làm lab ảnh. Ban đầu, anh làm người chụp ảnh, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai chuyên ngành Nhiếp ảnh. Anh sang tận Lào chụp ảnh và đây là thời gian anh học được nhiều thứ từ Lào, trong đấy có những món ẩm thực Lào sau này áp dụng vào nhà hàng. Một thời gian chụp thì tiến lên mở lab. Cái lab Quỳnh Hội ở đường Hùng Vương một thời làm mưa làm gió... Rồi cứ thế, uỵch phát, anh quay qua làm nhà hàng, làm du lịch.
  “Nhà Tôi” thường xuyên tổ chức các “phiên chợ” đặc sắc. Ảnh: Nguyễn Giang
“Nhà Tôi” thường xuyên tổ chức các “phiên chợ” đặc sắc. Ảnh: Nguyễn Giang
Ngay từ đầu, anh đã ý thức việc gắn nhà hàng của mình với du lịch. Vì thế, thoát ra khỏi chật hẹp phố phường, anh ra tận Trà Đa mua đất rồi mở cái nhà hàng “Nhà Tôi-My Home” ở đấy.
Ai cũng bảo gã này... điên. Ra tận cái khu gần... nghĩa địa ấy thì khách nào mò ra. Mà lại mở thật lớn, một lúc nhà hàng này có thể chứa được 1.100 khách. Hình như ở Pleiku chưa có nhà hàng nào chứa được số khách lớn như thế một lúc.
Một hôm, lại có mấy cô gái rủ nhau đi ăn... bánh xèo. Hỏi đi ăn ở đâu, bảo ra “Nhà Tôi”. Tôi lại tròn mắt ngạc nhiên. Bánh xèo ở Pleiku đầy hang cùng ngõ hẻm, thế mà lại phải chạy ra tận đó mà ăn. Thì ra họ có cái lý của họ. Bánh xèo “Nhà Tôi” làm bằng nhân tép Biển Hồ, rất ngon, cộng với phong cảnh hữu tình, ngồi ngắm cánh đồng lúa, nghe ếch nhái kêu, thoáng đãng. Thi thoảng, ông chủ xuất hiện, chào khách xong kêu nhân viên rất to: “Các con đâu, món này khuyến mãi không tính tiền nhé”. Khách ngơ ngác chưa hiểu ông chủ khuyến mãi món gì, nhìn theo tay chỉ thì thấy cái máy bay đang... lơ lửng trước mặt mình. Hóa ra cách một cánh đồng là sân bay và tất cả máy bay cất hạ cánh đều... pha đèn về phía khách. Chợt nghĩ thì ngay ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã có những quán cà phê làm trên tầng cao vút để khách lên đấy uống cà phê ngắm... máy bay lên xuống đấy thôi.
Đam mê bản sắc nên ông Hội một mặt đưa một số món truyền thống của Lào về, mà hấp dẫn nhất là món xôi Lào đựng trong các giỏ tre và món Xìn Đạt; mặt khác mày mò các món Tây Nguyên. Gà nướng, tất nhiên, rau rừng, có rồi, nhưng anh còn mày mò làm riêng món rượu cần thương hiệu “Nhà Tôi”. Thứ nhất là cái ghè thửa riêng rất đẹp, khách uống xong có thể thương lượng mang về làm bình cắm hoa. Người viết bài này đang có mấy cái bình hoa như thế trong nhà. Thứ 2 là nó rất ngon và hợp cảnh. Cái ghè nhỏ 2 người uống là vừa. Thêm nữa, giờ, trừ xuống làng thứ thiệt, còn lại thì người ta uống rượu cần là chỉ nhấp vài ngụm cho biết, rồi thì về những món tủ của mình. Kêu một ghè lớn ra rất phí. Vậy thì cái ghè nho nhỏ kia, vừa xinh vừa hợp lý cả chất và lượng, và vẫn rất... bản sắc.
Ban đầu, tôi tưởng ông này... tháu cáy, làm giả rượu cần. Nhưng khi bê về mấy ghè, để gửi tặng bạn bè ở xa, mấy cái uống rồi thì lấy ghè làm lọ cắm hoa, đổ ra thì thấy là rượu cần thứ thiệt. Cũng ủ men lá, cũng trấu... công thức y như rượu cần Tây Nguyên.
Và ông cũng tự làm thêm nhiều loại rượu thuốc của riêng nhà hàng để phục vụ khách. Rượu đặt hàng ngàn lít, hạ thổ đủ bách nhật, ngâm thảo dược vào chum, rồi lại ủ tiếp, thành thương hiệu riêng. Và ông tự hào, ăn nhà hàng nhưng giá... bình dân.
Thừa thắng xông lên, ông ra tận... Thái Nguyên mở “Nhà Tôi 2” với sức chứa một lúc 600 khách, nghe nói cũng rất ăn nên làm ra.
Ngoài điều hành 2 cái nhà hàng rất là nhẹ nhàng, ông chủ Quỳnh Hội này còn đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai, thành viên Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thành viên Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng CTC, thành viên Câu lạc bộ Du lịch VTF, thành viên Câu lạc bộ Du lịch family...
Vừa điện thoại hỏi xem đang ở đâu, Hội sang sảng, em đang ở Thái Nguyên và hể hả khoe: 80% đoàn khách du lịch từ mọi miền đất nước và khách quốc tế khi đến Pleiku hay Thái Nguyên đều đến quán “Nhà Tôi” thưởng thức các món ăn đặc sản của quán và thưởng ngoạn phong cảnh mộc mạc gần gũi thiên nhiên. “Nhà Tôi” Pleiku mỗi năm đón trên 10.000 lượt khách du lịch.
Nhớ, năm nào cũng thế, “Nhà Tôi” hay tổ chức các “phiên chợ” kéo khách ngùn ngụt về. Và không chỉ kinh doanh, những phiên chợ ấy khiến thực khách nao nao nhớ về một thời chưa xa như các “Phiên chợ chiến khu xưa” với 42 món ăn một thuở trong rừng khiến rất nhiều cựu chiến binh, những người kháng chiến cũ, mặc trang phục kháng chiến xuống dự cứ rưng rưng. Rồi “Phiên chợ Đông Nhà Tôi” với các hoạt động: ẩm thực ba miền, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, sao nhí dạo chợ quê cùng ông già Noel, Acoustic dân ca đương đại, đêm hội nến Giáng sinh (đêm 24-12), đêm nhạc chợ phiên mùa Đông… và nhiều hoạt động hấp dẫn khác.
Quả là, nghe và thấy những gì “Nhà Tôi” đã làm, thấy nể ý tưởng và cả những gì Quỳnh Hội làm cho du lịch Gia Lai nói riêng và sự phát triển của cả xã hội nói chung. 
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.