Kon Tum: Hội thảo Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 20-4, tại thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển Du lịch gắn với bảo vệ môi trường tại khu vực Tây Nguyên”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Cục Du lịch; Viện nghiên cứu phát triển du lịch; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia phát triển du lịch đến từ Hà Nội và các tỉnh Tây Nguyên...

 

Ảnh: Quang Thái
Ảnh: Quang Thái

Tại hội thảo, nhiều bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia đã tập trung thảo luận các vấn đề nóng bỏng trong quá trình phát triển du lịch như thực trạng môi trường các địa phương; đánh giá tác động của du lịch đến môi trường (bao gồm du lịch tự nhiên và xã hội); hoạt động bảo vệ môi trường ở một số khu du lịch, vườn quốc gia, khu du lịch cộng đồng; hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; các mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp… đảm bảo các tiêu chí về môi trường; những cách làm tạo sinh kế cho cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường… Nhiều tham luận đã chỉ ra những giải pháp hiệu quá trong phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường như của tỉnh Lâm Đồng; phát triển du lịch gắn với cộng đồng, vừa thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển, vừa mang lại thu nhập cho người dân như của tỉnh Kon Tum, Gia Lai…

Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng và là một vùng giàu tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, những lễ hội truyền thống, kiến trúc dân tộc độc đáo, các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng, các trường ca- sử thi… là những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, tạo ra sự đa dạng, phong phú về văn hóa của Tây Nguyên. Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh là Kiệt tác truyển khẩu và phi vật thể của nhân loại. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để vùng Tây Nguyên phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, những khu rừng nguyên sinh, những Vườn quốc gia có giá trị du lịch sinh thái cao cũng là một điểm mạnh để phát triển du lịch sinh thái đối với các tỉnh Tây Nguyên.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động du lịch ở khu vực Tây Nguyên cũng đã có sự tác động đến môi trường ở nhiều mức độ khác nhau. Môi trường tự nhiên, sinh thái ngày càng gia tăng áp lực; mức độ ô nhiễm của nguồn nước, nguồn đất và nguồn không khí cùng với sự khai thác, sử dụng quá tải các nguồn nguyên thiên nhiên khiến nguy cơ cảnh quan bị tàn phá là rất lớn.

Nhiều cảnh quan, hệ sinh thái ở các Khu Bảo tồn thiên nhiên, Vườn Quốc gia bị thay đổi hoặc suy giảm. Các khu vực có tính đa dạng sinh học cao bị biến dạng. Đa dạng sinh học bị đe dọa do săn bắt trái phép phục vụ nhu cầu ẩm thực, đồ lưu niệm, buôn bán mẫu vật...của du khách. Những cánh rừng đại ngàn, vốn là linh hồn của đời sống vật chất, đời sống tâm linh và văn hóa của con người Tây Nguyên đang mất dần. Tài nguyên đất đai bị suy giảm trong quá trình phát triển...

Hoạt động du lịch một mặt làm phong phú văn hóa địa phương nhưng mặt khác cũng làm biến dạng văn hóa bản địa; các giá trị văn hóa truyền thống của nhiều cộng đồng dân cư bị biến đổi do tiếp xúc với các nền văn hóa xa lại, nhiều di sản xuống cấp...

Hy vọng những đề xuất, khuyến nghị, giải pháp được đưa ra tại hội thảo lần này sẽ ngày càng nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc đang sinh sống tại khu vực Tây Nguyên, góp phần xây dựng vùng Tây Nguyên xanh - sạch - đẹp gắn với phát triển du lịch bền vững.

Quang Thái

Có thể bạn quan tâm

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.