TP.Pleiku phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Với những tiềm năng du lịch phong phú như Núi lửa Hàm Rồng, danh thắng Biển Hồ, Quảng trường Đại Đoàn kết; văn hóa cồng chiêng, ẩm thực, văn hoá nhà rông, nhà mồ, và các lễ hội truyền thống... TP. Pleiku, Gia Lai đang nỗ lực phát triển du lịch trở thành điểm đến trọng điểm của tỉnh.
Những điểm đến hấp dẫn
Được coi là “đôi mắt Pleiku”, Biển Hồ được công nhận là di tích cấp Quốc gia, cách trung tâm  TP khoảng 7 km theo quốc lộ 14. Với vẻ đẹp tự nhiên và thơ mộng, Biển Hồ đã mê hoặc du khách. Đứng trên đồi Vọng Cảnh, du khách sẽ được chiêm ngưỡng màu xanh bạt ngàn của nước biển và nghe thoảng trong gió là tiếng thông reo vi vu. 
 Biển Hồ đã mê hoặc du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên và thơ mộng. Ảnh: N.T
Biển Hồ đã mê hoặc du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên và thơ mộng. Ảnh: N.T
Quảng trường Đại Đoàn Kết tọa lạc giữa trung tâm thành phố cũng là một trong những công trình trọng điểm của thành phố Pleiku. Quảng trường rộng 12 ha, bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi bật. Phía sau tượng là bức phù điêu được tạc trên đá trắng, tái hiện khung cảnh và cuộc sống người dân Tây Nguyên, những bộ cồng chiêng cũng được treo bên hông giúp du khách thêm hiểu hơn về cồng chiêng Tây Nguyên. Trước khu tượng đài là những bãi cỏ xanh mướt được xén ô vuông tạo cảm giác thoáng đãng, mát mắt. Đây cũng là nơi người dân TP. Pleiku tập trung vui chơi, tập thể dục...
Ngoài ra, không gian văn hóa cồng chiêng, ẩm thực cũng rất phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa địa phương.Bên cạnh đó, hệ thống giao thông của Pleiku hiện nay cũng rất thuận lợi do việc tăng cường phát triển và đa dạng các loại hình vận tải bằng đường bộ và đường không. 
TP. Pleiku phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: N.T
TP. Pleiku phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: N.T
Nắm bắt được ưu thế của ngành công nghiệp không khói này, TP. Pleiku đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động du lịch bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú nhằm xây dựng hình ảnh, con người Pleiku văn minh, lịch sự, thân thiện theo Kế hoạch phát triển du lịch thành phố Pleiku giai đoạn 2017-2020, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong năm 2017, TP. Pleiku đã đầu tư trên 500 triệu đồng để đầu tư tu bổ nhà rông làng Ốp với nhiều hạng mục như: lợp lại mái nhà rông, hệ thống điện chiếu sáng, sắp xếp, trang trí lại nhà rông, dựng cây nêu tại sân nhà rông… Đầu tư trên 01 tỷ đồng để chỉnh trang, sửa chữa lại một số hạng mục của Đền tưởng niệm – Mộ liệt sỹ Hội Phú. Đầu tư xây dựng bờ kè tại Khu du lịch Biển Hồ (kinh phí của tỉnh) để phục vụ khách du lịch khi đến tham quan tại làng Ốp. Đồng thời, phối hợp với phòng Dân tộc thành phố tổ chức mở 02 lớp truyền dạy cồng chiêng để phục vụ du khách khi có nhu cầu.
Phòng Văn hóa Thông tin TP. Pleiku đã in ấn 3000 tờ gấp tóm tắt về bộ quy tắc ứng xử du lịch văn minh, giới thiệu các điểm du lịch trên địa bàn để cấp phát cho các xã, phường, để tại sân bay, bến xe và các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố. 
Với sự đầu tư trên, tổng lượt khách đến Pleiku trong năm đạt khoảng 480.000 lượt, tăng 19% , trong đó khách quốc tế đạt 9650 lượt tăng 6,3%, doanh thu ước đạt 239 tỷ tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016.
Thu hút đầu tư, tạo sản phẩm đặc trưng
Tuy nhiên, hoạt động du lịch trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng. Sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được với nhu cầu của du khách nên không kéo dài được thời gian lưu trú. 
Ông Trần Đỗ Nam Oanh-Giám đốc Công Ty Cổ phần dịch vụ và thương mại Cao Nguyên Xanh cho biết: “TP. Pleiku cần quan tâm hơn đến nhu cầu, sở thích của du khách, như khôi phục lại các khu di tích lịch sử, các quán ăn cần được quy hoạch lại mang đặc trưng của núi rừng để du khách có thể thưởng thức... để thu hút khách du lịch cũng như các nhà đầu tư”.
TP. Pleiku thường xuyên tổ chức, tham gia các hội thi, giao lưu, sinh hoạt cồng chiêng. Ảnh: N.T
TP. Pleiku thường xuyên tổ chức, tham gia các hội thi, giao lưu, sinh hoạt cồng chiêng. Ảnh: N.T
Để khắc phục tình trạng trên, trong năm 2018 UBND thành phố Pleiku sẽ tăng cường công tác quản lý và  kêu gọi các doanh nghiệp cùng đầu tư, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng của Pleiku. Ông Trần Xuân Quang –Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết, TP. Pleiku sẽ đầu tư khu du lịch danh thắng Biển Hồ, phục dựng tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tại Biển Hồ; nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống điện chiếu sáng, bãi giữ xe, xe điện…tại Khu du lịch danh thắng Biển Hồ, xây dựng làng du lịch Brel-làng đối diện cổng Biển Hồ, phát triển Làng văn hóa du lịch Plei - ốp. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng loại hình du lịch cộng đồng (Homestay), các gian hàng giới thiệu các sản phẩm địa phương tại làng Ốp; hình thành phát triển loại hình văn hóa ẩm thực, Homestay tại Làng Kép-Đống Đa, Làng Brel-Biển Hồ, làng Tiêng 2- Tân Sơn. Ngoài ra, TP. Pleiku sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm quảng bá du lịch TP. Pleiku như tổ chức sinh hoạt và giao lưu cồng chiêng, hoạt động Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca; duy trì các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, tạc tượng, chỉnh chiêng…
Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm