Phú Thiện: Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Phú Thiện, ̣ Gia Lai đang có những động thái tích cực nhằm khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn như: đại công trình thủy nông Ayun Hạ, Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, Di sản Văn hóa phi vật thể “Lễ hội cầu mưa của Yang Pơtao Apuih”…

Cách Phố núi Pleiku chừng 70 cây số, chỉ mất hơn một tiếng rưỡi đồng hồ chạy xe máy xuôi quốc lộ 14 và 25, chúng tôi đã đặt chân đến vùng đất Hỏa Xá-thung lũng Ayun Pa, nơi chứa đựng nhiều truyền thuyết về các vị Vua Lửa (Pơtao Apuih).

 

Rah Lan Hieo-phụ tá Vua Lửa cuối cùng di chuyển gươm thần từ nơi cất giữ về “nhà mới”. Ảnh: D.P
Rah Lan Hieo-phụ tá Vua Lửa cuối cùng di chuyển gươm thần từ nơi cất giữ về “nhà mới”. Ảnh: D.P

Huyền tích Pơtao Apuih

Con đường bê tông rộng rãi nên chúng tôi chẳng mấy khó khăn khi từ quốc lộ 25 vào Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi ở chân núi Ba Hòn, người Jrai địa phương gọi là Chư Tao Yang (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện). Nơi đây có một nhà sàn lớn trưng bày cồng chiêng, trống của người Jrai ở giữa, thêm một nhà sàn sát bên nhỏ hơn làm nơi  cúng tế Vua Lửa và một nhà chòi cất giữ thanh gươm thần, tương truyền có quyền năng hô mưa, gọi gió.

Theo truyền thuyết, gươm thần do Siu Luynh-Vua Lửa đời thứ 14 kể (Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, hiện là Giám đốc Bảo tàng tỉnh sưu tầm): “Năm ấy, hạn hán kéo dài, sông Apa, sông Ayun (2 con sông lớn nhất ở khu vực Đông Nam tỉnh-P.V) và các nguồn nước đều  khô cạn, cây rừng không mọc nổi. Người Jrai phải đào hố tìm nước uống. Thú rừng cũng kéo đến uống nước trong cái hố này. Chúng đạp lên nhau mà chết, con người chỉ việc lấy thịt thú rừng ăn. Nhưng rồi thú rừng cũng không còn, con người phải lấy cây mục chấm mật ong ăn qua ngày, lấy hạt cây le nấu ăn thay gạo”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, trong hoàn cảnh ấy, ước muốn lớn nhất của người Jrai là cầu xin hoặc cao hơn nữa là bắt thiên nhiên phải chiều theo ý muốn của mình. Có lẽ vì vậy mà những Pơtao Apuih xuất hiện với thanh gươm thần có quyền năng hô mưa gọi gió, giúp dân làng vượt qua cơn hạn hán để có được mùa màng bội thu. Sau khi Siu Luynh mất năm 1999, thanh gươm được để trong một cái chòi nằm giữa ruộng của con cháu ông. Người làng đem gươm từ Chư Tao Yang về đây. Họ làm chòi cho gươm ở, cúng cho gươm. Nhưng lâu rồi không ai cúng nữa. Chỉ có  Rah Lan Hieo-phụ tá của Siu Luynh thỉnh thoảng trèo lên chòi kiểm tra một lần.

Hơn 4 năm trước, chính quyền đã đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng, trùng tu một phần Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa Plei Ơi dưới chân núi Ba Hòn. Rah Lan Hieo đích thân làm lễ cúng thần linh để di dời thanh gươm thần cùng những di vật của các đời Vua Lửa từ chòi tranh giữa cánh đồng về cất giữ trong “nhà mới” trong khu di tích, biến nơi đây trở thành địa chỉ du lịch đáng đến cho những ai giàu trí tò mò, muốn tham quan, tìm hiểu về huyền tích các vị Pơtao Apuih.

Độc đáo lễ hội cầu mưa

Phú Thiện là huyện thuần nông nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, dân số gần 80 ngàn người với 18 dân tộc anh em sinh sống tại 130 thôn, làng, tổ dân phố. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57%, chủ yếu là người Jrai, Bahnar, Tày, Nùng, Thái… với bản sắc văn hóa đa dạng và độc đáo. Trong đó, nổi bật nhất là tín ngưỡng cầu mưa của người Jrai gắn với truyền thuyết Pơtao Apuih. Vào tháng 4 hàng năm, đồng bào Jrai ở làng Rbai A, B (xã Ia Piar) vẫn duy trì lễ hội cúng cầu mưa, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài huyện tham dự, tìm hiểu.

Ông Phạm Văn Phương-Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar, cho hay: “Từ năm 2018 trở đi, xã sẽ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí để làng Rbai A, B tổ chức lễ hội cầu mưa và ưu tiên đảm bảo an ninh trật tự trong suốt thời gian tổ chức lễ hội. Cùng với đó, xã đang nghiên cứu các hình thức phối hợp quảng bá để nhiều người biết đến lễ hội; phối hợp với Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm. Trong thời gian tổ chức lễ hội, xã cũng sẽ tổ chức thêm  dịch vụ ăn uống, trò chơi dân gian… phục vụ du khách”.

Thời gian qua, sự đầu tư của các cấp, các ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội, giữ gìn truyền thống văn hóa lâu đời tốt đẹp của người Jrai bản địa. Đây cũng chính là điểm nhấn để huyện Phú Thiện quảng bá hình ảnh địa phương đến đông đảo du khách gần xa. “Huyện đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó trọng tâm là phát huy lợi thế điểm du lịch hồ Ayun Hạ, Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi và Di sản Văn hóa phi vật thể “Lễ hội cầu mưa của Yang Pơtao Apuih”. Cùng với đó là quan tâm hướng dẫn, vận động người dân địa phương tham gia làm du lịch, xây dựng hình thức du lịch homestay; đặc biệt là xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cách ứng xử, giao tiếp với du khách”-Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Đỗ Ngọc Thành cho hay.

Dũng Phương

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.