Nhân tố quan trọng của du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nói đến du lịch Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung, có một đối tượng mà nếu nhắc đến, chắc chắn nhiều người khi đến tham quan, du lịch sẽ rất thích tìm hiểu, rất thích tiếp xúc, rất thích chứng kiến họ làm việc, ấy là các nghệ nhân dân gian.

Như mọi nghệ nhân dân gian ở khắp thế giới, đấy là những người hết sức tài hoa, mỗi người tài hoa mỗi kiểu, nhưng nói chung là có trí lực hơn người, kinh nghiệm hơn người và cũng có những... nỗi khổ hơn người. Đó là nỗi khổ của những người tài hoa, dù đa phần họ là những người... mù chữ.

 

Một nghệ nhân tạc tượng của Gia Lai.    Ảnh: Đức Thụy
Một nghệ nhân tạc tượng của Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Có những nghệ nhân chuyên sâu một món, như: chuyên làm tượng nhà mồ, nhà rông; chuyên Hri, Hmon (kể khan); chuyên chỉnh chiêng, chơi chiêng... Tuy nhiên, cũng có những nghệ nhân hết sức đa năng, cái gì cũng chơi tốt, là người dẫn dắt tinh thần của cộng đồng.

Anh Đinh Gang (huyện Kông Chro) là một nghệ nhân chuyên Hmon. Tôi dám chắc rằng trong chúng ta, kể cả các cháu học sinh đang hàng ngày phải học gạo, không phải ai cũng thuộc lòng Truyện Kiều, dù đấy là áng văn bất hủ, là niềm tự hào dân tộc; và với học trò, đấy là “cứu cánh”, là nghĩa vụ để học, để thi... Thế mà anh chàng Đinh Gang không chỉ đọc thuộc, mà còn diễn bằng tay, bằng mắt, bằng khuôn mặt, bằng giọng nói và bằng cả cái thân hình bé tẹo ấy, tất cả các nhân vật có trong Hmon, không chỉ một mà là 3 cái, đầy 20 băng cassette trong vòng 1 tuần. Mà giọng mới vang làm sao, khuôn mặt, ánh mắt mới sinh động làm sao. Không chỉ chúng tôi mà cả dân làng đều ngạc nhiên và thích thú. Quái lạ cái anh chàng Đinh Gang này, trong cái cơ thể bé nhỏ kia, năng lượng dự trữ ở đâu ra mà lắm thế. Tiếng cứ trong văn vắt, lúc gào thét giận dữ, khi thủ thỉ tâm tình, lúc lại the thé như mụ đàn bà góa, khi như rót mật vào tai... Cứ nhìn mọi người lúc im thin thít, khi cười rũ rượi, đám con gái lúc lại đỏ mặt cấu chí nhau thì biết...

Ông Đinh Wiêu (huyện Kbang) cũng là một nghệ nhân rất lạ. Thường người ta giỏi cái gì thì chỉ giỏi sâu cái ấy và như thế là quá quý rồi. Đằng này, ông giỏi tuốt. Ông có thể đan lát rất giỏi, từ gùi cho đến các đồ bắt cá, bẫy chim, bắt thú... Ông còn là một trong không nhiều người ở Tây Nguyên có thể chỉnh chiêng. Nghệ nhân lên dây chiêng (chỉnh chiêng) hiếm vì nó vô cùng khó, chỉ bằng đôi tai và bàn tay gõ mà có thể chỉnh âm cho chiêng chính xác đến kinh ngạc. Hiếm và quý đến mức năm nào đó Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phải tổ chức tại Pleiku nguyên một cái liên hoan gặp gỡ những nghệ nhân chỉnh chiêng của 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh lân cận. Ông cũng là người Hmon rất giỏi. Chưa hết, ông còn là nghệ nhân chế tác và biểu diễn nhạc cụ rất tài. Dưới tay ông, đoạn trúc, ống vầu... đều trở thành những klong put, đinh yơng, t’rưng, kní... Cái lá trên cây nó là cái lá, ông ngắt cho vào mồm thì nó thành tiếng lòng nỉ non thánh thót khiến bao nhiêu thiếu nữ xiêu lòng thổn thức, vén sàn nhìn xuống, tim đập râm ran... Tôi có cảm giác ông như một người khổng lồ chứa trong bụng mình nhiều người đàn ông Tây Nguyên tài hoa khác.

Hiện tại thì đang có những nghệ nhân như: Rơ Chăm Tih, Ksor H’Nao (TP. Pleiku)... tiếp nối các bậc tiền bối. Khách du lịch đến Pleiku lâu nay được giới thiệu rất nhiều chỗ thăm thú, ăn uống; rất nhiều người, kể cả người làm du lịch chuyên nghiệp, cố hết sức để thiết kế tour giới thiệu cho khách, trong khi sự hấp dẫn của các nghệ nhân, những “báu vật nhân văn sống” thì lại bị... quên. Cả 2 nghệ nhân Rơ Chăm Tih và Ksor H’Nao đều đang “hành nghề” nghệ nhân để sống và thỏa mãn đam mê. Rơ Chăm Tih thì làm nhạc cụ để bán, nhận học trò để... truyền nghề, Ksor H’Nao thì mở nhà hàng với các món truyền thống dân tộc mình để vừa giữ bản sắc, vừa giới thiệu đặc sản để nuôi mình và gia đình.

Nếu chỉ để các nghệ nhân này tự loay hoay giữa những mâu thuẫn đến khốc liệt giữa kinh tế thị trường và truyền thống dân tộc thì sẽ rất khó. Chợt nhớ trước đây ở Plei Bông, ngay làng của họa sĩ Xu Man ấy, có chị Siu Khang, một nghệ nhân dệt rất đẹp. Chị này dệt xong từng đợt thì... nhảy xe đò đi bán, khắp Tây Nguyên rồi gửi hàng ra cả tận Hà Nội. Hồi ấy, tôi đã gọi chị là người Bahnar đầu tiên tham gia vào đời sống kinh tế thị trường. Và “tham gia” được mấy năm thì chị... mất hút. Thời họa sĩ Xu Man còn sống, mỗi khi lên Pleiku bán vải, chị vẫn thi thoảng gặp tôi. Rồi có lần, chị ghé thăm nhưng lí nhí nói, chị hết tiền về xe vì đi lấy tiền hàng không được. Tôi thồ chị ra bến xe, mua vé cho chị và rồi từ ấy không thấy chị xuất hiện nữa. Ông Xu Man cũng từng trầm trồ: Tiếc quá, đấy là người dệt vải đẹp nhất mà ông từng biết.

“Nghệ nhân là một phần của du lịch, họ là điểm đến của du lịch và cũng chính là nội dung du lịch”-anh bạn tôi, dân phượt chuyên nghiệp, sau khi được tôi dẫn tới Bazan quán nghe/xem chiêng, uống rượu cần ăn gà nướng đã xuýt xoa nói vậy.

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm