Làng du lịch bị lãng quên?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngôi làng được định danh trên bản đồ du lịch của tỉnh từng nhận được rất nhiều kỳ vọng khi mở ra hướng phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương. Tuy nhiên, sau một thời gian dài khai thác không hiệu quả, có những làng đã bị du khách quay lưng. Phải chăng ngành Du lịch đã khai thác chưa đúng hướng đối với tiềm năng sẵn có này?

Hai ngôi làng điển hình từng là niềm tự hào của du lịch Gia Lai gồm làng Ốp (TP. Pleiku) và Đê Ktu (huyện Mang Yang) nhiều năm trước được đầu tư để biến thành những làng văn hóa-du lịch. Điều này đã làm nức lòng người dân với hy vọng khi làng khoác lên mình chiếc áo du lịch, cuộc sống nơi đây sẽ khởi sắc hơn. Tuy nhiên, hiện nay, cả 2 ngôi làng này dường như đang bị lãng quên hoặc chỉ còn là những cái danh hão.

 

Nhà rông làng Ốp trong một lễ hội.      Ảnh: internet
Nhà rông làng Ốp trong một lễ hội. Ảnh: internet

Bà Trương Thị Phương Nga-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Sinh thái Gia Lai, người gắn bó lâu năm với du lịch Gia Lai, tiếc nuối khi cho rằng: “Làng Ốp có nhà rông tuyệt đẹp ngay đầu làng, lại nằm ngay trung tâm thành phố, rất thuận tiện cho khách tham quan. Đây vốn là một điểm nhấn cho du lịch tỉnh, gây ấn tượng ngay cho du khách khi khởi đầu hành trình khám phá Gia Lai nhưng hiện nay dường như bị lãng quên. Chúng tôi nếu có đưa khách tới thì đây cũng chỉ là điểm đến thoáng qua trong hành trình”.

Điều gì đã khiến những ngôi làng bị “thất sủng” đến vậy? Các nhà quản lý lẫn người khai thác du lịch đã phân tích, chỉ ra nhiều nguyên như: người dân chưa được hưởng lợi từ hoạt động du lịch, cơ sở hạ tầng xuống cấp và không được đầu tư, tốc độ đô thị hóa diễn ra quá mạnh mẽ làm biến đổi môi trường, không gian làng... Cần nói thêm rằng, đối với những nhà khai thác du lịch, họ luôn “có mới nới cũ”, khi một làng du lịch nào đó không chiều lòng được “thượng đế”, họ sẽ lập tức tìm kiếm một địa điểm mới.

Chị Nguyễn Thúy Loan (đường Lê Hồng Phong, TP. Pleiku)-người được ví như “trung tâm” kết nối dân du lịch bụi, dân phượt ở khắp mọi miền Tổ quốc khi đến Gia Lai, còn cho rằng: “Làng văn hóa-du lịch không có homestay cho khách lưu trú qua đêm thì khó thành công”. Theo chị Loan, nhiều khách du lịch có nhu cầu ở homestay, đặc biệt là khách Tây, nhưng hiện nay rất khó tìm kiếm loại hình lưu trú này ở Pleiku. Đó là lý do chị mở một homestay ngay đầu đường vào làng Ốp và khá thành công với mô hình này khi đánh trúng nhu cầu lẫn thị hiếu của khách du lịch. Ai mà không thích nghỉ chân ở một ngôi nhà nhỏ xinh xắn, khách tự phục vụ từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, khi cần có thể tản bộ vào làng cách đó chỉ vài bước chân.

Quá trình lưu trú tại đây, du khách cũng vô cùng thích thú khi được trải nghiệm phong vị văn hóa bản địa; chưa kể chủ nhà là người rất am hiểu về đời sống và văn hóa của người dân để giới thiệu với những người bạn phương xa. “Nhưng tiếc là ở các làng văn hóa-du lịch ở ta, chưa có bất cứ nơi nào khai thác loại hình homestay để phục vụ khách. Nếu người dân bắt tay vào làm homestay thì họ mới được hưởng lợi. Khi đó, ý thức làm du lịch, khai thác du lịch mới dần hình thành, được nâng lên và trở nên chuyên nghiệp. Muốn vậy, họ cần được hướng dẫn cách làm”-chị Loan cho biết.

Cùng quan điểm về vấn đề này, bà Trương Thị Phương Nga đề xuất: “Nhà sàn homestay nhỏ xây dựng bên cạnh nhà rông làng Ốp là mô hình rất hay, có thể giao cho người dân làm để phục vụ khách ngủ đêm trong làng. Khách du lịch chọn loại hình lưu trú này vốn không đòi hỏi tiện nghi mà chú trọng vào sự trải nghiệm, nhưng cơ sở vật chất cần đáp ứng nhu cầu tối thiểu của họ”. Ngoài ra, bà Nga cũng cho rằng, nên đặt thêm một số tượng gỗ và hiện vật tại mô hình nhà mồ đã được xây dựng để tạo ra không gian Tây Nguyên đậm đặc hơn, hấp dẫn hơn.

 

Khi được hỏi liệu những làng văn hóa-du lịch có bị xóa sổ trong các tour du lịch hiện nay khi ngày càng vắng khách, những người làm du lịch lâu năm tại Gia Lai đều khẳng định là không. Làng với tất cả những gì vốn có từ xưa đến nay: không gian, kiến trúc, sinh hoạt văn hóa lẫn đời thường… vẫn có sức hấp dẫn với bất kỳ du khách nào khi đến thành phố cao nguyên này, kể cả khách nội địa lẫn khách quốc tế. Vấn đề là làm sao để tăng sức hấp dẫn của làng.

Trước thực trạng vắng khách của các làng văn hóa-du lịch hiện nay, ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch, cho biết: “Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố bảo tồn giá trị kiến trúc, cảnh quan, môi trường cho các ngôi làng là “đích ngắm” của du lịch”. Ông Vũ cũng cho rằng, chính quyền địa phương cần vận động người dân bảo tồn, phát triển các giá trị hiện có chứ không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước. Giám đốc Sở Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định, làng văn hóa-du lịch vẫn là mũi nhọn trong chiến lược phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, trách nhiệm trước hết thuộc về cộng đồng-những chủ nhân của làng. Ngành Du lịch sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, định hướng, đào tạo nguồn nhân lực.

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.