Lãnh đạo Gia Lai khảo sát phát triển du lịch thác Mơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 22-2 (mùng 7 Tết), đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy gồm các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, cùng lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh, huyện Ia Grai và doanh nghiệp đã đến khảo sát phát triển du lịch tại khu vực thác Mơ (xã Ia Khai, huyện Ia Grai).

Khởi đầu hành trình từ Nhà máy Thủy điện Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai), chiếc ca nô của Công ty Phát triển Thủy điện Sê San chở Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang và đoàn công tác du ngoạn trên lòng hồ ngược về hướng thượng nguồn, nơi có dòng thác Mơ tuyệt đẹp. Mặt hồ thủy điện mùa này trong xanh phẳng lặng, trải rộng ra tít tắp. Khung cảnh thiên nhiên 2 bên lòng hồ đẹp như bức tranh thủy mặc, hoang sơ hữu tình. Phía xa xa, thấp thoáng những chiếc vó đánh bắt cá của những ngư dân nằm rải rác trên mặt hồ.

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ phải sang) khảo sát phát triển du lịch tại thác Mơ sáng 22-2. Ảnh: M.N
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ phải sang) khảo sát phát triển du lịch tại thác Mơ sáng 22-2. Ảnh: M.N

Sau gần 1 giờ thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên bằng ca nô, trước mắt đoàn công tác, dòng thác Mơ đã dần hiện ra. Nhìn từ xa, ngọn thác này được chia thành 3 tầng nước, trải dần từ cao xuống thấp rồi đổ ra lòng hồ. Từ dưới chân thác, đoàn công tác lội bộ lên phía trên, nơi ngọn thác cao khoảng 10 m đang ầm ào đổ xuống tung bọt trắng xóa. Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thác Mơ và quan sát địa hình xung quanh, trao đổi với doanh nghiệp cùng đi, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng, để phát triển du lịch tại thác Mơ, doanh nghiệp cần tôn tạo lại một số cảnh quan quanh khu vực nhằm thu hút du khách.

Trước tiên, phải di dời một số tảng đá lớn ngay dưới chân thác ra phía bên ngoài để tạo thành lòng hồ, mở rộng không gian phía trước cho người dân tham quan, chụp ảnh, hoặc có thể đắm mình dưới dòng nước trong mát. Ngoài ra, cần khảo sát, xây dựng nhà hàng nổi ngay trên hồ ở khu vực phía dưới chân thác và một số nhà sàn để khách du lịch lưu trú. Nhằm dự phòng nguồn nước cho thác trong mùa khô, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, cần có hệ thống lấy nước từ dưới lòng hồ (cách đó hơn 100 m) để bổ sung lên thượng nguồn cho thác thêm đẹp và quanh năm đều có nước.

Sau khi vượt dốc và đặt chân trên đỉnh thác, nơi doanh nghiệp dự kiến thu hồi một phần diện tích đất sản xuất của người dân để mở rộng hồ tích nước, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị: Ngoài việc hỗ trợ, đền bù thỏa đáng cho người dân, doanh nghiệp cần quan tâm tạo việc làm cho họ; thành lập đội cồng chiêng và đưa họ vào biểu diễn phục vụ du khách, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững.

Về phía doanh nghiệp tham gia khảo sát, ông Tạ Đình Phúc-Giám đốc Công ty Dược liệu và Phát triển Du lịch Điền An Gia Lai, cho hay: Nếu được tỉnh thông qua dự án phát triển du lịch tại khu vực thác Mơ, đơn vị sẽ biến nơi đây thành điểm du lịch trọng điểm của Gia Lai, là điểm dừng chân lý tưởng của du khách gần xa trong tương lai. Cụ thể, đối với dòng thác Mơ, đơn vị dự kiến thu hồi một phần nhỏ diện tích đất sản xuất của người dân ở phía trên thác để mở rộng diện tích hồ tích nước. “Chúng tôi sẽ biến nơi đây thành hồ sinh thái, đồng thời sẽ khai thác dịch vụ bơi thuyền trên hồ. Tiêu chí của doanh nghiệp là chỉ tôn tạo những cảnh quan sẵn có, cố gắng giữ nguyên nét nguyên sơ mà thiên nhiên đã ban tặng”-ông Phúc khẳng định.

Theo ông Phúc, doanh nghiệp cũng có ý tưởng xây dựng nhà hàng nổi trên sông với các dịch vụ đi kèm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách; tổ chức các đêm giao lưu văn hóa, đánh cồng chiêng, nhảy múa với người dân bản địa. Trong tương lai xa hơn, doanh nghiệp sẽ phối hợp với Công ty Phát triển Thủy điện Sê San tổ chức tuyến ca nô cho du khách du ngoạn trên lòng hồ và tham quan một số điểm như làng chài, các đảo có dân cư sinh sống cũng như một số đảo của Bộ đội Biên phòng nơi đây…

 

Ông Tạ Đình Phúc-Giám đốc Công ty Dược liệu và Phát triển Du lịch Điền An Gia Lai: “Đối với những hộ dân đang canh tác trên diện tích dự kiến đưa vào phát triển du lịch, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để họ làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp. Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương công bố cụ thể kế hoạch phát triển du lịch, vận động người dân đồng tình ủng hộ”.

Về vấn đề này, ông Hồ Trung Đông-Giám đốc Công ty Phát triển Thủy điện Sê San (đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Thủy điện Sê San 4), cho rằng: Khu vực này ở rất xa thân đập nên không ảnh hưởng đến tình trạng an toàn hồ đập, chủ yếu là vấn đề môi trường, đảm bảo chất lượng nguồn nước ở vùng hạ du. Nếu đưa vào khai thác điểm du lịch thác Mơ, đơn vị sẽ phối hợp với Công ty Du lịch đảm bảo tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường.

Với tiềm năng sẵn có mà thiên nhiên ban tặng cùng với sự quan tâm đặc biệt của Thường trực Tỉnh ủy và của nhà đầu tư, hy vọng tuyến du lịch du ngoạn lòng hồ kết hợp chiêm ngưỡng dòng thác Mơ hoang sơ tuyệt đẹp sẽ sớm được hình thành, trở thành điểm nhấn cho ngành du lịch của tỉnh để thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến thưởng ngoạn.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Ngày 13-4, tin từ Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, hiện địa phương đang "chạy đua" để chuẩn bị, giới thiệu các điểm du lịch hấp dẫn sẵn sàng phục vụ, đón tiếp người dân và du khách. Trong đó, tỉnh giới thiệu nhiều điểm đến mới mẻ, hấp dẫn, đậm màu lịch sử...