Làm thế nào phát triển du lịch mua sắm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã có hẳn một “thiên đường du lịch mua sắm” Singapore cho chúng ta học tập. Ở đó, từ thu hút khách du lịch, tới sản phẩm mua sắm hấp dẫn khách, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng được tổ chức rất bài bản và khoa học. Nó làm cho khách du lịch vô cùng thoải mái khi mua hàng và nhận lại tiền hoàn thuế ngay tại sân bay.

Khi chưa có “mô hình” để học tập thì chúng ta đổ tại chưa có mô hình. Còn có mô hình rồi nhưng chúng ta có muốn học không và học như thế nào để phù hợp với thực tế đất nước mình là cả một vấn đề không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Lại còn tâm lý “xem đã, không vội được đâu” khi tiếp thu những mô hình mới tiên tiến đã trở thành một rào cản lớn cho sự phát triển của Việt Nam, trong đó có sự phát triển của du lịch mua sắm.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trên toàn quốc hiện tại vẫn chưa có nơi nào xứng danh là thành phố của du lịch mua sắm. Đơn giản là vì những mặt hàng có thể bán cho du khách thì giá cả không thống nhất, chất lượng càng không đạt chuẩn đồng bộ và quan trọng hơn, các mặt hàng còn đơn điệu về mẫu mã, lại thiếu tính nghệ thuật và ít chịu thay đổi để đáp ứng thị hiếu khách du lịch.

Gia Lai đang phát triển du lịch đặc thù vùng miền và sẽ là điểm du lịch thu hút du khách trong tương lai. Tuy nhiên, Gia Lai đã làm gì để có thể “phục vụ tận tình du khách”, nhất là phục vụ mua sắm cho du khách? Ngay cả TP. Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch của cả nước, mà mọi con đường mua sắm đều dẫn tới chợ Bến Thành thì cái sự đơn điệu chưa nói người ta đã thấy khá rõ.

Tuy vậy, Gia Lai có lợi thế riêng của mình. Những sản phẩm đặc thù của cao nguyên, những hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là thổ cẩm hay sản phẩm đan lát của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh hoàn toàn có thể trở thành mặt hàng hấp dẫn du khách. Vấn đề là ai tổ chức, từ khâu sản xuất tới khâu giới thiệu sản phẩm và cuối cùng là những điểm mua sắm có thể đón du khách vừa mua sắm và thưởng thức ẩm thực đặc sản của cao nguyên?

Thêm một điều nữa, phải xem những điểm du lịch lớn ở Tây Nguyên như Đak Lak hay Đà Lạt đã giới thiệu những mặt hàng du lịch gì, thì mình phải tránh không “đụng hàng” hoặc là cùng mặt hàng nhưng phải có sự khác biệt. Chính sự khác biệt sẽ làm nên sự thu hút, dù là du lịch hay mua sắm.

Ngay những hàng lưu niệm đơn giản, nhưng nếu mình biết tạo những mẫu mã khác biệt, sáng tạo về hình thức thì du khách vẫn thích mua. Làm hàng du lịch cho du khách là cả một văn hóa tinh tế và nhạy bén. Lại phải bám sát vào đặc tính dân tộc, đặc tính vùng miền, vì những cái đó tạo nên một cái nền khác biệt. Đây là lĩnh vực rất rộng rãi dành cho sự sáng tạo, và doanh nghiệp nào phát huy được sức sáng tạo, lại dựa hẳn vào nền tảng văn hóa dân tộc, doanh nghiệp ấy sẽ giành được khách du lịch, cả khách quốc tế và trong nước.  

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.