Cao nguyên mùa đông và ​tinh thần người lãng du

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đà Lạt 11 độ, Pleiku 12 độ, Sa Pa 10 độ... Buổi sáng Sài Gòn đã se se lạnh mà ngó qua tin báo thời tiết ở mấy miền cao, sao vẫn thấy cồn cào thèm những chuyến lang thang.
 Đà Lạt - Ảnh: Thuần Võ
Đà Lạt - Ảnh: Thuần Võ
Rồi ngồi nhớ mông lung những dặm đường rong ruổi tuổi trẻ. Thuở rong ruổi có mục đích và cả rong ruổi không mục đích gì; thời đi chỉ để mà đi, để chỉ đơn giản là thỏa mãn cảm giác được đi.
Phải là mùa này. Cái lạnh khiến lòng trí róng riết muốn bứt lìa những thường nhật quen thuộc quẩn quanh, để được buông chảy tự do như mây bay trong dòng lưu chuyển của khí trời.
Đọc sách, thấy tuổi trẻ của thi hào Matsuo Basho cũng vậy, cả tuổi xuân ông bị cuốn vào những cuộc chu du khám phá thiên nhiên, cuộc sống và xa hơn là không ngừng dò tìm những lối hẹp vào chiều sâu tâm thức.
Những chuyến độc hành của Basho luôn có sự réo gọi bí mật, không kém hứng khởi rộn ràng: “Ta coi đời mình cũng chỉ là một chuyến đi. Chẳng biết từ dạo nào, khi nhìn đám mây trôi dạt theo làn gió mời mọc, bỗng chạnh lòng viễn phương...”. (Con đường hẹp vào chiều sâu tâm thức, Basho, Nguyễn Nam Trân dịch).
Cái tâm tình chạnh lòng viễn phương ấy của những cư dân trẻ nơi đô thị xứ đồng bằng xứ nhiệt đới vào mùa đông là một nỗi khát miền cao, nỗi khát được ném mình vào giá buốt và trôi tự do như những đám mây trong khí trời ôn hòa.
Những dặm đường, đồi núi đầy cỏ hoa cũng giúp những chuyến hành trình thêm ý vị. Để rồi mọi cuộc lang thang, dù chẳng có mục đích hay kịch bản nào, cho cùng cũng đều mang một ẩn ngữ của sự kiếm tìm - kiếm tìm những giải pháp tinh thần cho thực tại quẩn quanh, kiếm tìm một cái nhìn sáng sủa cho một chọn lựa, hay chí ít kiếm tìm một hơi ấm từ nội tâm để nhìn cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Cùng đích của những trải nghiệm tự nhiên, thời tiết, địa lý, chinh phục có lẽ cũng không ngoài kiến tạo, tu sửa ba chiều kích tinh thần: hướng tha, hướng nội và hướng thượng trong mỗi người.
 Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí
Cao nguyên mùa đông cung cấp cái lạnh lẽo đầy quyến rũ, mang đến những mùa hoa và dựng nên cả những cao độ địa hình, phóng chiếu cái chênh vênh, chập chùng của tinh thần tuổi trẻ.
Cao nguyên mùa đông nhạy cảm như thể soi vào đâu cũng tìm thấy cõi miền tinh thần người lãng du. Vì vậy mà có sức gây nghiện lạ lùng lắm.
Trên đường về cao nguyên mùa này, tôi đã gặp những cô gái, chàng trai lầm lũi. Họ không phượt, không nhoay nhoáy check-in, không nhốn nháo bè nhóm, thậm chí không kết nối... chỉ đơn giản là được một mình tư lự trước cảnh sắc một đồng cỏ buổi sáng, ngồi trước vách núi ngắm sương chiều hay rúc vào một góc quán tịnh mặc, chậm rãi đọc những trang cuối một cuốn sách mà có khi suốt một năm bận rộn họ chưa thể đọc xong.
Họ kiệm lời và đi đứng lặng lẽ, không quá lạnh lùng, nhưng chẳng vồn vã quá với điều gì. Thế giới của một cuộc đi rong có khi chỉ đầy ý vị như vậy. Hành trình của họ trầm lặng mà không hề cô đơn, bởi người du hành đã khơi dậy được hơi ấm từ nội tâm.
Cái lạnh se sắt thịt da, cái lạnh như muốn xô dạt những bước chân lang thang nhưng trên những con đường khuya, tôi vẫn gặp họ, gặp lại tôi của ngày trẻ tuổi thao thức và biết nâng niu những thao thức của riêng mình.
Cho dù điều ấy chẳng để làm gì, mãi về sau cũng không tạo kết một giá trị nào cả, nhưng chí ít là tạo ra một thói quen, một nỗi khát khao được đắm mình trong tĩnh lặng để ngắm nhìn đời sống và bản thân.
Thèm lạnh, thèm một cao điểm để đối diện trong tịch mịch để hài hòa với thiên nhiên, cảnh sắc, cây cỏ là cách dắt díu ta bước ra khỏi những độ cao chênh vênh khác giữa trùng vây đô thị.
Còn giờ đây, khi bạn đọc những dòng này, có thể trên bancông ngôi nhà trong lòng hẻm nhỏ Sài Gòn, có một kẻ không còn trẻ nữa đang ngồi chăm chút chậu trạng nguyên, rồi ngắm nghía màu lá đỏ rực và tưởng niệm những mùa đông ngang dọc sương khói sau lưng.
Những đám mây của ngày hôm qua đã bay về đâu trong một mùa đông khác, thời gian khác của cuộc đời?
Nguyễn Vĩnh Nguyên (TTO)

Có thể bạn quan tâm