Làng gốm Thanh Hà phố cổ Hội An - Điểm đến hoài cổ mê lòng du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn thơ mộng, thuộc xã Cẩm Hà (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) cách khu phố cổ khoảng 2 km về hướng Tây. Làng được hình thành từ cuối thế kỷ XV và phát triển mạnh cùng với cảng thị Hội An.

Sản phẩm được làm bằng những kỹ thuật thủ công khéo léo của nghệ nhân làng gốm Thanh Hà. Ảnh: Anh Tùng
Sản phẩm được làm bằng những kỹ thuật thủ công khéo léo của nghệ nhân làng gốm Thanh Hà. Ảnh: Anh Tùng

Tương truyền rằng, vào thế kỷ XV, những người thợ thủ công từ Thanh Hoá vào Thanh Hà lập làng, tạo nên nghề gốm và truyền lại cho đến ngày nay. Dưới triều Nguyễn, làng gốm Thanh Hà rất thịnh vượng. Gốm Thanh Hà từng được sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi danh là "thổ sản quốc gia"; làng gốm Thanh Hà  cũng từng là nơi cung cấp ngói lợp, gạch lát nền cho các ngôi nhà cổ ở Hội An và những khu vực lân cận. Cùng làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Cẩm Kim, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà tạo thành một vành đai làng nghề bao quanh đô thị cổ Hội An-Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận.

 

Ảnh: Anh Tùng
Ảnh: Anh Tùng
Sản phẩm được tạo dáng và phơi nắng như những bức tranh hoài cổ. Ảnh: Anh Tùng
Sản phẩm được tạo dáng và phơi nắng như những bức tranh hoài cổ. Ảnh: Anh Tùng

Sản phẩm gốm Thanh Hà chủ yếu là gốm sành nâu, thỉnh thoảng có gốm tráng men, được làm từ nguồn nguyên liệu chính là đất sét qua bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân và kỹ thuật truyền thống của làng nghề. Chính vì thế làng gốm Thanh Hà không chỉ nổi tiếng với những sản phẩm gốm đất nung bền đẹp mà còn trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về nghề gốm cổ truyền của Việt Nam nói riêng cũng như của vùng Đông Nam Á nói chung.

 

Kiểm tra sản phẩm trước khi đưa vào lò nung. Ảnh: Anh Tùng
Kiểm tra sản phẩm trước khi đưa vào lò nung. Ảnh: Anh Tùng

Đến thăm làng gốm Thanh Hà, ngoài việc thỏa sức lựa chọn các sản phẩm lưu niệm bằng gốm, du khách còn được tận mắt chứng kiến những thao tác điêu luyện từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Qua bàn tay của những người thợ lành nghề, có kỹ thuật cao, những viên đất sét vô hồn bỗng chốc hóa thân thành những tác phẩm tuyệt vời. Quy trình làm gốm của Thanh Hà cũng rất khắc khe. Ban đầu, đất sét phải loại bỏ tạp chất rất kỹ rồi được nhồi cho thật đều, thật mịn. Tiếp theo, đất sét được đưa lên bàn xoay để tạo dáng sản phẩm gọi là “chuốt” gốm. Đây là khâu khó nhất của quy trình làm gốm và chỉ có người thợ nhiều kinh nghiệm, lành nghề cao mới có khả năng đảm nhiệm. Sau khi hoàn thiện các khâu chỉnh sửa sản phẩm, các tác phẩm sẽ được phơi khô rồi đưa vào lò nung. Nếu tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn đưa ra, sản phẩm khi ra lò sẽ có màu đặc trưng của gốm Thanh Hà là màu gạch đỏ.

 

Lò nung thô sơ nhưng hiệu quả, cho ra đời những sản phẩm gốm độc đáo. Ảnh: Anh Tùng
Lò nung thô sơ nhưng hiệu quả, cho ra đời những sản phẩm gốm độc đáo. Ảnh: Anh Tùng

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, làng gốm Thanh Hà có lúc tưởng chừng rơi vào lãng quên. Thế nhưng, với tâm huyết của một số nghệ nhân, gốm Thanh Hà đang dần được phục hồi. Từ đôi tay khéo léo và điêu luyện của các nghệ nhân trong làng, những sản phẩm từ đất nung như bình vôi, bình rượu, ấm, chum, vại và cả những con vật gần gũi, thân thương hằng ngày được ra lò, không những tạo ra những sản phẩm độc đáo mà còn làm nên một điểm đến du lịch hấp dẫn, níu chân du khách mỗi khi đến Hội An.

Anh Tùng-Phi Long

Có thể bạn quan tâm

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Ngày 13-4, tin từ Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, hiện địa phương đang "chạy đua" để chuẩn bị, giới thiệu các điểm du lịch hấp dẫn sẵn sàng phục vụ, đón tiếp người dân và du khách. Trong đó, tỉnh giới thiệu nhiều điểm đến mới mẻ, hấp dẫn, đậm màu lịch sử...