Sổ tay: Khi dân làng biển làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa tháng 6 này, tôi có một chuyến du lịch ngắn về xã đảo Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), ra thăm thắng cảnh Kỳ Co. Tôi gốc Bình Định và suốt thời gian còn trẻ đã ở Quy Nhơn nhưng đây mới là lần đầu tiên ra xã đảo này. Gọi xã đảo nghe hơi là lạ bởi từ trung tâm thành phố đi ô tô chỉ mất chừng 30 phút qua cầu Nhơn Hội rồi ngang qua khu FLC rẽ phải tiếp tục đi nữa là đã đến Nhơn Lý. Ngày trước, khi tỉnh này chưa đầu tư xây cầu Nhơn Hội thì phải mất một buổi ngồi ghe thuyền vòng qua mũi Phương Mai mới ra đảo được. Bây giờ thì không chỉ Nhơn Lý mà xã bạn Nhơn Hải cũng qua cầu vèo cái là đến!
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đầu những năm 70 thế kỷ trước, Nhơn Lý là xã Phước Lý, cùng với Phước Hải (Nhơn Hải bây giờ) đều thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; Cù lao Xanh là Phước Châu (giờ là xã Nhơn Châu thuộc TP. Quy Nhơn). Ngày ấy chẳng ai biết Kỳ Co là gì nhưng nay thì khác! Buổi sáng hôm chúng tôi đến đây, chứng kiến hàng mấy chục xe ô tô lớn nhỏ đủ các loại biển số từ Gia Lai, Đà Nẵng đến TP. Hồ Chí Minh chở khách đến Nhơn Lý. Cái xã nhỏ nằm bên kia núi, trước kia không ai biết, không ai lui tới, người dân quanh năm sống bằng nghề đi biển, vá lưới, câu mực đêm… nhưng giờ gần như được cả nước biết đến, tất cả đều nhờ vào Kỳ Co!

Muốn ra Kỳ Co phải qua Nhơn Lý. Tại đây đã hình thành một tour du lịch khép kín. Từ bãi biển, du khách lên ca nô chạy ra Kỳ Co khoảng 15-20 phút. Bãi biển Kỳ Co đẹp hoang sơ, nước trong xanh, bãi cát vàng, mềm, sạch, giống như bãi biển đảo san hô Coran ở Pataya (Thái Lan). Trên đường trở về, du khách có thể dừng chân lên tham quan các ngôi nhà chênh vênh bên sườn núi đá của người dân làm nghề lấy tổ yến, dừng lại Bãi Dứa lặn biển ngắm san hô rồi về lại Nhơn Lý thưởng thức các món hải sản tươi, ngọt do chính những người dân làng biển ở đây nấu nướng, chế biến. Một suất như vậy từ 300 ngàn đồng đến 350 ngàn đồng. Mỗi ngày đón tiếp đến hàng ngàn du khách, bạn có thể nhân lên và nhẩm tính khoản thu từ du lịch ở đây, chưa kể nguồn thu nhập từ việc bán các loại đặc sản của địa phương như cá khô, mực khô, vỏ ốc…

Còn nhiều điều kỳ diệu khác mà trong phạm vi một bài báo không thể kể hết, nhưng có thể nói rằng tất cả mọi đổi thay từ cảnh quan, đời sống đến văn hóa… đều phát xuất từ khi Quy Nhơn hoàn thành và đưa vào sử dụng cây cầu Nhơn Hội bắc qua đầm Thị Nại. Đây không chỉ là cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á mà hơn thế nữa, cây cầu đã làm thay đổi cuộc sống của hàng vạn người dân 2 xã đảo Nhơn Lý, Nhơn Hải và đánh thức một vùng cát nóng ngàn năm nằm im lìm bên này rặng Phương Mai trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn.

Từ Kỳ Co bất chợt tôi liên tưởng một số thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng ở Gia Lai như: hồ Ayun Hạ và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Hồ Ayun Hạ là công trình ngăn sông Ayun giữ nước lại thành khu hồ chứa rộng 37 km2, dung tích 253 triệu m3, chiều dài hồ đến 25 km uốn mình qua những dãy núi xanh biếc và nhiều buôn làng. Vùng hồ có nhiều di tích lịch sử-văn hóa nên đây là nơi có thể phát triển mạnh du lịch nghỉ dưỡng, mạo hiểm… Nếu tổ chức tour du lịch xuất phát từ Pleiku, du khách có thể ngồi trên thuyền thưởng ngoạn cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc, ghé lại các đảo bên hồ thưởng thức đặc sản của hồ như: cá trôi, cá mè, cá thác lác… Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng có rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên nguyên sơ và hệ động-thực vật phong phú, cực kỳ quý hiếm. Các danh thắng này chỉ cách trung tâm TP. Pleiku không quá 70 km, có thể đi và về trong ngày rất thuận tiện cho việc tổ chức các tour du lịch ngắn như Kỳ Co của Quy Nhơn. Nếu được quan tâm đầu tư, tăng cường quảng bá thì sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương, đồng thời đáp ứng được nhu cầu du lịch của du khách trong và ngoài tỉnh.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm