Khai mở tour du lịch phía Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những chuyến vượt rừng của dân du lịch “bụi” lẫn người dân vào ghềnh thác, sông suối ẩn mình giữa rừng già Kbang gần đây cho thấy xu hướng du lịch khám phá, trải nghiệm đang “lên ngôi”.

Nằm trong cung đường du lịch phía Đông tỉnh còn có hàng loạt di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học như: Làng kháng chiến Stơr, di chỉ khảo cổ học An Khê, cụm Di tích Lịch sử-Văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ... Khai mở du lịch Đông Trường Sơn hiện là đích ngắm trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh với các hoạt động kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, mở tour, tuyến mới.

Ghềnh thác giữa rừng già

Sáng sớm chúng tôi còn ngồi trao đổi về hành trình vượt thác ghềnh bên bàn cà phê ở Pleiku, vậy mà giữa trưa đã có mặt dưới chân ngọn thác được xem là cao nhất trong hệ thống thác ghềnh ở huyện Kbang: thác Đak Bok. Nói như vậy để thấy khoảng cách địa lý từ Phố núi về huyện xa xôi nhất tỉnh không còn là vấn đề nếu bạn có ý muốn làm một chuyến thám du rừng già, khám phá sự quyến rũ kỳ bí bên trong những cánh rừng nguyên sinh.

 

Những cung đường rừng mang đến trải nghiệm thú vị cho khách du lịch.                    Ảnh: H.N
Những cung đường rừng mang đến trải nghiệm thú vị cho khách du lịch. Ảnh: H.N

Chúng tôi đến thượng nguồn thác Đak Bok trước khi vượt rừng thêm 45 phút nữa để vào đến chân ngọn thác có độ cao trên 80 mét này. Thác nằm trên địa phận làng Đất Đỏ, xã Krong. Ở phía thượng nguồn, nước chảy róc rách len qua những phiến đá dưới tán cây. Không phải mùa thu mà lá vàng rơi ngập lối. Có lẽ lìa cành giữa môi trường giàu độ ẩm của hơi nước mà chúng hắt lên màu vàng tươi óng ánh như được tái sinh lần nữa. Những thân cây chết đổ xuống dòng nước đã mọc những thảm rêu xanh rì. Để xuống chân thác, chúng tôi phải đi bộ theo con đường mòn khác, lọt thỏm giữa rừng già. Thác có độ cao khá ngợp, dải nước hẹp, như một đường băng trắng xóa. Người địa phương gọi đây là thác “đực” để so sánh với những thác nước “cái” có dòng chảy phân thành dải rộng và độ cao vừa phải. Cổ thụ mọc quanh chân thác cùng với hơi nước mát lạnh khiến người ta như quên mất khái niệm thời gian.

Từ thác Đak Bok ngược về trung tâm xã Krong, đi thêm 6 km tới khu di tích lịch sử kháng chiến khu 10, chúng tôi để xe lại rồi tiếp tục vượt rừng tới một thác nước khác, thác H’Lân. Chỉ có con đường mòn duy nhất giữa rừng núi. Thác nước này không có gì đặc biệt nhưng chính đường vào chân ngọn thác lại là một trải nghiệm thú vị. Cứ theo đường mòn nhỏ xuyên qua những tán cổ thụ, qua suối mát, qua rừng lồ ô, qua rẫy mì, qua nhà đầm chênh vênh... là tới thác. Khung cảnh hùng vĩ, lãng mạn tràn ngập một màu xanh trong trẻo của rừng thiêng chậm trôi qua từng bước chân đẫm mồ hôi của những kẻ bộ hành.

Hẳn đây là một chuyến đi tham lam khi chúng tôi còn tới thác Hang Dơi-cách trung tâm huyện Kbang 6 km và suối Bà Thơ-nằm trên đoạn đường từ ngã ba đường Trường Sơn Đông đi xã Đak Smar và Krong. Đây là những điểm đến có đường đi khá thuận lợi, cảnh quan thơ mộng. “So với thác 50 nằm sâu trong lõi rừng già, đi lại khó khăn và liên quan nhiều vấn đề đến Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, đây đều là những điểm đến khá thuận lợi, có thể khai thác du lịch ngay nếu có doanh nghiệp đầu tư, mở tour”-ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nói.

Cung đường du lịch phía Đông

So với các địa phương ở khu vực phía Đông tỉnh, Kbang được thiên nhiên ban phóng cho di sản tự nhiên khổng lồ với hệ thống sông suối, ghềnh thác dày đặc, rừng nguyên sinh cùng hệ động-thực vật vô cùng phong phú. Đây là những lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghiên cứu khoa học. Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Chúng tôi đã đưa những lợi thế này vào quy hoạch phát triển du lịch của huyện, xem đây là mũi nhọn trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, cần những nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh mới có thể giúp địa phương hiện thực hóa quy hoạch này”. Theo ông Dũng, khai thác những lợi thế, tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch nhưng huyện sẽ không đánh đổi, phát triển ồ ạt, bằng mọi giá để tránh phá vỡ, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Vì vậy, cần những nhà đầu tư có tâm và có tầm, đầu tư khai thác du lịch nhưng vẫn phải giữ được rừng, giữ được sự phong phú nguyên sinh vốn có mới mong phát triển bền vững.

 

Thác Đak Bok. Ảnh. Võ Thanh Thảo
Thác Đak Bok. Ảnh. Võ Thanh Thảo
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Lâu nay, các doanh nghiệp lữ hành mới chỉ chú trọng khai thác du lịch phía Tây tỉnh với các điểm đến như: Biển Hồ, chùa Bửu Minh, núi lửa Chư Đăng Ya, thủy điện Ia Ly mà thờ ơ với các điểm đến phía Đông. Đã đến lúc thay đổi cách nhìn về làm du lịch, mở ra trang mới cho du lịch địa phương, bởi các điểm đến trong cung đường du lịch phía Đông hiện đang được chú ý không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế”.

Như vậy, khai mở hướng du lịch về vùng phía Đông tỉnh không còn là câu chuyện trên bàn giấy bởi chỉ cần điểm qua những thế mạnh của cung đường du lịch này đủ khiến người ta phải giật mình bởi lâu nay doanh nghiệp du lịch có vẻ thờ ơ trước di sản tự nhiên, địa chất hiếm quý nơi đây. Nếu Kbang hội tụ đầy đủ yếu tố thuận lợi để mở những tour du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử thì An Khê đang là điểm đến đáng chú ý không chỉ trong nước mà của quốc tế với những phát hiện chấn động về khảo cổ học, về những trang sử cổ xưa nhất của loài người vừa được phát hiện. Cùng với di sản tự nhiên ở phía Đông tỉnh là hàng loạt các di tích lịch sử, văn hóa như Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ, Làng kháng chiến Stơr, Cụm Di tích Tây Sơn Thượng đạo sẽ là một sự kết nối để cùng lúc du khách có thể hưởng thụ nhiều giá trị trên một vùng đất. Khách du lịch có thể thưởng ngoạn cung đường du lịch này từ hai hướng đều rất thuận lợi, hoặc từ TP. Pleiku xuôi về hoặc từ thành phố biển Quy Nhơn ngược lên với khoảng cách tương đương.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm