Ayun Hạ Hồ trên núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với diện tích mặt nước lên đến 37 km2 được bao bọc bởi những dãy núi trập trùng, hồ thủy lợi Ayun Hạ từ lâu đã là điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên.

Tháng tư, trời Gia Lai nắng đến khô khốc mặt người. Từ TP. Pleiku, tôi và một người bạn xuôi theo đường 14 về Chư Sê rồi rẽ qua quốc lộ 25 để đến hồ thủy lợi Ayun Hạ. Mục đích là đi “đổi gió”, nhưng càng đi, không khí càng nóng, nóng đến nỗi tưởng như ai đó đang vốc lửa hắt vào mặt mình. Qua đèo Chư Sê chừng vài trăm mét thì đến đường rẽ vào hồ, hai bên là hàng xà cừ rợp bóng nằm song song với dòng kênh chính ăm ắp nước đang miệt mài đổ về tưới mát cho các cánh đồng của huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa.

 

Ảnh: Thùy Chi
Ảnh: Thùy Chi

Xe lên đến bờ đập chính, hơi nước từ mặt hồ bốc lên khiến không khí tự nhiên như dịu lại. Trước mắt chúng tôi, hồ thủy lợi Ayun Hạ hiện ra như một viên ngọc bích khổng lồ nằm giữa vòng tay ôm của hai dãy núi sừng sững. Quả đúng như lời một anh bạn “thổ địa” Phú Thiện, mùa khô là lúc mặt hồ Ayun Hạ đẹp nhất trong năm. Thời điểm này, hồ tuy có hơi cạn nhưng bù lại, nước hồ xanh trong thăm thẳm đến nao lòng. Thả cái nhìn mê đắm xuống lòng hồ, bất giác tôi nhớ đến những câu hát trong bài “Hồ trên núi” của nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Ai đắp đập/Ai phá núi/Cho hồ nước đầy là mặt gương soi/Non xanh là nước biếc…”.  Đó là hồ Cấm Sơn (Bắc Giang), nơi đã gợi cảm hứng cho nhạc sĩ sáng tác bài hát này. Nhưng những câu hát ấy, nếu ai đó cất lên giữa lòng hồ Ayun Hạ thì cũng chẳng hề khiên cưỡng.

Nhìn đoạn mặt hồ ngay thân đập chính rộng đâu chừng đôi ba trăm mét tưởng đã thấy mênh mông rợn ngợp, kỳ thực, đây lại là đoạn nhỏ hẹp nhất của lòng hồ Ayun Hạ. Bởi lẽ, nhìn trên bản đồ, hồ Ayun Hạ giống như một con bọ cạp khổng lồ đang giơ cặp càng ra phía trước, đấy là phía thượng nguồn của dòng sông Ayun hiền hòa nằm mãi tận huyện Mang Yang. Còn phần thân con bọ cạp phình ra thì trải dài từ huyện Mang Yang qua huyện Chư Sê. Khi sông Ayun đổ về đến xã Chư A Thai của huyện Phú Thiện và bị chặn lại bởi con đập khổng lồ chắn ngang hai dãy núi, đoạn này giống như cái đuôi ngoe nguẩy hất lên của con bọ cạp.

Sau một lúc dừng chân trên thân đập chính thả hồn xuống lòng hồ Ayun Hạ và chụp vài kiểu ảnh lưu niệm, chúng tôi quay xe ghé vào trụ sở Xí nghiệp Thủy nông đầu mối-Kênh chính Ayun Hạ nằm cách đó vài chục mét. Ngồi trò chuyện với ông Đinh Văn Ân-Giám đốc Xí nghiệp-mà chúng tôi có cảm giác như đang được dắt lên thuyền du ngoạn lòng hồ. Ông Ân cho biết, diện tích lòng hồ Ayun Hạ lên đến 37 km2 với dung tích hữu ích khoảng 253 triệu m3 nước. Hồ có chiều dài hơn 20 km, nơi rộng nhất hơn 2 km. “Nếu đi ca nô với tốc độ cao thì phải mất 1 ngày mới hết viền lòng hồ. Còn đi từ đập chính lên đến đầu nguồn cũng phải mất 2 tiếng”-ông Ân nói.

Hỏi về chuyện khai thác du lịch ở hồ Ayun Hạ, ông Ân bảo, khu vực lòng hồ có khá nhiều điểm hoang sơ để du khách dừng chân khám phá như: đảo cô đơn, trại bò, suối lim… Tiếc rằng, hiện nay, những nơi này đều chưa được đầu tư dịch vụ gì. Thành thư Xí nghiệp chỉ có mỗi dịch vụ du thuyền, ca nô chở khách khám phá lòng hồ, xem ngư dân đánh bắt cá. Đi ca nô thì giá vé là 80 ngàn đồng/khách trong thời gian khoảng 30-40 phút; đi thuyền thì 60 ngàn đồng/khách trong 2 giờ. Nếu du khách muốn ở lại nơi nào thì hẹn giờ để thuyền/ca nô đến đón. Vậy nhưng, theo ông Ân, cả năm 2016 khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ chỉ đón chừng 7 ngàn lượt khách tham quan, chủ yếu là khách trong tỉnh đến vào dịp lễ, Tết. Một con số quá buồn cho một địa chỉ du lịch hấp dẫn và đầy tiềm năng!

Thùy Chi

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.