Giải pháp nào thu hút khách du lịch quốc tế?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù tỉnh ta có rất nhiều tiềm năng về du lịch nhưng do sự kém đa dạng về sản phẩm du lịch, sự xuống cấp của các điểm du lịch, đầu tư không tương xứng… đã khiến cho việc thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế vô cùng khó khăn.

Kể từ năm 2008, khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13 về phát triển du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, du lịch tỉnh ta bắt đầu có những bước chuyển mình. Nghị quyết đã xây dựng những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện hiệu quả nhằm phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào đầu tư các hạng mục, tạo nên diện mạo mới cho du lịch tỉnh nhà, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách. Thế nhưng, sau gần 10 năm du lịch tỉnh ta vẫn phát triển chưa thật sự xứng tầm và không như kỳ vọng, lượng khách nội địa và quốc tế hàng năm không tăng đáng kể, thậm chí khách nước ngoài còn sụt giảm.

 

Bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên-một trong những điểm nhấn thu hút khách quốc tế.   Ảnh: Hùng Hoa Lư
Bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên-một trong những điểm nhấn thu hút khách quốc tế. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Nhìn chung, du lịch Gia Lai vẫn chưa có nhiều điểm nổi bật đủ để thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế. Việc đầu tư du lịch chưa tương xứng với tiềm năng; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách, nhất là du khách quốc tế; thiếu các loại hình dịch vụ chất lượng cao như khu vui chơi hiện đại, khu giải trí cao cấp, hệ thống các cửa hiệu mua sắm... chất lượng cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn hạn chế. Ngoài ra, hoạt động trùng tu, tôn tạo, giữ gìn, duy trì hoạt động cho các điểm du lịch, đặc biệt là các làng mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa không được chú trọng, ngày càng xuống cấp và bị “Kinh hóa”, không còn sức hấp dẫn đối với du khách. Bà Nguyễn Thị Thúy Lan-Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Lữ hành Gia Lai (đường Lý Tự Trọng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Lượng khách quốc tế đến du lịch tại Gia Lai thật sự rất ít. Năm 2016, Công ty tôi dẫn đoàn cho khách quốc tế chỉ khoảng 100 người. Các làng du lịch trong tỉnh đã xuống cấp, không được tôn tạo thường xuyên. Bên cạnh đó sản phẩm du lịch kém đa dạng khiến cho du khách nước ngoài chỉ ghé qua nhìn ngắm trong chốc lát nhưng không để lại ấn tượng gì nhiều. Chúng tôi vẫn thường cố gắng níu chân du khách quốc tế bằng cách ghé vào một vài điểm du lịch của Gia Lai trên hành trình kết nối tour lên Kon Tum hay Đak Lak, song dường như không mấy hiệu quả”.

Cùng ý kiến, ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Cao Nguyên Việt (đường Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) cho hay: “Khách quốc tế đến Gia Lai vẫn còn rất hạn chế. Những điểm du lịch về làng thì ngày càng mất đi vẻ hoang sơ, nhiều nét văn hóa bị mai một. Các dòng sông, thác thì bị chặn dòng… không còn sức hấp dẫn. Quan trọng nhất chính là tính cạnh tranh. Vì du lịch tỉnh ta có nhiều nét tương đồng với du lịch của các tỉnh lân cận song sản phẩm du lịch không độc đáo, đa dạng bằng, thậm chí có phần đơn điệu nên du khách chỉ dừng chân ở Gia Lai trong thời gian rất ngắn”.

 

Khánh quốc tế tại một điểm đến ở xã Đak Taley, huyện Mang Yang. Ảnh: Như Nguyện
Khánh quốc tế tại một điểm đến ở xã Đak Taley, huyện Mang Yang. Ảnh: Như Nguyện

Vẫn còn nhiều lý do khác khiến cho khách ngoại quốc chưa mặn mà với du lịch Gia Lai như công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; các hoạt động quảng bá chưa thường xuyên, chưa phong phú về hình thức; công tác thông tin du lịch chưa được chú trọng; cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông đến các điểm du lịch ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách, các điểm du lịch nằm rải rác, tách rời; trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ của lực lượng lao động trong ngành du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch… “Để có thể phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, tỉnh cần phải đẩy mạnh đầu tư xây dựng, hình thành các điểm du lịch với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù, có điểm nhấn. Tiếp theo quan trọng không kém là công tác quảng bá, tuyên truyền cần phải thay đổi, hiện đại, bắt kịp xu hướng để có thể giới thiệu các điểm du lịch đến với nhiều du khách hơn…”-ông Hà Trọng Hải nêu quan điểm.

Phương Linh

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, lượng khách quốc tế đến Gia Lai năm 2011 là 8.755 lượt, nhưng đến năm 2015 thì giảm xuống còn 7.428 lượt. Con số này chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng lượng khách quốc tế đến Tây Nguyên, chỉ khoảng 4,16% (năm 2011) và 1,69% (năm 2015). Trong giai đoạn 2011-2015 du lịch Gia Lai chưa thu hút được nhiều khách quốc tế, tỷ trọng khách quốc tế chiếm bình quân 4,7% so với tổng lượt khách đến tỉnh mỗi năm.  Trong tổng số khách du lịch quốc tế đến Gia Lai thì khách du lịch châu Âu chiếm phần nhiều hơn, phân theo thứ tự ưu tiên: khách Pháp chiếm 17,16%, Campuchia 16,2%, Trung Quốc 11,44%, Mỹ 7,36%, Úc 4,22%, các nước ASEAN 10,94%...

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.