Đầu tư phát triển du lịch và bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 14-2, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn tỉnh quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch

Trên cơ sở 4 nội dung được đề cập trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị, phát biểu quán triệt việc triển khai tinh thần nghị quyết này tại tỉnh ta, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/ TU  ngày 26-8-2008 về phát triển du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại. Đến nay, toàn tỉnh có 78 cơ sở lưu trú, với 1.985 buồng, số khách sạn 1-4 sao chiếm 68% tổng số cơ sở lưu trú. Có 10 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 5 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 5 doanh nghiệp nội địa. Trong năm 2016, tổng lượt khách đến Gia Lai đạt 254.000 lượt, tăng 20% so với năm 2015, đạt 108% so với kế hoạch. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 205 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2015, đạt 103% so với kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 19 tỷ đồng, tăng 12%. 

 

Thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Phan Nguyên
Thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Phan Nguyên

Mặc dù vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển du lịch chưa có sự quyết tâm cao để huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc. Các cơ quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về phát triển du lịch còn hạn chế, bị động, chưa có sự sáng tạo, đột phá. Đầu tư du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm du lịch còn nghèo, chưa có sức hấp dẫn du khách. Thị trường chưa được mở rộng, đặc biệt là thị trường khách du lịch quốc tế. Hoạt động lữ hành còn yếu, công tác quảng bá xúc tiến du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển du lịch chưa thật sự hấp dẫn, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch, trong năm 2016, tỉnh đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, tỉnh phát huy tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, môi trường, lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa… đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng để khai thác tổ chức các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử… tạo điều kiện để các doanh nghiệp và thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Đa dạng hóa thị trường và sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch Gia Lai trong mối quan hệ liên kết vùng, khu vực. Phát triển du lịch gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội…

Trong thời gian tới, tỉnh cần kiện toàn và đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển du lịch; có giải pháp về vốn, xúc tiến tuyên truyền quảng bá du lịch, phát triển thị trường; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động du lịch; bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế…

Triển khai quyết liệt công tác quản ly, bảo vệ rừng

Đề cập đến Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhận xét: Tại Gia Lai, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tình trạng lấn, phá rừng khai thác mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra. Nguy cơ cháy rừng vẫn còn cao, công tác phát triển rừng chưa được quan tâm đúng mức. Trong giai đoạn 2011-2015, các cơ quan chức năng đã phát hiện bắt giữ, xử lý 6.227 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tịch thu gần 14.000 m3 gỗ các loại, riêng từ năm 2008 đến năm 2015 diện tích rừng bị suy giảm gần 100.000 ha…

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành cần tập trung quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 13-CT/TW. Thực hiện nghiêm Thông báo số 191/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm  ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 và Thông báo số 167/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị giao ban với các tỉnh Tây Nguyên về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV về  triển khai quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng trồng. Kiên quyết không cho phép triển khai các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên hoặc diện tích rừng tự nhiên sang trồng các loại cây trồng khác. Rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020. Tăng cường năng lực, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng. Kiên quyết di dời các cơ sở chế biến lâm sản có nguồn gốc từ rừng tự nhiên về khu công nghiệp. Huy động các nguồn lực, tạo cơ chế cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng có hưởng lợi…

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.