Chiều buông dưới chân đèo Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên hành trình từ huyện Krông Pa về TP. Pleiku theo quốc lộ 25, cảnh hoàng hôn buông xuống đầy lãng mạn, yên bình nơi chân đèo Chư Sê đã khiến chúng tôi phải dừng xe để chiêm ngưỡng, thu vào tâm trí vẻ đẹp hoang sơ, bình yên của nơi đây.

Dù nhiều lần đi ngang qua chân đèo Chư Sê nhưng dường như chưa lần nào tôi có ấn tượng đặc biệt như vậy. Đó là chuyến du xuân ngắn ngủi trong một ngày trời nắng trong veo, thỉnh thoảng xen lẫn cơn mưa bóng mây rào rạt đến trong phút chốc rồi thôi càng khiến không khí thêm phần oi bức. Chúng tôi về đến chân đèo đã là lúc chiều muộn, khi những tia nắng đã bắt đầu bị ngọn núi Ngựa “nuốt” dần và trở nên yếu ớt. Nắng xế len lỏi trong từng tán lá như cố lóe lên chút ánh sáng cuối ngày. Chút nắng của ngày tàn mang lại gam màu trầm lắng, man mác nhưng thật yên bình.

 

Khung cảnh lãng mạn ở chân đèo Chư Sê. Ảnh: P.L
Khung cảnh lãng mạn ở chân đèo Chư Sê. Ảnh: P.L

Không kéo dài như đèo An Khê phía Đông tỉnh, con đèo Chư Sê nối xã Hbông (huyện Chư Sê) với xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) chỉ dài vỏn vẹn 3 km nhưng cũng đủ để mọi người cảm nhận được sự khác biệt khí hậu giữa đỉnh đèo và chân đèo. Nếu trên đèo là không khí trong trẻo, mát mẻ vốn có của vùng núi cao thì đến chân đèo, mọi người đã gặp ngay khí hậu đặc trưng vùng đồng bằng, nóng bức và ngột ngạt. Chỉ cách nhau một ngọn núi mà người đi lên thì thở phào, tận hưởng cảm giác thoải mái, thơ thới, còn những người xuống đèo lại bắt đầu gồng mình đối diện với luồng không khí không mấy dễ chịu…

Buổi chiều khi tôi dừng chân lại nơi chân đèo, không khí dường như đã dịu lại phần nào, dù không có một cơn gió vẫn không có cảm giác nực nội, bí bức nào. Bỏ qua những cung đường uốn lượn, cao ngút của con đèo vốn là biểu tượng của huyện Chư Sê, cây cầu màu trắng nối với con đường thoai thoải cong cong trở thành điểm nhấn cho toàn bộ khung cảnh nơi chân đèo. Đặc biệt hơn, cây sung và cây hoa bằng lăng lá móng bò mọc nơi đầu cầu khiến cho không gian thêm phần thi vị. Hai loài cây không quá to lớn, vừa vặn xòe cành lá nghiêng nghiêng vào phía lòng cầu. Màu xanh của cây, màu trắng của cầu, ráng mỡ gà của đám mây trên trời cùng màn sương mờ mờ của buổi chiều đầu xuân hòa quyện vào nhau tô vẽ nên một khung cảnh nhẹ nhàng, thanh bình.

Tôi đứng bên thành cầu trong hoàng hôn buông dần, lặng nhìn cuộc sống lững thững trôi qua. Lúc này, những chuyến xe chở khách đã thưa thớt dần, dòng xe máy hối hả ngược xuôi cũng đã không còn đông đúc, chỉ còn lại hình ảnh những người nông dân lao động đang chậm rãi trở về sau một ngày làm việc, đàn bò thủng thẳng sau một ngày no nê ngoài đồng cỏ... Thỉnh thoảng, một chiếc xe ô tô chạy vèo qua càng làm cho không gian mà nó bỏ lại thêm phần vắng lặng, bình yên. Khung cảnh bình dị ấy, dù ngắn ngủi nhưng cũng đủ để khiến lữ khách quên đi những mỏi mệt, sầu tư…

Dù không quá nổi bật, nhưng cảnh chiều buông nơi chân đèo Chư Sê đáng để mọi người một lần chiêm ngưỡng, trải nghiệm. Không gây ấn tượng bởi sự hùng vĩ của núi non, cảnh trí nơi chân đèo mang một vẻ đẹp dịu dàng, hoang vắng, có chút ảo diệu sẽ khiến cho du khách khó có thể nào quên.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.