Sông Hằng, hai mặt...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sông Hằng từ lâu được ví như con sông Mẹ, không chỉ đối với người dân Ấn Độ, mà có thể nói, là đối với cả thế giới. Nó là con sông vô cùng linh thiêng với những người theo Ấn Độ giáo và là nguồn sống của hàng chục triệu người Ấn Độ.

Tôi đã từng được cử làm trưởng đoàn nhà văn Việt Nam sang Ấn Độ dự Liên hoan thơ quốc tế ở Kolkata, và cũng như mọi con dân yêu các nền văn minh trên thế giới này, sau những ngày liên hoan thơ, chúng tôi bỏ tiền túi đi phượt, cái đích là sông Hằng, con sông mà ở Việt Nam ai ham đọc sách đều nhớ đến một tên sách nổi tiếng “Sông Hằng mẹ tôi”.

 

Lò thiêu bên bờ sông Hằng.                                    Ảnh: V.C.H
Lò thiêu bên bờ sông Hằng. Ảnh: V.C.H

Lần sang Ấn Độ ấy, tôi đã chứng kiến 2 mặt của sông Hằng.
Mặt chính là sự thành kính, thiêng liêng của con sông mẹ. Những buổi sáng ở thành phố Varanasi, hàng ngàn người quỳ cầu nguyện, sau đấy xuống tắm, như một nghi lễ thiêng liêng bắt đầu ngày mới, như sự gột rửa cả tinh thần và thể xác. Theo tín ngưỡng Hidu, tắm trên sông Hằng được xem là gột rửa mọi tội lỗi, và nước sông Hằng được sử dụng trong mọi nghi lễ thờ cúng. Nhiều người coi việc uống được nước sông Hằng trước khi từ giã cõi trần là một ân huệ, một sự may mắn thiêng liêng hiếm có. Tôi chứng kiến rất nhiều người, cả khách du lịch châu Âu, thành kính quỳ chắp tay trên các bậc đá trước con sông huyền thoại, hướng về phía mặt trời, mắt nhắm nghiền cầu nguyện. Ở Việt Nam, tôi biết có nhiều tour đi sông Hằng, và ai may mắn có điều kiện để đi, khi về thể nào cũng có một lọ nước sông Hằng, tặng bạn bè, tự chữa bệnh cho mình, để trong nhà như một vật thiêng... đủ lý do để khệ nệ mang về.

Nhưng mặt sau của nó, cũng “nổi tiếng” không kém, ấy là sự ô nhiễm, đến khủng khiếp, đến rợn người.

Một đêm nào đó, trăng vằng vặc ở làng Bhojwan Tika Bigha, Bodhgaya, bang Bihar, khuya không ngủ được, tôi cứ trằn trọc nằm nghe tiếng chó tru. Tiếng chó rất lạ, gần gần như hồi nhỏ tôi thi thoảng được nghe ở nơi sơ tán và được các cụ bảo là chó sủa ma. Hôm sau đi dọc triền sông thì biết con sông này là thượng nguồn của sông Hằng, và ở đây có phong tục hỏa táng. Mỗi người chết được Chính phủ bán rẻ 280 kg củi để thiêu. Và, có người đã hết củi nhưng vẫn chưa cháy hết, hoặc có nhà tiết kiệm giữ lại củi để nấu, thì người ta vùi phần chưa cháy hết xuống cát. Mùa nước cạn, chó ra moi xương lên ăn.

Sáng sớm hôm ở Varanasi, như hàng vạn du khách khác ở thành phố nổi tiếng này mỗi đêm, chúng tôi cũng ra sông Hằng để đón mặt trời lên. Hàng vạn người đã đen đặc khúc sông ấy, và nó... bẩn kinh khủng. Ai quỳ cứ quỳ, ai tắm cứ tắm, ai... vệ sinh ngay ở bờ sông cứ tự nhiên. Chúng tôi thuê một cái thuyền đi dọc sông, và được hẹn, đến lò thiêu người không được chụp ảnh.

Trời ạ, cái lò thiêu người chết tềnh hênh ngay bên bờ sông, những xác người được đặt trên cáng xếp hàng lũ lượt ngay trước mắt chúng tôi. Và theo người lái thuyền cho biết thì tro cốt ngay sau hỏa thiêu sẽ được thả xuống sông.

Người ta thống kê sông Hằng xếp thứ 5 trên thế giới về mức độ ô nhiễm năm 2007. Thành phố Varanasi tôi ngủ một đêm ở đấy có 1 triệu dân, mỗi ngày thải ra cống rãnh 200 triệu lít nước thải và phần lớn nó... xuống sông Hằng. Sông Hằng đoạn qua thành phố này là nơi được coi là linh thiêng và là bến chính của sông Hằng. Tôi đã trải qua những thời khắc trên sông Hằng như thế, giữa 2 bờ, 2 mặt đối lập, linh thiêng, thần bí và ô nhiễm, trụi trần...

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.
Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.