Gặp người Việt ở xứ Đài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đài Loan rộng 36 ngàn km vuông và là đảo lớn thứ 38 trên thế giới. Nhưng độ cao so với mặt nước biển thì nó cao nhất nên Đài Loan sáng rất sớm, chừng 4 giờ là đã tưng bừng sáng rồi. Ngày đẹp trời ra cái mũi sát biển ta có thể nhìn thấy Trung Hoa đại lục và Nhật Bản từ mờ mờ xa. Trên xe từ sân bay Đào Viên vào thành phố, tôi hỏi bác tài của khách sạn đi đón khách là người Đài Loan có mấy sân bay, anh này nói có một sân bay quốc tế và 6 sân bay nội địa. Thế cũng đã nể rồi, nhưng về tra “gúc gồ” thì thấy cả Đài Loan có đến 18 sân bay dân dụng, 1 sân bay quân sự, trong đó có đến 4 sân bay quốc tế. Ơ thấy chưa, đến ngay người Đài Loan cũng còn chưa biết hết nhé, nói gì khách vừa lơ ngơ vừa không biết tiếng như tôi…
 

  Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan.                     Ảnh: Internet
Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan. Ảnh: Internet

Đài Loan rất rộng và gồm nhiều đảo, phương tiện di chuyển rất thuận tiện, nhất là tàu điện ngầm. Còn về đường bộ thì cứ có cảm giác là toàn bộ tài nguyên đất người ta dành cho đường, và không chỉ đường trên mặt đất như thông thường, mà còn chằng chịt đường trên cao và đường dưới lòng đất. Nghe nói Đài Loan có khá nhiều người Việt, từ làm giúp việc nhà (ta hay gọi là Ô sin), làm công nhân, đến du học sinh các loại..., tôi cũng muốn tìm gặp vài người để xem họ sống thế nào, nhưng đến ngày thứ 3 vẫn chưa thấy ai, bởi tôi đến đây có chút việc riêng và ở khách sạn trung tâm thành phố, còn người Việt thì phải đi làm, và nghe nói chủ yếu ở ngoại ô.

Hôm ấy tôi cầm theo bản đồ đi xem chợ đêm, một địa điểm cũng nổi tiếng ở Đài Loan, những người đã từng sang khuyên thể nào cũng nên đến.

Lên chặng tàu điện ngầm thứ nhất thấy ngay một băng ghế 4 thanh niên đang ngồi và nói tiếng... Nghệ. Cô bé ngơ ngác nhất tên là Chiến, mới sang được 3 tháng, cứ mỗi chủ nhật lại đi 4 chặng để thăm anh. Chiến đã sang đây làm đến kỳ thứ 2. Mỗi kỳ 3 năm, hết lại về làm lại hồ sơ thủ tục sang lại. Trước, để tiết kiệm cả tiền và thời gian, lao động ta chọn cách... trốn lại, nhưng giờ bị bắt rất dữ nên cứ đường đường mà làm, tức là về rồi lại sang. 4 chặng đi của cô bé là xe buýt, tàu lửa, tàu điện ngầm và cuối cùng là tắc xi. Tôi khen cô bé giỏi vì... nhớ đường, chứ cứ như tôi là xong om, sẽ lạc lung tung và sẽ náo loạn lên cho xem. Chiến kể, cô làm cho một xưởng da, còn mấy người đi cùng làm cho hãng điện và điện tử, lương từ 800 USD đến 1.000 USD/tháng, nếu được tăng ca thì lương cao hơn.

Tôi bật cười vì chữ “được”. Chiến bảo cháu rất thích tăng ca, vì nhanh có tiền trả nợ. Phải gửi về cho bố mẹ trả nợ tiền vay để đi xuất khẩu lao động, sau đó mới tích lũy. Thông thường là đợt đi đầu 3 năm chỉ đủ ăn và trả nợ, chuyến sau mới tích lũy được. Hỏi chủ đối xử thế nào, bảo rất tốt chú ạ. Công nhân ăn uống ngay tại xưởng, thi thoảng công nhân Việt Nam còn được tổ chức đi nghỉ, chơi tập thể. Vì thế, hầu hết những người sang Đài Loan làm sau đó đều về đưa anh em bà con sang làm. 4 cháu tôi gặp đây đều có anh hoặc em ruột làm trước rồi đưa sang. Nhưng nghe chuyện cũng không khỏi bùi ngùi. Họ, cứ chủ nhật thì đi thăm nhau, nấu ăn, ngủ rồi lại lên tàu về, có khi cách nhau đến mấy trăm cây số...

Hoàng Hương Giang

Có thể bạn quan tâm