Xây dựng thương hiệu du lịch:Nói và làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Du lịch Gia Lai được nhắc tên trên bản đồ du lịch nhờ “ăn theo” danh hiệu “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO vinh danh từ hơn 10 năm trước. Nhưng khi những giá trị này đang dần phai nhạt, cộng với cơ chế, chính sách về du lịch không còn phù hợp, ngành du lịch đang đứng trước nhiều khó khăn trong định hướng phát triển.

Du lịch nhìn từ những con số

Cách đây hơn 10 năm, khi UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” đã mở ra nhiều kỳ vọng đối với ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai. Bên cạnh lợi thế đó, Gia Lai có nhiều tài nguyên du lịch phong phú như hệ thống sông, suối, ao hồ, thác nước; hệ sinh thái rừng, đồi núi, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn; hệ thống di tích văn hóa-lịch sử-kiến trúc dày đặc.

 

Thác 50 ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang). Ảnh: Phan Nguyên
Thác 50 ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang). Ảnh: Phan Nguyên

Những yếu tố thuận lợi đó tưởng chừng sẽ là bệ phóng để du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng nhìn lại bức tranh du lịch của tỉnh 10 năm trở lại đây, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-ông Phan Xuân Vũ không khỏi tiếc nuối: “Tiềm năng thì nhiều nhưng sự phát triển du lịch trong 10 năm trở lại đây gần như phụ thuộc vào ý tưởng kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún của doanh nghiệp du lịch trong tỉnh. Hai loại hình du lịch được khai thác nhiều nhất là du lịch văn hóa và sinh thái-vốn dựa trên những giá trị sẵn có-nay gần như trở thành món ăn quá cũ, nhàm chán. Các dịch vụ đi kèm 2 loại hình du lịch này còn khá đơn điệu, thiếu sự chuyên nghiệp và hấp dẫn. Đây vẫn là ngành có xuất phát điểm thấp, chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với tiềm năng”.

Nhìn vào những con số như lượng khách, doanh thu từ du lịch… trong vòng 5 năm trở lại đây, không khó để hình dung bức tranh ảm đạm của ngành du lịch. Tổng doanh thu du lịch trong giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân 7,4%/năm. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, lượng khách đến Gia Lai chỉ đạt trung bình trên 200.000 lượt/năm, chủ yếu là khách nội địa, trong đó khách du lịch thuần túy chiếm tỷ lệ nhỏ (khoảng 20%). Đặc biệt, khách quốc tế giảm mạnh trong giai đoạn này với khoảng 8 ngàn lượt khách đến mỗi năm. Lượng khách đến Gia Lai không cao, nhất là khách quốc tế giảm mạnh qua các năm không đảm bảo duy trì tăng trưởng, chỉ đạt 10%/năm trong khi kế hoạch đề ra là 18-20%. Mặc dù trong 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, XV đã đưa vào nghị quyết về chủ trương phát triển du lịch, nhưng các hoạt động cụ thể để thúc đẩy du lịch phát triển vẫn chưa được triển khai. Vì thế du lịch vẫn xếp sau nhiều ngành dịch vụ khác.

 

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được HĐND tỉnh thông qua đã mở ra nhiều kỳ vọng với ngành du lịch. Trong đó, định hướng không gian phát triển du lịch chú trọng các điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia và vùng như: Vườn Quốc gia ASEAN Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, Biển Hồ, hồ Ia Ly, hồ Ayun Hạ, các di tích thuộc quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, Làng kháng chiến Stơr. Ngoài ra, một số thác nước, sông, hồ, các đồi thông, di tích văn hóa-lịch sử, làng truyền thống, làng nghề, các công trình kiến trúc tôn giáo… được xác định là mũi nhọn trong chiến lược phát triển du lịch giai đoạn tới. Thêm một điểm sáng để ngành du lịch hy vọng nữa đó chính là đề án xây dựng “Công viên địa chất toàn cầu” trên cơ sở di chỉ khảo cổ học tại thị xã An Khê với phát hiện gây chấn động giới khảo cổ. Đây sẽ là loại hình du lịch mới mẻ, có thể xây dựng thành những sản phẩm du lịch làm thương hiệu cho du lịch Gia Lai nếu được đầu tư xứng tầm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thụt lùi của ngành du lịch Gia Lai so với các tỉnh Tây Nguyên. Ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt-nêu những bất cập: “Cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển du lịch chưa hấp dẫn, thông thoáng, đặc biệt là cơ chế cho khách du lịch nước ngoài. Chúng ta đang tụt hậu về tư duy đầu tư và thu hút du lịch so với các tỉnh trong khu vực chứ chưa so sánh đâu xa. Chính sự tụt hậu này dẫn đến việc khách du lịch dần quay lưng lại với thị trường du lịch Gia Lai”. Theo ông Hải, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, cần sự bắt tay của nhiều cấp, nhiều ngành đến từng bộ phận người dân. Nhưng hiện nay cái bắt tay này mới chỉ nằm trên giấy tờ, trong những cuộc bàn thảo mà chưa đi vào thực tế. “Những thứ đi vào thực tế lại là những điều gây bất lợi số 1 đối với du lịch. Cơ quan công quyền thực hiện việc giám sát rất chặt chẽ những chuyện không đáng. Tôi chưa thấy khi nào mà việc đi lại giữa các tỉnh mà tiền xăng lại không tốn bằng tiền phí cầu đường…”- ông Hải nêu thực trạng.  

Giấc mơ thương hiệu

Muốn du lịch có sự đột phá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo ông Phan Xuân Vũ, tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thật hấp dẫn (về đất đai, thuế…). Song trên hết, vấn đề nền tảng, cốt lõi là phải tạo dựng được thương hiệu riêng cho du lịch Gia Lai. Chọn tài nguyên thiên nhiên, danh thắng, di tích lịch sử-văn hóa, du lịch sinh thái hay bản sắc văn hóa làm thương hiệu du lịch? Đây là vấn đề không dễ giải quyết đối với ngành du lịch. “Bởi tạo dựng thương hiệu du lịch là một hành trình dài, cần có chiều sâu và phải bình tĩnh, không thể nóng vội mà phải có sự nối kết, cộng hưởng từ nhiều yếu tố”- ông Vũ cho hay.

Nói đến việc xây dựng thương hiệu, sau khi Gia Lai tổ chức thành công Festival Cồng chiêng Quốc tế tại Gia Lai năm 2009, nhiều người từng kỳ vọng tỉnh ta sẽ nắm lấy cơ hội này để biến Festival Cồng chiêng Tây Nguyên thành thương hiệu cho du lịch Gia Lai, như lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành thương hiệu du lịch Đak Lak, hay Festival hoa Đà Lạt đã khẳng định chỗ đứng cho du lịch Lâm Đồng. Nhưng tỉnh ta đã bỏ lỡ cơ hội này và thương hiệu chưa kịp tạo dựng đã về tay tỉnh bạn Đak Lak khi mới đây, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã đồng ý cho tỉnh Đak Lak tổ chức lồng ghép Liên hoan Cồng chiêng Tây Nguyên vào chuỗi các hoạt động của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017. Như vậy, ngành du lịch Gia Lai sẽ “bình tĩnh” đến bao giờ?

Không chỉ bỏ lỡ nhiều cơ hội để quảng bá, tạo thương hiệu cho du lịch, nhìn lại chặng đường đã qua, ngành du lịch đã bỏ phí rất nhiều tiềm năng do không được đầu tư. Theo một số doanh nghiệp lữ hành, định hướng phát triển phải đi kèm với sự thay đổi về tư duy thu hút đầu tư cho lĩnh vực du lịch. “Tỉnh cần tạo cơ chế thông thoáng, biệt đãi những nhà đầu tư có tâm và có tầm, tránh kêu gọi xúc tiến đầu tư một cách dàn trải. Tôi nghĩ chỉ khi nào các doanh nghiệp có thể làm được việc này: chắt chiu, tinh lọc những sản phẩm du lịch hiện có để xây dựng thành sản phẩm đặc trưng mang tầm quốc gia thì khi đó du lịch Gia Lai mới phát triển được”-ông Hà Trọng Hải nêu ý kiến.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Ngày 13-4, tin từ Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, hiện địa phương đang "chạy đua" để chuẩn bị, giới thiệu các điểm du lịch hấp dẫn sẵn sàng phục vụ, đón tiếp người dân và du khách. Trong đó, tỉnh giới thiệu nhiều điểm đến mới mẻ, hấp dẫn, đậm màu lịch sử...