Ninh Thuận trông người mà ngẫm…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phải thú thực rằng, bản thân tôi cũng không thoát khỏi trào lưu chung muốn được đi du lịch nước ngoài để mở mang tầm mắt, để trải nghiệm cuộc sống của nhiều nền văn hóa khác nhau và kể cả… để cho oai. Nhưng những tour trong nước, nếu có sự cân nhắc thì vẫn là sự lựa chọn giá trị. Ví như chuyến du lịch về với vùng đất “nắng như rang và gió như phang”-Ninh Thuận.

Lợi thế nắng vàng, cát trắng và biển xanh ngày càng mang nhiều du khách đến với Ninh Thuận. Nhưng để giữ họ ở lại, thậm chí là muốn giới thiệu cho người khác cùng đến có lẽ phải cần nhiều hơn thế. Trong lịch trình 5 ngày, thời gian tắm biển nghỉ ngơi chỉ từ 1 đến 2 ngày là đủ với nhiều du khách trẻ. Tham quan, thưởng thức và mua sắm đặc sản hay tìm hiểu văn hóa địa phương sẽ được ưu tiên hơn.

 

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại vườn nho Ba Mọi.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại vườn nho Ba Mọi.

Nhắc đến đặc sản của Ninh Thuận, mọi người sẽ nghĩ ngay đến nho với vị ngọt thanh hấp dẫn đặc biệt nhờ được thiên nhiên ưu đãi. Nhưng cách làm du lịch của người Ninh Thuận đã đưa sản vật này lên một vị thế khác hay ít ra cũng khiến du khách móc hầu bao không mấy đắn đo. Vườn nho Ba Mọi có mặt trong nhiều tour du lịch tại Ninh Thuận. Du khách đến mua nho và các chế phẩm từ loại quả này sau khi được tham quan, được “hướng dẫn viên nhà vườn” giải thích quy trình chọn giống, kỹ thuật chăm sóc… và sẵn lòng trở thành nhiếp ảnh gia ghi lại giúp du khách những hình ảnh “để đời” như chỉ cần với tay, thậm chí ngửa cổ là có thể chạm vào những chùm nho căng mọng chờ thu hoạch. Nhà vườn còn khéo léo bố trí cả những chiếc ghế đá dưới giàn nho hay những chậu hoa làm tiền cảnh cho các bức ảnh. Trong tình hình an toàn thực phẩm hiện là nỗi lo của mọi người, mọi nhà, việc tận mục sở thị như thế đã giúp món quà mang về trở nên giá trị hơn nhiều đối với cả người cho và người nhận. Với nhiều người, đây còn là trải nghiệm thú vị và là bài học thực tế ý nghĩa với con trẻ khi giúp chúng hiểu ra rằng “nho mọc ra từ đâu?”.

Việc giới thiệu những nét văn hóa truyền thống cũng được Ninh Thuận tích hợp cách làm này. Điểm đến thu hút nhiều du khách là làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước-cách thành phố Phan Rang gần 10 km. Ấn tượng để lại không chỉ bởi đây là một trong 2 làng gốm cổ nhất Đông Nam Á mà còn bởi du khách được trải nghiệm nhiều điều thú vị như: được tham gia vào điệu múa truyền thống cùng thiếu nữ Chăm với tiếng đàn Ka Nhi, xem các nghệ nhân biểu diễn và được hướng dẫn để thử sức với trống Ghi-năng, Pa-ra-nưng, ấn tượng nhất là phần chia đội để thi làm gốm từ chất liệu đất sét đặc biệt không cần dùng bàn xoay. Thử sức để biết tài năng và cả tâm huyết mà các nghệ nhân đã đặt trọn vào từng tác phẩm gốm được bày bán trong khu vực nhà trưng bày ngay kế bên. Ở đây, Ninh Thuận có nhiều điểm tương đồng với Gia Lai khi các nghệ nhân tham gia làm du lịch này vẫn vẹn nguyên sự chất phác, hồn hậu, khi không có các đoàn khách thì công việc chính của họ vẫn là nghề nông. Phải chăng chính sự đơn sơ, không màu mè lẫn chưa chuyên nghiệp hóa trong loại hình du lịch này lại thu hút nhiều du khách đến vậy, để được hòa mình và cảm nhận rõ nét hồn cốt văn hóa của người Chăm ở Ninh Thuận.

Đương nhiên Ninh Thuận chưa phải là điểm du lịch biển lý tưởng so với nhiều thương hiệu của các tỉnh thành khác, nhưng cái cách làm du lịch ở đây vẫn có nhiều điều để Gia Lai có thể tham khảo trong quá trình tìm đường ra cho bài toán phát triển du lịch, nhất là để xây dựng thương hiệu riêng của mình trong tour du lịch “Về với đại ngàn Tây Nguyên”.

Hải Uyên

Có thể bạn quan tâm