Miền Tây mùa nước nổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Miền Tây vốn được nhiều người yêu chuộng bởi vẻ đẹp nên thơ, lành hiền và những món ăn đặc sắc rặt chất đồng quê. Đặc biệt vào mùa nước nổi, về miền Tây sẽ gặp rất nhiều điều thú vị, nhất là được đắm mình trong vùng văn hóa miệt vườn khi lạc giữa những chợ nổi trên sông…

  Chợ nổi Cái Răng.       Ảnh: Bích Nga
Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Bích Nga

Tôi may mắn có chuyến công tác miền Tây đúng vào mùa nước nổi và mùa gió chướng-mùa được cho là đẹp nhất trong năm của vùng đất này.

Những cư dân ở đây cho biết, từ tháng 7 đến tháng 11 Âm lịch hàng năm, nước thượng nguồn sông Mê Kông đổ về miền Tây, qua An Giang, Đồng Tháp rồi đến các nhánh khác của sông Cửu Long trước khi đổ ra biển. Thường thì sau ngày rằm của những tháng này nước lên cao nhất, nên dân gian có câu “mười bảy nước nhảy khỏi bờ”, tối phủi chân đi ngủ thấy khô ráo bình thường, nửa đêm tỉnh giấc nghe nước óc ách, rạt rào ngay đầu giường, nghe gió đùa sột soạt trên mái lá biết nước lũ và gió chướng đã về và đang rủ lục bình vô nhà đánh thức người ta.

Sáng mai ra ai cũng rạng rỡ vui mừng vì lũ về. Nói nghe ngược, nhưng với cư dân ở vùng đất này thì lũ về đồng nghĩa với mùa đủ đầy, no ấm. Bởi đây là mùa chài cá, bắt chuột đồng… Lũ mang phù sa bồi đắp cho những ruộng lúa của đồng bằng sông Cửu Long. Nước lớn cũng mang đến những nguồn lợi khác như cá linh-một loại đặc sản chỉ có vào mùa lũ. Khi nước đã dâng cao, bà con thường thắp đèn tung lưới cho đến thâu đêm trên khắp các kinh mương, sông rạch để bắt cá linh. Cá linh làm được nhiều món ăn ngon và còn là nguyên liệu làm nên thứ nước mắm được coi như đặc sản nổi tiếng của miền Tây… Rồi các loại rau đặc trưng của mùa nước nổi như bông súng, so đũa và đặc biệt là bông điên điển. Bông điên điển vàng, mọc thành chùm rủ xuống theo các con kinh đã ngập nước. Món ăn đặc trưng người dân miền Tây thường đãi khách chính là món canh chua cá linh bông điên điển…

 

Ảnh: Bích Nga
Ảnh: Bích Nga

Đặc biệt mùa nước nổi cũng là mùa cư dân xứ này lập chợ nổi. Ở miền Tây có khá nhiều chợ nổi như: Phụng Hiệp (Hậu Giang), Cái Bè (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long) và Cái Răng (Cần Thơ)…


Chợ nổi Cái Răng là một trong những chợ trên sông nổi tiếng ở Cần Thơ, chợ cách bến Ninh Kiều khoảng 30 phút đi đường thủy, chợ chuyên mua bán các loại nông sản của vùng, từ rau củ đến trái cây. Chợ nằm trên một nhánh của dòng sông Hậu chảy qua quận Cái Răng.

Theo truyền thuyết, tên gọi Cái Răng xuất phát từ câu chuyện hồi đầu thời khẩn hoang có con cá sấu rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miếng đất này. Rồi cũng có người nói rằng Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer “karan” nghĩa là ông Táo (bếp lò). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn, An Giang) chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe chỗ chợ Cái Răng ngày nay để bán, năm này qua năm nọ. Lâu dần, mọi người phát âm karan thành “Cái Răng”, rồi thành địa danh của chỗ này luôn…

 

Ảnh: Bích Nga
Ảnh: Bích Nga

Chợ họp rất sớm, từ mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì tan. Để có thể chứng kiến cảnh mặt trời mọc, cảnh nhộn nhịp buôn bán trên sông, chúng tôi đã phải tranh thủ đi từ 5 giờ. Buổi sáng, hàng trăm chiếc thuyền lớn bé đậu san sát nhau, trên thuyền chất đầy hàng hóa, phổ biến là các loại trái cây, các sản phẩm miệt vườn được treo lủng lẳng trên một cây sào cắm trước mũi ghe mà người dân ở đây gọi là “cây bẹo”. Người mua chỉ cần nhìn vào “cây bẹo” là biết được trên ghe bán thứ gì. Rồi nhìn vào kích cỡ của ghe thuyền cũng có thể nhận biết được dân địa phương đi chợ hay người buôn đi gom mua nông sản. Thường thì dân địa phương và các vùng lân cận sử dụng ghe xuồng trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ, trao đổi còn những ghe bầu lớn là của các thương lái gom mua trái cây, rau củ sau đó tỏa đi khắp nơi, thậm chí đưa sang Campuchia buôn bán…
 

Ảnh: Bích Nga
Ảnh: Bích Nga

Ở chợ nổi còn có đầy đủ ghe, xuồng dịch vụ nhỏ gọn phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng từ rau củ quả, thịt, cá đến những cửa hàng bách hóa như mỹ phẩm, mắm muối, thuốc tây, bánh kẹo hay sửa máy, sửa cân, ghe bán xăng dầu, hàng ăn sáng, cà phê giải khát thậm chí bán vé số… cũng năng động len lỏi áp mạn ghe thuyền bán hàng-thu tiền. Tiếng máy nổ, tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền cùng tiếng cười nói của người mua kẻ bán tạo nên cảnh sầm uất không khác gì trên cạn của chợ nổi.

Rời chợ nổi khi mặt trời lên khá cao, ngược dòng sông Hậu mênh mông, nhìn mặt nước lênh loang nắng và những cụm lục bình theo con nước trôi nổi dập dềnh, trong lòng tôi bỗng gợn lên những nỗi niềm khó tả. Miền Tây ơi, mong rằng những giá trị mộc mạc, thấm đẫm nghĩa tình mãi không phai.

Bích Nga

Có thể bạn quan tâm