Du lịch Gia Lai: "Cái khó ló cái khôn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sự xuất hiện khá ồ ạt các công ty lữ hành tư nhân trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây đã phần nào khiến thị trường du lịch Gia Lai có phần sôi động hơn. Và để cạnh tranh, ngoài việc giảm giá tour, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng phải nghĩ ra những tour mới, không “đụng hàng”.

Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T

Theo thống kê từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, trước năm 2011, cả tỉnh chỉ có 1 đơn vị làm du lịch là Trung tâm Lữ hành của Công ty cổ phần Dịch vụ-Du lịch Gia Lai (cũ). Hiện tại toàn tỉnh có 13 công ty lữ hành. Ngoài 2 công ty cổ phần còn một phần vốn sở hữu nhà nước là Lữ hành Gia Lai Xanh, Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel)-Chi nhánh Pleiku, số còn lại đều là công ty tư nhân. Trong đó, các công ty tại Gia Lai như: Du lịch Pleiku, Vietjoy Tourist, Thiên Lộc Tourist,  Phố Núi, Sinh Thái Gia Lai, Phú Cường Gia Lai, Công ty cổ phần Dịch vụ Lữ hành Gia Lai… Hiện đang có 5 công ty kinh doanh ở cả 2 mảng nội địa và quốc tế.

Sự phát triển mạnh mẽ về số lượng khiến các đơn vị kinh doanh dịch vụ này phải cạnh tranh nhau để tồn tại. Trước tiên là cạnh tranh về giá cả, sau là chất lượng tour. Có đơn vị liên kết với các công ty khác ở tỉnh bạn nhằm làm phong phú sản phẩm du lịch đặc trưng về văn hóa Tây Nguyên, khai thác các tour về nguồn như: Chiến thắng Đak Pơ, Làng kháng chiến Stơr, di tích Plei Me... Có đơn vị lại phát triển mạnh mảng du lịch ra nước ngoài, nhưng chủ yếu vẫn là các nước trong khu vực như: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào…

Là một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch “sinh sau đẻ muộn” (thành lập tháng 4-2014), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Niềm Vui Việt (Vietjoy Tourist) là công ty khá năng động tổ chức các tour hành hương về La Vang-Quảng Trị, Măng Đen-Kon Tum, Trà Kiệu-Quảng Nam… Ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty Vietjoy cho biết: “Sự cạnh tranh giữa các đơn vị làm du lịch với nhau ngày càng khốc liệt khiến Vietjoy phải có những tour “độc” và dựa theo nhu cầu thực tế của du khách. Bên cạnh những tour có lộ trình thông thường, Công ty còn đưa ra những tour theo kiểu “mùa gì thức đó”, như: tour ngắm hoa Tam giác mạch ở Hà Giang kết hợp với tham quan hồ Ba Bể. Hay khoảng 1 tháng nữa sẽ tổ chức tour ngắm hoa dã quỳ ở Tây Nguyên vào mùa hoa nở rộ. Và những tour kiểu như vậy thường dành cho các đối tượng trẻ thích sự mới lạ, thích khám phá”.

 

Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận rằng du lịch Gia Lai vẫn chưa thể phát triển và còn quá nhiều khó khăn. Ngoài những khó khăn khách quan như: hệ thống giao thông chưa thuận lợi, các cơ sở lưu trú chưa được đầu tư bài bản, các điểm đến ít được làm mới; việc bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa chưa tương xứng... thì còn nhiều nguyên nhân khác khiến du lịch khó có thể phát triển đồng bộ. Đời sống của người dân tăng lên, sắm được ô tô thì dịp lễ, Tết, hội hè, ai cũng có thể du lịch tự túc, đưa gia đình đi tham quan, du lịch trong thời gian ngắn rồi về. Hay như kiểu mạnh ai nấy làm của các công ty du lịch hiện tại, cũng khiến du lịch Gia Lai thiếu tính chuyên nghiệp và không có sự liên kết.

Cách đây chừng 1 tháng, Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch vùng Duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia” do Tổng cục Du lịch, Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung được tổ chức tại Bình Thuận. Đây có thể coi là điều kiện mở ra cơ hội phát triển du lịch cho cả khu vực nói chung và Gia Lai nói riêng.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm