Khai thác loại hình du lịch sinh thái nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nói đến du lịch sinh thái người ta chỉ nghĩ ngay đến loại hình du lịch xanh gắn với sông, suối, núi rừng, cảnh quan thiên nhiên đẹp…, có nghĩa là chỉ quan tâm đến hệ sinh thái tự nhiên mà bỏ qua hệ sinh thái nhân văn. Thật ra các tài nguyên về nhân văn, xã hội cũng được xem là đối tượng của du lịch sinh thái. Việc tìm hiểu môi trường xã hội, những đặc điểm về văn hóa, sự hòa nhập với lối sống đời thường của một vùng với những phong tục tập quán riêng cũng là những nội dung của du lịch sinh thái nhân văn. Dù đối tượng của du lịch sinh thái nhân văn có những nét tương đồng với du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử… nhưng loại hình du lịch này có những đòi hỏi khắt khe hơn về bảo tồn, hòa nhập, gắn bó và tôn trọng cộng đồng địa phương.

Nhà rông, làng Phun... Ảnh: Võ Thanh Thảo
Nhà rông, làng Phun... Ảnh: Võ Thanh Thảo

Du lịch sinh thái nhân văn bao gồm những nét văn hóa truyền thống với các hoạt động văn hóa-nghệ thuật cho đến cả những sinh hoạt đời thường, những phương tiện đi lại, các mối quan hệ cộng đồng làng xã, tập tục của người địa phương… đều là những yếu tố thu hút du khách. Loại hình du lịch thăm làng, homestay, du lịch về nguồn sống quây quần, sinh hoạt, làm việc, cùng tìm hiểu về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc bản địa rất được du khách ưa thích, đặc biệt là du khách nước ngoài. Các tỉnh bạn ở khu vực phía Bắc như Mai Châu-Hòa Bình hay Sa Pa-Lào Cai… đã đẩy mạnh loại hình du lịch này mà ngành du lịch tỉnh ta cần phải học hỏi để phát huy được thế mạnh, tiềm năng vốn có.

Gia Lai vốn dĩ có rất nhiều bản làng truyền thống có thể phát triển loại hình du lịch thăm làng, đưa du khách đến với những âm thanh cồng chiêng giữa núi rừng Tây Nguyên bao la, bạt ngàn nắng, bạt ngàn gió. Có thể kể đến một số làng trọng điểm để phát triển du lịch của tỉnh như: Đê K’Tu thuộc thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang; làng Tờ Nùng thuộc xã Ya Ma, huyện Kông Chro; làng H’Way thuộc xã Hà Tam đi theo quốc lộ 19 cách trung tâm huyện Đak Pơ khoảng 10 km; làng Nú thuộc xã Ia Kha, huyện Ia Grai nằm cách TP. Pleiku 60 km đi theo tỉnh lộ 664 còn được gọi là làng anh hùng A Sanh; làng Phung thuộc xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah… Gắn liền với các buôn làng không thể không đề cập đến Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là đối tượng thu hút khách du lịch quan trọng nhất, là kết tinh cao nhất của sáng tạo văn hóa dân tộc, là nhân tố hàng đầu để đưa du lịch Gia Lai đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Khai thác giá trị văn hóa Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên kết hợp khai thác các lợi thế về cảnh quan địa phương để xây dựng một chuỗi các dịch vụ liên quan trong chương trình tham quan, tạo sự đa dạng của sản phẩm du lịch Gia Lai.

Võ Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.