Cần đầu tư thỏa đáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Gia Lai, tổng diện tích tự nhiên của Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Kon Chư Răng là 15.446 ha, là khu vực có độ che phủ của rừng cao nhất trong toàn quốc với 98,9%. Đối chiếu với tiêu chí sách đỏ Việt Nam, Khu BTTN trong tình trạng: đang nguy cấp (E) 2 loài; sẽ nguy cấp (V) 5 loài; hiếm (R) 3 loài; bị đe dọa (T) 1 loài.
 

Thác 50 trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh:  Thất Sơn
Thác 50 trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Thất Sơn

Do nằm trọn trong lưu vực thượng nguồn sông Kôn nên khu BTTN có chức năng phòng hộ đầu nguồn rất tốt, góp phần đảm bảo giữ vững môi trường sinh thái, cung cấp và điều tiết nguồn nước cho Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn; cung cấp nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho hàng ngàn ha cây công nghiệp vùng hạ lưu. Kon Chư Răng còn là hệ sinh thái rừng nguyên sinh còn lại hiếm hoi và độc đáo của rừng Tây Nguyên cũng như của Việt Nam. Hệ sinh thái đặc hữu này phân bố trên những vùng có địa hình tương đối bằng phẳng nên rất thuận lợi cho việc đi lại cho các du khách hay các nhà nghiên cứu quan tâm đến sinh thái rừng. Hệ thống sông suối, thác ghềnh trong khu BTTN tạo nên những cảnh quan hấp dẫn. Tiềm năng du lịch sinh thái của Kon Chư Răng đến nay đã được khẳng định khi tuyến đường Đông Trường Sơn hoàn thành nối khu BTTN với Khu Du lịch Sinh thái huyện Măng Đen (80 km) thành một tour du lịch khép kín giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Sau khi được thành lập, Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng đã xây dựng các dự án đầu tư xây dựng trình các cấp thẩm quyền phê duyệt như: dự án đầu tư xây dựng Khu BTTN Kon Chư Răng giai đoạn 2005-2010. Giai đoạn I (2005-2010) của dự án đã đầu tư 11,542 tỷ đồng, hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng do dự án đề ra. Đối với giai đoạn II (2011-2020), UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 128A/QĐ-UB ngày 12-10-2011 với tổng vốn đầu tư 49,855 tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 2011-2015 có mức đầu tư 37,677 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, đơn vị chỉ được cấp 2,1 tỷ đồng (đạt 4,0% so với tổng dự án và đạt 5,5% so với tiến độ), chủ yếu là kinh phí chi trả cho công tác khoán bảo vệ rừng. Các nguồn vốn khác thì rất hạn hẹp. Đến nay, nguồn kinh phí từ nguồn dịch vụ môi trường rừng vẫn chưa được chuyển trả cho đơn vị.

 

Ảnh: Thất Sơn
Ảnh: Thất Sơn

Về nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020 và theo Thông tư liên tịch số100/2013/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 26-7-2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của  Quyết định số 24/2012/ QĐ-TTg ngày 1-6-2012 thì chưa được cấp.

Do địa bàn phức tạp, nằm ở vùng sâu, vùng xa, các phương tiện thông tin liên lạc chưa đến được trụ sở nên điều hiện sinh hoạt, làm việc của khu BTTN đang rất khó khăn. Hiện nay, văn phòng làm việc của khu BTTN có 135 m2 chỉ bố trí 1 hội trường, 1 phòng Giám đốc,1 phòng Phó Giám đốc và 2 phòng chức năng, trong khi theo yêu cầu đơn vị có 3 phòng chức năng (tổ chức hành chính, tài chính kế hoạch, khoa học và hợp tác quốc tế) và 2 đơn vị trực thuộc (Hạt Kiểm lâm, Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường). Bên cạnh đó, chỗ ăn ở, sinh hoạt cũng rất chật hẹp. Diện tích khu tập thể 92 m2, nhưng bố trí 4 phòng, không đủ cho 36 biên chế, 4 hợp đồng. Ban Quản lý đang tận dụng cả phòng làm việc và phòng tiêu bản để cho cán bộ, công nhân viên ăn ở.

 

Trong số các loài đang bị đe dọa toàn cầu, rất nhiều loài cần bảo tồn như: hổ Panthera tigris, vượn má hung Hylobotes gabriella, voọc chà vá chân xám Pygathrix nemaeus, mang lớn Megamuntiacus vuquangensis, khỉ mặt đỏ Macaca nemestrina, sơn dương Capricornis sumatraensis, gấu ngựa Ursus thibetanus, khướu đầu đen Garrulax milleti, khướu mỏ dài Jabouillea danjoui, gà lôi Lophura nycthemera,...

Không chỉ nơi ăn ở, sinh hoạt, 3 trạm bảo vệ rừng cũng chưa được xây dựng, cán bộ trạm phải thường xuyên cắm trại tại rừng hoặc phải di chuyển chặng đường dài trong mỗi lần tổ chức tuần tra. Kinh phí cho công tác khoán bảo vệ rừng thường bị bố trí muộn nên không chủ động trong việc triển khai công tác khoán, khó ràng buộc trách nhiệm của người dân nhận khoán. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học, hoàn thiện, củng cố cơ sở dữ liệu thì chưa được bố trí. Biên chế cho các phòng ban còn thiếu song vẫn chưa được bổ sung.

Nhiệm vụ đối với Ban lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên khu BTTN rất nặng nề. Theo ông Trương Viết Ty-Giám đốc Khu BTTN Kon Chư Răng, UBND tỉnh cần sớm quan tâm cấp kinh phí đầu tư xây dựng Khu BTTN Kon Chư Răng theo tinh thần Quyết định số 128A/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 12-10-2011. Tiếp tục đầu tư cho Khu BTTN Kon Chư Răng theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020 và theo Thông tư liên tịch số 100/2013/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 26-7-2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 24/2012/ QĐ-TTg ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020, hỗ trợ đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.