Có một sân ga… không người tiễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Sân ga không người tiễn”, nghe ra có vẻ là một nghịch lý khó tin bởi lẽ: sân ga, bến tàu nào mà không có người đi, kẻ ở, không có tiễn đưa? Thế nhưng, nơi cao nguyên Lâm Viên lãng đãng sương mù ngày ngày vẫn hiển hiện một sân ga nhộn nhịp tiếng cười, những bước chân hân hoan bước lên toa tàu với hành trình khám phá mà tuyệt nhiên không có những ngậm ngùi của người ở lại!

Từng là nhà ga đẹp nhất Đông Dương

Ga Đà Lạt ngày nay khai thác tuyến đường sắt dài 7 km (Đà Lạt-Trại Mát) với tối đa 4 toa tàu, được kéo bằng đầu máy diezen, thay thế cho đầu máy hơi nước 131-428 (sản xuất tại Nhật Bản năm 1932), do những bất lợi về việc đốt nhiên liệu để khởi động máy. Và đây đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng chục ngàn lượt khách (năm 2012, ga Đà Lạt đón 56.405 hành khách) thích khám phá thành phố ngàn sương qua ô cửa tàu hỏa và đã được trao bằng công nhận “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia” vào năm 2002.
 

Vẻ đẹp cổ kính của ga Đà Lạt nhìn từ phía sau. Ảnh: Nguyễn Giang
Vẻ đẹp cổ kính của ga Đà Lạt nhìn từ phía sau. Ảnh: Nguyễn Giang

Xưa kia, việc xây dựng nhà ga Đà Lạt với tuyến đường sắt dài 84 km và lên tới độ cao ngoạn mục 1.500 mét so với mực nước biển là cả một toan tính của Liên bang Đông Dương khi có ý đồ lấy Đà Lạt làm miền đất dừng chân và phác họa tương lai của xứ sở này trở thành “Thủ đô mùa hè” của liên bang Đông Dương thời bấy giờ. Nếu khắc phục được những khó khăn về giao thông thì Đà Lạt sẽ phát huy cao độ tiềm năng của mình...

Với những toan tính ấy, đến năm 1915, những thanh đường ray đầu tiên bắt đầu được đặt trên tuyến đường sắt lên cao nguyên Langbiang trong chương trình “đường sắt xuyên Đông Dương” (1898) của Toàn quyền Paul Doumer. Sau 17 năm, toàn bộ tuyến đường sắt Tháp Chàm-Ninh Thuận-Đà Lạt mới hoàn thành. Thời điểm này (1932), ga Đà Lạt cũng được khởi công xây dựng-do 2 kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế và trực tiếp giám sát thi công. Sau 5 năm với bao tâm huyết, nhà ga Đà Lạt được đưa vào sử dụng.

Nhà ga mô phỏng hình dáng ngọn núi Langbiang hùng vĩ, với chiều dài 66,5 mét; chiều ngang 11,4 mét và chiều cao 11 mét. Nếu đem so sánh, kiến trúc ga Đà Lạt tựa như nhà ga miền Nam nước Pháp với phần nhô ra từ nóc và thụt vào phía chân theo hướng thẳng đứng. Nhà ga có 3 chóp nhọn, tượng trưng cho núi Langbiang-đỉnh núi cao nhất vùng. Phía trước còn có mặt đồng hồ lớn ghi lại thời gian mà bác sĩ Yersin đã phát hiện ra Đà Lạt.

Tuyến đường sắt nhà ga xây dựng từ năm 1932 là đường ray và đầu máy răng cưa. Tuyến đường dài 84 km trong đó có 16 km răng cưa. Lúc bấy giờ, đường ray răng cưa được xem là độc đáo nhất thế giới. Vì phải lên đèo Ngoạn Mục để có thể lên thành phố Đà Lạt, tuyến đường sắt phải xây dựng qua nhiều hầm chui, phía sau phải có đầu tàu đẩy. Các kỹ sư đã xây dựng đường ray ròng rã suốt 10 năm và phải tốn chi phí cao gấp 2, 3 lần bình thường.

Đường sắt răng cưa Sông Pha-Đà Lạt được thiết kế theo kiểu Thụy Sĩ. Đường sắt có 3 đường ray. Một nằm giữa được thiết kế có răng cưa để tàu có thể leo dốc an toàn. Đây là kiểu đường sắt chỉ có ở Đà Lạt và Thụy Sĩ. Thật tiếc khi nay, cả tuyến đường sắt Đà Lạt không còn dấu tích các đoạn răng cưa. Một ưu ái của các kiến trúc sư người Pháp dành cho ga Đà Lạt khi đã đem cả yếu tố mỹ thuật kiến trúc và ý nghĩa của công trình vào việc xây dựng một công trình có tính kỹ thuật cao. Bởi lẽ đó nên ga Đà Lạt đã từng được đánh giá là nhà ga đẹp nhất Đông Dương và có thể sánh tầm với các công trình kiến trúc của Pháp.

Sau khi người Pháp “rời” ga Đà Lạt thì việc chạy tàu vẫn được duy trì, nhưng hoạt động dưới sự khống chế của Mỹ-Ngụy, đây trở thành phương tiện chở quân dụng của chúng từ các hạm đội Phan Rang lên Lâm Đồng, nên năm 1972 ta chủ động cắt đường vận chuyển của địch, và cũng đồng nghĩa với sự im vắng tiếng còi trên sân ga Đà Lạt!

Sân ga… vui vẻ!

Tôi đưa danh hiệu “Sân ga vui vẻ” nhất của công trình tuyệt đẹp này trước những cái nhất đã được công nhận là tuyến đường sắt độc đáo nhất Đông Dương với hành trình ngắn nhất (7 km), nhà ga cổ đẹp nhất (xây dựng năm 1932), nhà ga cao nhất, đầu máy cổ nhất (sản xuất năm 1932), tàu ít toa nhất (4 toa), giờ tàu chạy tự do nhất (phụ thuộc vào hành khách), số lượng hành khách bất thường nhất (đoàn tàu có khi chỉ có một hành khách)... và duy trì hoạt động của những cái “đặc biệt” đó chỉ có 17 cán bộ, công nhân viên nhà ga.

Tôi đứng giữa sân ga, cầm chiếc vé trên tay nóng lòng đợi tiếng còi tàu hú báo hiệu sắp vào bến để bắt đầu một hành trình mới. Trong chuyến hành trình tiếp theo, tôi sẽ là một hành khách lần đầu được đi tàu hỏa! Tâm trạng của tôi cũng như của những người bạn đồng hành chắc chắn giống nhau ở niềm vui khám phá, sẽ không ai phải mang nỗi buồn của: Chuyến tàu đã chuyển bánh rồi/ Xe qua từng trạm kéo còi biệt ly… hay: Em tôi đứng giữa ga đời/ Lần đầu tiên khóc, tiễn người đi xa…

Khi tiếng còi tàu tu...tu...tu...vang lên, con tàu xình xịch đưa chúng tôi rời sân ga. Nếu những ai chưa kịp mua vé lên tàu, họ vui vẻ ở lại sân ga, khám phá những điều thú vị của nhà ga với nhiều cái nhất. Sân ga xa dần nhưng không ai buồn bã, ngược lại, tất cả thích thú ngắm cảnh thành phố bảng lãng sương mù qua ô cửa kính. Tàu chỉ duy trì tốc độ 15 km/giờ để du khách được thỏa thích ngắm những đồi thông xanh mát, những ngôi biệt thự cổ kính lấp ló ẩn mình kín đáo trong sắc màu rực rỡ của các loài hoa, những “ngôi nhà” của rau, của hoa cũng hiện ra nhấp nhô như một dòng sông đang uốn lượn dưới thung lũng. Cuối cuộc hành trình, du khách còn được khám phá nét đẹp độc đáo của kiến trúc Phật giáo-chùa Linh Phước với chiếc Đại hồng chung bằng đồng nặng 3,6 tấn và một con rồng khổng lồ mà vẩy được ghép từ 5.000 vỏ chai thủy tinh. Thêm vào đó là chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thị trấn Trại Mát xinh đẹp.

Chỉ sau hơn 1 giờ, tàu đưa chúng tôi “trả” về sân ga. Tiếng còi tàu tu...tu...tu… lại vang lên giục giã. Lần này, tôi đứng trên sân ga nhìn tàu rời bến, lòng bâng khuâng một niềm vui khi vẻ đẹp của Đà Lạt-một viên ngọc quý của đất nước được bạn bè quốc tế hân hoan khám phá qua ô cửa kính của những toa tàu…

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm