Doanh nghiệp Việt Nam đang 'bỏ phí' thị trường Australia?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù là một thị trường vô cùng tiềm năng đối với Việt Nam nhưng trong 10 năm qua (từ 2008-2018), xuất khẩu (XK) hàng hóa Việt Nam sang Australia chưa có đột phá. Hiện Australia chỉ là đối tác XK lớn thứ 13 của Việt Nam, còn Việt Nam chỉ là đối tác nhập khẩu (NK) lớn thứ 14 của Australia.
Theo thông tin của Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), Australia là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất của FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) toàn cầu. Australia cũng là đối tác của Việt Nam theo hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN – Australia/New Zealand (AANZFTA) từ năm 2010. Đặc biệt, mới đây, Việt Nam và Australia đều là thành viên của CPTPP.
Điều đáng chú ý, Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực từ năm 2019, Australia cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 93% số dòng thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Gần như toàn bộ các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ trong vòng 3 đến 4 năm. Như vậy, chỉ trong vòng 1, 2 năm tới toàn bộ hàng hóa của Việt Nam sẽ rộng đường vào thị trường Australia với thuế quan bằng 0%.
Tuy nhiên, tính đến nay giá trị XK của Việt Nam sang Australia vẫn còn khá hạn chế. Cụ thể, trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam năm 2018 thì kim ngạch XK sang Australia chỉ chiếm 1,84%. So sánh với các đối tác XK khác của Việt Nam, Australia chỉ là thị trường XK lớn thứ 13 của Việt Nam năm 2017, với giá trị XK thấp hơn nhiều so với các thị trường XK trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ngược lại, về phía Australia, Việt Nam cũng chỉ là nước NK đứng thứ 14 của Australia, với tỷ trọng NK từ Việt Nam chỉ chiếm 1,74% tổng kim ngạch NK của Australia năm 2017. Trong số 10 nước ASEAN cùng có FTA với Australia (AANZFTA) thì Việt Nam chỉ xếp thứ 4 sau Singapore, Thái Lan và Malaysia về kim ngạch XK sang thị trường Australia.
Đánh giá về thực trạng này, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng: Hiện có một số doanh nghiệp (DN) tận dụng được cơ hội từ các hiệp định đã ký kết giữa Việt Nam và Australia, tuy nhiên còn nhiều DN vẫn chỉ đang đứng nhìn cánh cửa mở ra. Do đó, DN Việt cần chủ động tận dụng cơ hội thực thi cam kết trong khuôn khổ CPTPP, nhất là việc cắt giảm thuế quan để tăng cường XK sang thị trường Australia.
Thanh long tươi là loại trái cây thứ 3 của Việt Nam được xuất khẩu sang Australia vào cuối năm 2017.
Theo bà, Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập, việc Việt Nam và Australia vừa có thêm một FTA mới là CPTPP đã mở ra rất nhiều cơ hội cho XK của Việt Nam sang thị trường này. Do trong CPTPP, Australia có thêm nhiều cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư… Tuy nhiên, DN Việt vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường này do một số nguyên nhân: Nhiều sản phẩm XK truyền thống của Việt Nam lại không phải là sản phẩm Australia có nhu cầu NK cao; các DN Việt chưa đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm của Australia.
Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Australia, Việt Nam nằm trong số 10 nước có số lượng hàng nông nghiệp NK vào Australia bị từ chối trên một đơn vị giá trị NK nhiều nhất giai đoạn 2003-2010. Nhiễm khuẩn, dư lượng thuốc thú y, ghi nhãn là 3 nguyên nhân chính khiến hàng nông nghiệp XK của Việt Nam bị từ chối tại Australia.
Hiện dư địa cho XK hàng Việt Nam sang nước bạn còn nhiều, song đây cũng là thị trường rất khó tính đối với các loại hàng hóa. Australia vốn là một trong những thị trường có quy định về NK rất khắt khe, thậm chí hơn cả Mỹ và EU. Do đó, để tiếp cận được thị trường này chúng ta phải giải quyết được những nhu cầu của thị trường, các quy định pháp lý, yêu cầu NK và người tiêu dùng Australia.
Vì vậy, bà Phương đề xuất, để tăng cường XK vào thị trường Australia, các DN cần đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đổi mới sáng tạo, có chiến lược kinh doanh dài hạn, chú trọng xây dựng thương hiệu. Đồng thời, phải hướng đến nền sản xuất sạch hơn, đảm bảo và có sự hiểu biết về các quy định chất lượng hàng hóa. Thời gian tới, DN phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ khả năng thâm nhập thị trường bạn, tập trung vào một số sản phẩm nông nghiệp độc đáo như: thanh long, xoài; các sản phẩm chủ lực như: dệt may, máy tính, đồ gỗ nội thất, điện thoại...
Đề cập thêm về thách thức đối với DN Việt, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khả năng tận dụng ưu đãi xuất xứ gộp và năng lực cạnh tranh của ngành logictics còn yếu. Nhưng khó khăn lớn nhất của DN là không xây dựng được quan hệ đối tác lành mạnh và bền vững đối với các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành và địa phương.
Vị trưởng ban này cho rằng, Việt Nam phải nâng cao hơn nữa năng lực cho DN trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nhằm thích ứng với các quy định và văn hóa của Australia. Về phía các hiệp hội, ngành hàng cần chủ động đề xuất những vướng mắc của cộng đồng DN, chính sách hỗ trợ DN. Vận động chính sách và hành động cùng cơ quan chính phủ để tiếp thị hàng Việt sang Australia. Để các cơ hội từ CPTPP không một lần nữa bị bỏ lỡ, các nhà XK, đầu tư của Việt Nam cần chủ động giải quyết các vấn đề còn tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để có thể cải thiện và tăng cường XK và đầu tư sang thị trường Australia, tận dụng triệt để các lợi ích từ CPTPP và các FTA đã có và sẽ có giữa Việt Nam và Australia.
Đông Nghi (DNVN)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.