Không tổ chức Phiên chợ hàng Việt về miền núi: Vì thiếu kinh phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm trước đây, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) luôn tổ chức ít nhất 2 phiên chợ hàng Việt về miền núi vào dịp Tết Nguyên đán để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên năm nay, hoạt động này không thể tổ chức do Trung tâm chưa được cấp kinh phí. 
  Phiên chợ hàng Việt về miền núi dịp Tết không chỉ giúp người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận hàng Việt mà còn là ngày hội mua sắm dịp cuối năm. Ảnh: D.Q
Phiên chợ hàng Việt về miền núi dịp Tết không chỉ giúp người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận hàng Việt mà còn là ngày hội mua sắm dịp cuối năm. Ảnh: D.Q

Năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã tổ chức được 6 Phiên chợ hàng Việt về miền núi tại các huyện Ia Grai, Đak Đoa, Chư Pah, Chư Pưh, Kbang và TP. Pleiku với tổng kinh phí 650 triệu đồng. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 1 Phiên chợ đưa hàng Việt qua biên giới tại TP. Ban Lung (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) với kinh phí 380 triệu đồng.

Gần chục năm qua, cứ cận Tết Nguyên đán, các cán bộ của Trung tâm Khuyến công và Xúc thương mại lại xuống vùng sâu, vùng xa để tổ chức Phiên chợ hàng Việt về miền núi. Ngoài việc đem đến cho người dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh một không gian mua sắm uy tín, chất lượng, phiên chợ còn là nơi để bà con nông thôn giải trí sau những ngày tất bật với công việc đồng áng. Thế nhưng năm nay, Phiên chợ hàng Việt về miền núi đã không còn được tổ chức. Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Bích Thu-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại-cho biết: Do Trung tâm nằm trong diện giải thể, sáp nhập nên năm 2019 chưa được phân bổ kinh phí hoạt động. Nguồn kinh phí tổ chức Phiên chợ hàng Việt về miền núi cũng không có. Vì thế, Trung tâm không thể tổ chức phiên chợ phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Phiên chợ hàng Việt về miền núi (trước đây gọi là “Đưa hàng Việt về nông thôn”) được triển khai trên địa bàn tỉnh ta từ năm 2009, là một trong những hoạt động nổi bật nhằm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Sau gần 10 năm triển khai, hoạt động này không chỉ giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa có thêm cơ hội tiếp cận hàng Việt mà còn từng bước nâng cao nhận thức của bà con về hàng Việt. Không chỉ vậy, phiên chợ còn là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp Gia Lai nói riêng quảng bá, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày một lan rộng, hàng Việt ngày càng được người dân tin dùng.
Việc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại không có kinh phí để tổ chức Phiên chợ hàng Việt về miền núi không chỉ gây thiệt thòi cho người dân vùng sâu, vùng xa mà còn khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ông Lê Tuấn Thành-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thanh Phong Gia Lai, doanh nghiệp nhiều năm gắn bó với Phiên chợ hàng Việt về miền núi-chia sẻ đầy tiếc nuối: “Năm nào đến dịp này, Công ty cũng tham gia các Phiên chợ hàng Việt về miền núi. Không chỉ giới thiệu hàng hóa, sản phẩm tại các phiên chợ, công ty còn có nhiều chương trình khuyến mãi như quà tặng, giảm giá… vừa tri ân vừa hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa dịp cuối năm. Năm nay, dù đã lên các chương trình hỗ trợ từ rất sớm song do Phiên chợ hàng Việt về miền núi không tổ chức nên Công ty không thể triển khai”.
Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm